Người dân ở ấp 5, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) từ lâu đã quen thấy cảnh một người đàn ông ngày hai buổi đến trước bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh tiêu diệt sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan (đêm 20-12-1967) để thắp hương tưởng nhớ.
Ông Lê Thanh Hải lau chùi bia tưởng niệm liệt sĩ Đại đội 240 Nhơn Trạch hy sinh trong trận đánh đêm 20-12-1967. Ảnh: Đ.VIỆT |
Người dân ở ấp 5, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) từ lâu đã quen thấy cảnh một người đàn ông ngày hai buổi đến trước bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh tiêu diệt sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan (đêm 20-12-1967) để thắp hương tưởng nhớ.
Đó là ông Lê Thanh Hải, thương binh 3/4, cựu chiến binh Đại đội 240 Nhơn Trạch thời chống Mỹ. Người thương binh này vẫn còn nặng nợ với các đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
* Nặng nợ với đồng đội
Khi nghe chúng tôi hỏi “chạm” đến tâm tư của mình dành cho các liệt sĩ, ông Hải bộc bạch, do nhập ngũ sau này nên trận đánh tiêu diệt Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan vào đêm 20-12-1967 ông không tham gia. Về sau, khi sinh hoạt rút kinh nghiệm trận đánh và nghe các đồng đội đi trước trong đơn vị kể lại, ông cũng hình dung phần nào sự khốc liệt của trận đánh.
Ông Hải cho biết, lúc ấy, khu vực Bàu Nâu, xã Phước Thọ (nay là ấp 5, xã Long Thọ) nằm trong vùng chiếm đóng của quân chư hầu Thái Lan. Từ đây, chúng xây dựng đồn bót, xua quân đàn áp phong trào cách mạng địa phương, gây khó khăn cho hoạt động của ta. Do vậy, chủ trương của trên là phải tiêu diệt hệ thống đồn bót này, để tạo hành lang an toàn cho các hoạt động của cán bộ, du kích và bộ đội trong vùng căn cứ. Đại đội 240 Nhơn Trạch (C240) được giao nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7 thực hiện trận đánh này.
Trước khi trận đánh diễn ra, bộ đội ta tổ chức điều nghiên rất kỹ địa hình, vẽ sơ đồ chi tiết hệ thống phòng thủ bên trong căn cứ địch. Khi đó, địch chưa bố trí xe tăng hạng nặng trong khu vực phòng thủ ở đây, nên khi thông qua kế hoạch tác chiến, quân ta không chú ý chi tiết này. Tuy nhiên, chỉ 1-2 ngày sau đó, khi bộ đội tập kết về khu rừng khộp gần căn cứ địch để chuẩn bị mở đợt tấn công, thì địch bất ngờ điều 5 xe tăng hạng nặng về bố trí ở các vị trí hiểm yếu bên trong căn cứ và được giấu dưới các công sự. Do không phát hiện được sự thay đổi trong hệ thống phòng thủ của địch, quân ta vẫn thực hiện trận đánh theo kế hoạch.
* Nỗi đau chưa tìm được hài cốt đồng đội
21 giờ ngày 20-12-1967, lúc địch đang tập trung trước sân xem chiếu phim, bộ đội ta chia thành 3 mũi tấn công vào chỉ huy sở Tiểu đoàn Mãng Xà Vương. Sau những loạt pháo, cối của ta bắn cấp tập vào quân địch, tiêu diệt một lực lượng lớn địch đang tập trung xem phim. Do chủ động phòng thủ từ trước, địch phản công dữ dội. Hỏa lực từ 5 chiếc xe tăng địch quá mạnh, đã gây cho quân ta nhiều thiệt hại, buộc phải dừng trận đánh. Hàng chục liệt sĩ hy sinh trong trận đánh phải nằm lại mà không lấy được xác. Sáng hôm sau, địch mang xác các anh đi vùi lấp tại một vị trí bên cánh rừng khộp, cách căn cứ của chúng hơn trăm mét, gần nơi đặt bia tưởng niệm các anh ngày nay.
Ông Lê Thanh Hải nói: “Mấy mươi năm nay, tôi vẫn quyết tâm đi tìm hài cốt của các anh. Mỗi khi nghe dân báo ở chỗ nào nghi ngờ có hài cốt liệt sĩ C240, tôi lại đi tìm...”. |
Chiến tranh đã lùi xa, trận đánh đêm 20-12-2967 chỉ còn trong ký ức, nhưng ông Hải vẫn còn mang một nỗi ưu tư trong lòng. Nghĩ mình còn may mắn sống sót trở về, trong khi nhiều đồng đội phải vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường mà đến nay chưa tìm thấy hài cốt, lòng ông thêm đau nhói. Tri ân công ơn các liệt sĩ, mỗi năm cứ đến ngày 27-7, 20-12 và ngày tết cổ truyền của dân tộc, ông đều sửa soạn mâm cơm cúng các liệt sĩ tươm tất. Ban đầu, việc cúng kiếng chỉ diễn ra trong gia đình ông. Về sau, thấy việc làm ý nghĩa của ông, nhiều cựu binh C240 tìm đến đóng góp, hỗ trợ cùng ông lo ngày giỗ của đồng đội.
Năm 1994, khi bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh được dựng lên, mỗi ngày hai bữa sáng - chiều, ông Hải tự nguyện dành phần lo hương khói cho liệt sĩ một cách tươm tất.
V.Đức