Báo Đồng Nai điện tử
En

“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý

10:08, 07/08/2012

Việc Trung Quốc đưa ra yêu sách "Đường lưỡi bò" (hay còn gọi là Đường chữ U, Đường đứt khúc 9 đoạn) trên Biển Đông đã vấp phải sự phản bác của nhiều học giả Trung Quốc và quốc tế khi cho rằng, không có cơ sở pháp lý khẳng định "Đường lưỡi bò" là của Trung Quốc.

Bản đồ
Bản đồ

Việc Trung Quốc đưa ra yêu sách "Đường lưỡi bò" (hay còn gọi là Đường chữ U, Đường đứt khúc 9 đoạn) trên Biển Đông đã vấp phải sự phản bác của nhiều học giả Trung Quốc và quốc tế khi cho rằng, không có cơ sở pháp lý khẳng định "Đường lưỡi bò" là của Trung Quốc.

Quá mơ hồ

Tại cuộc Hội thảo An ninh Biển Đông diễn ra ở Oa-sinh-tơn (Mỹ) đầu tháng 7-2012, các học giả quốc tế đều khẳng định, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố "Đường lưỡi bò" tại khu vực Biển Đông và các nước trên thế giới không thể chấp nhận tuyên bố đó.

Theo Giáo sư Jeffery Atik thuộc Trường Luật Loyola Law, Lốt An-giơ-lét (Mỹ), việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Đông là quá mơ hồ khi thường xuyên mang tấm bản đồ do họ vẽ từ năm 1947 với "Đường 9 đoạn" (Đường lưỡi bò) để làm căn cứ lịch sử hỗ trợ cho lập luận đòi hỏi chủ quyền. Trong khi đó, Giáo sư Carlyle Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, "Đường lưỡi bò" không phải là một yêu sách rõ ràng và tuân theo đúng luật pháp quốc tế.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton từng coi những đòi hỏi của "Đường lưỡi bò" trên Biển Đông là không có giá trị. Còn Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain khẳng định, "Đường lưỡi bò" không có cơ sở pháp lý.

Giáo sư Kishore Mahbubani, người đứng đầu Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore cho rằng, việc ngày 7-5-2009, Trung Quốc gửi công hàm, trong đó kèm bản đồ có hình “Đường lưỡi bò” lên Liên hợp quốc, đã đẩy Bắc Kinh bước vào thế không lối ra, vì khó khăn trong việc biện hộ cho bản đồ theo luật quốc tế.

Thêm nhiều bằng chứng ủng hộ Việt Nam

Ngoài việc đưa ra những bài viết, phân tích, các học giả quốc tế còn đưa ra nhiều bằng chứng chỉ rõ chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo tấm bản đồ của Van Langren, người Hà Lan vẽ năm 1595, trên phần đất liền tại vùng Trung Bộ của Việt Nam khi đó, ngoài địa danh rất đáng lưu ý là mũi Varella còn có bờ biển Costa da Pracel, ở đối diện với Pulocanton (Cù Lao Ré) thuộc địa phận của tỉnh Quảng Ngãi. Theo bản đồ Đông Dương của Danvilleen vẽ năm 1735, khoảng cách các đảo gần nhất từ quần đảo Hoàng Sa đến các đảo gần đất liền là của Việt Nam.

Điều này cũng được tấm bản đồ hàng hải châu Âu (thế kỷ XV-XVI) thể hiện qua nét vẽ: Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như hình cờ đuôi nheo. Còn theo bản đồ châu Á thế kỷ XVII do Công ty Đông Ấn Hà Lan (V.O.C.) ấn hành, khu vực Hoàng Sa được thể hiện trên các tuyến đường giao thương quốc tế lúc bấy giờ đã được người phương Tây coi là vị trí chiến lược trọng yếu.

Về phần mình, các triều đại Nhà Thanh cũng đều thống nhất trong việc vẽ bản đồ, qua đó thừa nhận một sự thật lịch sử: Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc Trung Quốc.

Cần chủ động giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Để tránh làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, ngày 29-7, Báo Dân tộc của Thái Lan kêu gọi các nước thành viên ASEAN không có tranh chấp trên Biển Đông cần chủ động hơn nữa để giải quyết vấn đề này. Theo tờ Dân tộc, các nước ASEAN cần thảo luận vấn đề Biển Đông với nhau và với Trung Quốc theo khuôn khổ ASEAN+1. Các diễn đàn khác như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) cũng là các địa điểm lý tưởng để thảo luận vấn đề này.

Dự kiến, từ ngày 11 đến 13-8, tại thành phố Yeosu, Hàn Quốc, sẽ tổ chức hội thảo quốc tế để thảo luận về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) theo quan điểm của châu Á.

Theo QĐND

Tin xem nhiều