Lâu rồi không gặp lại anh bạn làm bên ngành địa chính nên chúng tôi mừng rỡ khi chạm mặt nhau tại một đám tiệc. Nhân lúc chờ chủ nhà sắp xếp bàn ghế, đồ ăn, tôi và anh bạn kiếm chỗ ngồi dưới bóng cây nhãn mát mẻ nói chuyện. Tôi mở đầu bằng câu hỏi mà bạn cho là sửa lưng mình:
Lâu rồi không gặp lại anh bạn làm bên ngành địa chính nên chúng tôi mừng rỡ khi chạm mặt nhau tại một đám tiệc. Nhân lúc chờ chủ nhà sắp xếp bàn ghế, đồ ăn, tôi và anh bạn kiếm chỗ ngồi dưới bóng cây nhãn mát mẻ nói chuyện. Tôi mở đầu bằng câu hỏi mà bạn cho là sửa lưng mình:
- Hội đồng nhân dân vừa rồi họp vẫn “nóng” chuyện dự án, quy hoạch treo! Sao, dạo này ông vẫn bận rộn ba cái vụ quy hoạch treo chứ?
- Thì vẫn vậy thôi. Mà sao bây giờ ông chú ý đến đất đai quá vậy? Buôn bán bất động sản hả?
- Buôn bán gì đâu. Chỗ tôi ở quy hoạch mấy năm nay rồi, có dám sửa nhà sửa cửa gì đâu. Buồn nẫu ruột gan đây nè!
- À chỗ ông treo rồi?
- Lại treo. Khu nhà tôi bà con nghèo lắm, treo hoài làm ăn gì nổi?
Thấy tôi có vẻ bức xúc, anh bạn cười bảo:
- Ngành giáo dục của ông cũng quy hoạch treo đầy ra đấy. Bữa nọ đi ăn tiệc, ngồi cùng mấy sếp hiệu trưởng, mấy sếp than cái vụ quy hoạch cán bộ nhà trường quá trời. Trường có giáo viên giỏi trong diện quy hoạch, nhưng cơ quan quản lý cấp trên không dùng, lấy người chưa quy hoạch lên làm hiệu trưởng, hiệu phó. Mà thôi cứ cho là thế đi, song phải lấy người giỏi chuyên môn để còn làm được việc chứ, cất nhắc cả những người không có năng lực!
- Chà, ông không ở trong ngành tôi mà hiểu dữ vậy ta?
- Tôi hỏi ông nha, ở trường tiểu học chỗ con tôi học đưa cả giáo viên bộ môn tiếng Anh, đưa người làm tổng phụ trách Đội lên làm quản lý, sao mà dự giờ giáo viên các môn Toán, tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý... được. Rồi còn chỉ đạo chuyên môn nữa, biết gì mà làm. Chẳng trách, xã hội kêu ca đội ngũ quản lý giáo dục ngày càng yếu, chất lượng xuống cấp là phải.
Tôi đúng là phục lăn cái tài nhìn giáo dục bằng con mắt khá sâu sắc của anh bạn. Đúng là anh nói chẳng sai chút nào. Đó là tình trạng phổ biến hiện nay ở nơi này nơi nọ. Tôi cười cười, khen:
- Ông đúng là phụ huynh quan tâm đến giáo dục số một.
- Ủa, ông quên trước đây tôi từng dạy học rồi à?
- Ừ nhỉ. Thì cũng giống ông thôi, lương thấp quá bỏ nghề đi làm việc khác.
Người bạn trố mắt nhìn tôi. Có vẻ như thấy tôi nói chẳng ăn nhập gì với nhau. Tôi bèn giải thích:
- Giáo viên giờ ít ai muốn làm cán bộ quản lý lắm. Lên hiệu trưởng, hiệu phó bị mất dạy thêm, mất thu nhập lấy gì đảm bảo cho cuộc sống đây. Được lên làm “quan” mà nhiều người còn phải chạy để khỏi bị làm quan. Thế là những người có tài, giỏi chuyên môn đều từ chối hay thoái thác khi được mời lên làm sếp. Các sếp ở trên đành chọn phương án tréo ngoe như ông biết đấy. Có khi lãnh đạo còn bổ nhiệm sai quy định của Điều lệ trường tiểu học nữa mới có người để mà cho lên chức. Thôi thì có người làm còn hơn không. Đó là còn đỡ, chứ có nơi vài ba năm nay vẫn khuyết cán bộ quản lý kìa.
- Ông nói lạ nhỉ. Thế rõ là, càng quy hoạch treo bên ông người ta càng mừng. Luật Viên chức đâu? Các sếp ông chịu thua à? Bên ông khỏe thiệt, chắc không có ba cái vụ chạy chức?
- Tạm gác chuyện quy hoạch treo đi, mời hai ông vào bàn.
Tiếng anh bạn chủ nhà cắt ngang câu chuyện của chúng tôi và nhờ thế tôi không phải trả lời câu hỏi quá khó của anh. Nhưng bữa nào chắc tôi cũng phải hầu chuyện hỏi sếp trưởng phòng cái vụ này xem sao.
Nhà giáo Đào