(ĐN) - Nằm trong chương trình làm việc của Quốc Hội, sáng 21-8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
(ĐN) - Nằm trong chương trình làm việc của Quốc Hội, sáng 21-8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Phiên chất vấn do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và được tiến hành trực tuyến đến các tỉnh, thành trong cả nước.
ĐB Trương Văn Vở đang chất vấn Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền |
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Đồng Nai, có Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Trương Văn Vở và lãnh đạo các cơ quan liên quan.
Đã có 44 ĐB đăng ký chất vấn, 26 ĐB đặt câu hỏi, 40 câu hỏi đã được trả lời trực tiếp. Các ĐB đã tập trung chất vấn về các vấn đề liên quan đến việc làm, đào tạo nghề và quản lý lao động nước ngoài, trong đó nhấn mạnh đến đào tạo nghề lao động nông thôn. Các ĐB cho rằng, thời gian qua quản lý nhà nước giữa 2 loại hình trung cấp nghề, cao đẳng nghề và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp còn chồng chéo, thiếu tập trung thống nhất, gây lãng phí, nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Đào tạo nghề chất lượng chưa cao, thiếu ổn định, đào tạo nghề lao động nông thôn chưa hiệu quả, chưa gắn với giải quyết việc làm, chưa thúc đẩy phát triển kinh tế địa phưong, tỷ lệ lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề còn thấp; quản lý lao động nước ngoài còn lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng lao động nước ngoài hoạt động trái phép làm phát sinh một số vấn đề về xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự…
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn của các ĐBQH |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đồng tình với ý kiến của các ĐBQH về vấn đề quản lý nhà nước giữa hai loại hình đào tạo, Bộ trưởng thống nhất, cần quy về một mối, tuy nhiên việc sáp nhập như thế nào là do Chính phủ quyết định. Đây cũng là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Về chất lượng đào tạo nghề, bộ trưởng khẳng định lĩnh vực dạy nghề của ngành vẫn được thực hiện tốt, có hiệu quả. Với đào tạo nghề lao động nông thôn, bộ trưởng cho rằng, do phần lớn lao động đã qua đào tạo nghề là ngắn hạn, chỉ có 3 tháng, chủ yếu là các nghề khuyến nông theo hướng đào tạo bổ sung thêm kinh nghiệm sản xuất, đào tạo nghề làm dịch vụ, đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ gắn với làng nghề. Một số mô hình đào tạo nghề lao động nông thôn đã được thực hiện hiệu quả tại các tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Thái Nguyên, nhiều nông dân đã mạnh dạn vay vốn để sản xuất, qua tổng kết đã đánh giá là tốt.
Trả lời ý kiến ĐB Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Nai về việc đào tạo nghề lao động nông thôn chưa hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu địa phương, bộ trưởng cho rằng, việc chọn nghề để đào tạo phù hợp nhu cầu là trách nhiệm của địa phương, bộ chỉ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc.
Về quản lý lao động là người nước ngoài, bộ trưởng cho rằng, theo quy định, trách nhiệm quản lý là của địa phương, ngành chỉ thực hiện cấp phép theo yêu cầu và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong công tác quản lý.
Trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua thống kê hiện trong hơn 78 ngàn lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, có 39,9% lao động chưa được cấp phép, trong đó phần lớn là lao động đến từ các nước châu Phi, Trung Quốc bằng đường du lịch, việc xử lý các đối tượng này hiện nay rất khó khăn, chỉ có một biện pháp duy nhất là trục xuất (6 tháng đầu năm 2012 đã trục xuất 256 trường hợp). Thứ trưởng đề nghị các ngành liên quan, cơ quan chủ quản các dự án có sử dụng lao động nước ngoài cần tăng cường trách nhiệm quản lý nghiêm nhặt hơn nữa.
Kết thúc phiên chất vấn buổi sáng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong công tác dạy nghề sắp tới, ngành Lao động - thương binh và xã hội cần khắc phục các khó khăn, nhược điểm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề lao động nông thôn, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường hơn nữa công tác quản lý lao động nước ngoài.
Tiếp tục phiên chất vấn, chiều nay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời chất vấn.
T. Thuý