Báo Đồng Nai điện tử
En

Cựu chiến binh trở thành tỷ phú miệt vườn

10:08, 16/08/2012

Sau những năm tháng chiến đấu chống Mỹ khốc liệt ở chiến trường, ông Đỗ Duy Đáng đã cùng gia đình tìm về mảnh đất Đồng Nai (ngụ ở tổ 10, ấp 8, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Tại đây, ông đã miệt mài lao động để vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Sau những năm tháng chiến đấu chống Mỹ khốc liệt ở chiến trường, ông Đỗ Duy Đáng đã cùng gia đình tìm về mảnh đất Đồng Nai (ngụ ở tổ 10, ấp 8, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Tại đây, ông đã miệt mài lao động để vươn lên làm giàu chính đáng.

* Vượt qua khó khăn...

Năm 1964, đất nước còn ngập chìm trong khói lửa chiến tranh, như bao chàng trai khác, ông Đáng lên đường đánh giặc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ hai bàn tay trắng của buổi đầu lập nghiệp, nhờ chăm chỉ lao động, vợ chồng ông Đỗ Duy Đáng hiện có trong tay hàng tỷ đồng từ mảnh vườn kết hợp vườn - ao - chuồng.
Từ hai bàn tay trắng của buổi đầu lập nghiệp, nhờ chăm chỉ lao động, vợ chồng ông Đỗ Duy Đáng hiện có trong tay hàng tỷ đồng từ mảnh vườn kết hợp vườn - ao - chuồng.

6 năm sau, ông kết hôn với một thôn nữ tải lương cho bộ đội. Không lâu sau ngày cưới, ông phải vội vã ra tiền tuyến để tiếp tục chiến đấu, để lại người vợ trẻ ngấn nước mắt mong đợi từng tin tức từ chiến trường báo về. Cũng như bao người lính trẻ ngày ấy, ông dành hết tâm huyết vào từng trận đánh và mong hòa bình sớm lập lại để không còn những đau thương mất mát trên quê hương. Ông cho biết: “Ai đã từng một lần trở về từ cõi chết thì sẽ biết trân trọng sự sống hơn bao giờ hết. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở mình phải sống sao cho thật xứng đáng để con cái còn tự hào”.

Hòa bình lập lại, ông trở về quê nhà Thái Nguyên với đôi bàn tay trắng. Với quyết tâm thoát nghèo, ông quyết định vào Nam để tập trung làm kinh tế, chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, thả cá…

Nơi vùng đất mới, gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn, bởi vùng đất mà gia đình ông canh tác thuộc địa hình cao, mùa nắng các mạch giếng đều cạn nước. Thời điểm đó, vùng này không có điện và những thiết bị phục vụ sản xuất, nên việc trồng trọt, chăn nuôi dựa vào sức người là chính. Không đầu hàng số phận, cứ tờ mờ sáng là hai vợ chồng ông oằn vai gánh từng thùng nước đi tưới cà phê, tiêu, điều… đến tối mịt mới chịu ngơi tay.

Khó khăn, cực khổ nhưng vợ chồng ông vẫn kiên cường chịu đựng để chăm lo cho các con ăn học. Ông cho rằng: “Mình đã nghèo thì có gì mà cho con ngoài tri thức. Vì vậy, dù có đói khổ cách mấy thì 7 đứa con tôi cũng phải ăn học đàng hoàng để ngẩng cao đầu với đời”.

* Trở thành tỷ phú

Các con lần lượt lớn khôn cũng là lúc ông Đáng phải bán dần đất đai để nuôi con học hành. Tuy vậy, ý chí làm giàu trong ông vẫn chưa bao giờ cạn. Ông tâm niệm, số mình “quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì 7 người con nhất quyết phải được sung túc. Nghĩ vậy, ông quyết tâm phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình kết hợp vườn - ao - chuồng mà vợ chồng ông đã rút tỉa kinh nghiệm qua hơn nửa đời người. Sau nhiều đêm trăn trở, ông đánh liều hỏi mượn người quen một số vốn lớn để đầu tư cây trồng, vật nuôi, xây dựng ao chuồng để mở rộng sản xuất.

Tích lũy nhiều năm, đến nay trang trại heo của ông đã có gần 400 con, thêm vào đó là 2 ao cá lớn và mảnh vườn trĩu hạt cà phê, hồ tiêu…, mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng.

3 người con lớn của ông lập gia đình riêng cũng học theo mô hình sản xuất của cha để ổn định cuộc sống, 4 người con kế tiếp đều giữ cương vị quan trọng tại địa phương, nhưng tất cả đều không quên những tháng ngày kham khổ đã qua. Căn nhà lá năm xưa mà cả gia đình ông chen chúc nhau sống, giờ đã đổi thành căn nhà kiên cố với giá trị cả tỷ đồng.

Thấy địa phương mình có nhiều thanh niên nhàn rỗi, ông quyết định thuê họ về làm vườn phụ mình vào mùa thu hoạch. Ban đầu, ai nghe qua chuyện này đều ngăn cản, vì họ sợ hai ông bà già ở nhà sẽ là điều kiện thuận lợi để đối tượng xấu làm chuyện bậy. Ai khuyên ông cảm ơn, nhưng ông nhất quyết giữ nguyên lập trường tạo điều kiện cho những người này có công việc làm ăn ổn định. Bởi vậy, từ đó đến nay, dù những vườn cạnh bên luôn bị trộm “viếng”, nhưng vườn nhà ông thì không hề xảy ra chuyện mất mát gì. Ông tâm sự: “Mình cứ tốt và cứ cho người ta thêm cơ hội thì sẽ thu về trái ngọt. Tôi vốn sinh ra và lớn lên từ nghèo khó, nên tôi hiểu được sự bần cùng của họ. Vì vậy, thay vì xua người ta đi, thì mình hãy dang tay ra giúp đỡ họ”.

Hiện tại, dù đã có tuổi, sức khỏe cũng không còn như trước, nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn không chịu nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Ông bảo rằng: “Làm lâu, thức khuya dậy sớm mãi nên quen tay, ngồi một chỗ còn thấy đau người hơn”. Giờ đây, ông không chỉ hạnh phúc vì mình đã làm được những điều tưởng chừng như không thể, mà hơn hết là các con ông đều hiếu thảo và thành tài từ chính công sức của người cha đầy nghị lực.

Tùng Minh

 

Tin xem nhiều