Báo Đồng Nai điện tử
En

Cán bộ Tuyên giáo cơ sở: Sáng tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ

09:07, 30/07/2012

Cùng với sự lớn mạnh của ngành Tuyên giáo cả nước, Tuyên giáo Đồng Nai đã có bước trưởng thành, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng đặt ra. Có được thành công đó là nhờ vào sự đóng góp rất lớn của đội ngũ những cán bộ làm công tác Tuyên giáo ở cơ sở.

Cùng với sự lớn mạnh của ngành Tuyên giáo cả nước, Tuyên giáo Đồng Nai đã có bước trưởng thành, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng đặt ra. Có được thành công đó là nhờ vào sự đóng góp rất lớn của đội ngũ những cán bộ làm công tác Tuyên giáo ở cơ sở.

Ông Vũ Minh Khởi, Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Xuân Thanh (TX. Long Khánh)

Nguyên là Trưởng phòng bảo vệ an ninh Quân khu 7, năm 1997 về hưu, ông Vũ Minh Khởi (SN 1943) được phường đề cử làm Bí thư Chi bộ KP3, phường Xuân Thanh. Từ năm 2004, ông Khởi làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường cho đến nay.

Đảm nhận một nhiệm vụ mới mẻ nên ông Khởi rất chịu khó tìm hiểu sách báo, tài liệu liên quan đến công tác Tuyên giáo. “Khó nhất là công tác tuyên truyền miệng để làm sao truyền đến cho bà con những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước” - ông Khởi cho biết.

Ông thường tiếp xúc với người dân để tuyên truyền về đường lối, chính sách. Ông cũng sáng tác thơ, viết về những tấm gương người tốt - việc tốt rồi đọc cho mọi người nghe, đồng thời khai thác các bài báo nói về những vấn đề thời sự nóng bỏng để chuyển thành những bản tin riêng của phường xuất bản hàng tháng. Ông tích góp tiền nhuận bút viết báo về làm bản tin xuất bản hàng tháng, do ông tự viết, trình bày, in ấn. Ông còn phối hợp làm những video clip tuyên truyền những gương cựu chiến binh làm theo lời Bác, tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, đạo đức trong cuộc sống...

Ông trang bị cả máy chụp hình, thường xuyên đi viết bài gửi báo, làm bản tin. Mỗi sáng đầu tuần, ông chọn một gương người tốt - việc tốt để phổ biến cho các chi bộ Đảng các khu phố đọc và học. Những bài báo, bản tin được ông treo lên ngay phòng tiếp dân để mọi người được xem. Ông còn cắt hàng loạt bài báo viết về Đảng, Bác Hồ rồi đóng thành tập sách để tự đọc nâng cao kiến thức, đồng thời giới thiệu đến các thành viên trong các khu phố đọc. Với những sáng tạo trên, ông là một trong những điển hình trong công tác Tuyên giáo được tỉnh biểu dương trong 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ông Phan Trung Lạp, Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom)

Ở tuổi ngoài 70, nhiều người muốn được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, thế nhưng ông Phan Trung Lạp vẫn luôn bận rộn với công tác Tuyên giáo tại địa phương. Đối với ông, được làm công tác Tuyên giáo chính là niềm vui.

Theo ông Lạp, việc triển khai các chủ trương của cấp trên tới người dân không thể làm xong trong một lần gặp gỡ mà phải là thường xuyên và liên tục, bằng nhiều hình thức và có thể là gặp riêng từng đối tượng cụ thể. Đối với người dân tại địa phương, công tác Tuyên giáo được thông qua các buổi sinh hoạt tổ nhân dân. Muốn nhân dân đồng thuận thì cán bộ Tuyên giáo phải nói sao cho dễ hiểu, đồng thời cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện trước. Cán bộ Tuyên giáo không chỉ nói để dân nghe mà ngược lại thường xuyên nghe dân nói để hiểu thêm tình hình thực tế, tâm tư nguyện vọng của dân.

Ở xã Bắc Sơn, công tác Tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào công tác vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, như: làm đường giao thông, giảm nghèo, từ thiện… Tại các ấp, như: Bùi Chu, An Chu có trên 80% tuyến đường đã được người dân đóng góp tiền cùng với Nhà nước làm bê tông hoặc nhựa hóa. Một số ấp khó khăn hơn, như: Bắc Hòa, Tân Thành cũng có trên 60% đường giao thông hoàn thành việc bê tông hoặc nhựa hóa.

Nếu như năm 2006, xã Bắc Sơn còn 5% số hộ nghèo, thì nay chỉ là 1% hộ nghèo theo chuẩn mới. Ông Lạp cho biết thêm, xã luôn quan tâm tới công tác Tuyên giáo cho đối tượng là công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn thông qua việc tổ chức các buổi tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, chính sách lao động… Các hoạt động trên được người dân hưởng ứng nhiệt tình bằng cách cho mượn địa điểm là nhà riêng, nhà hàng để tổ chức.

Ông Hoàng Xuân Lợi, Phó ban Tuyên giáo xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất)

7-Hoang-Xuan-Loi.jpg
 

Từng công tác trong quân đội nhiều năm, khi về nghỉ hưu tại xã Bàu Hàm 2 vào năm 1992, ông Hoàng Xuân Lợi lại tích cực tham gia công tác địa phương với vai trò là Chủ tịch MTTQ xã. Theo phân công của Đảng ủy xã, năm 2004, ông Lợi lại chuyển sang đảm nhận nhiệm vụ mới là Phó ban Tuyên giáo của xã.

Ông Lợi cho biết, xã Bàu Hàm có trên 20 ngàn nhân khẩu được chia làm 5 ấp, trên 60% dân số của xã là đồng bào có đạo. Muốn làm tốt công tác Tuyên giáo để người dân hiểu được các chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước thì người làm công tác Tuyên giáo phải nắm chắc vấn đề, có sự chuẩn bị chu đáo trước khi triển khai tới mọi đối tượng, từ cán bộ, đảng viên tới quần chúng nhân dân. Một yếu tố quan trọng khác của người làm công tác Tuyên giáo là phải nói đi đôi với làm, phải làm trước cho dân tin rồi mới nói cho dân nghe theo.

Mỗi lần tiến hành tuyên truyền các chủ trương, chính sách tới người dân, ông Lợi thường nghiên cứu kỹ vấn đề cần truyền đạt, chọn những nội dung trọng tâm gắn với tình hình thức tế của địa phương và đặc điểm của người dân. Theo ông Lợi, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cấp trên thì rất nhiều, có khi phải mất cả tuần vẫn chưa nghiên cứu xong nhưng khi xuống truyên truyền cho người dân thì chỉ có khoảng thời gian 1 đến 2 tiếng đồng hồ, do đó phải nghiên cứu, có đề cương cụ thể để nói cho bà con thông. Mặt khác, với đặc điểm là xã có đông đồng bào có đạo, ông Lợi đã có những buổi quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các chức sắc, bộ phận giúp việc…

Ông Lợi cho biết thêm, qua triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác Tuyên giáo đã góp phần rất quan trọng cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại xã đạt được kết quả tốt. Hàng năm, 100% cán bộ, đảng viên trong xã đều tự giác đăng ký thi đua với Đảng ủy xã về chương trình rèn luyện, người dân đến giải quyết các thủ tục ở xã được nhanh gọn hơn, xã có 31 điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được ghi trong kỷ yếu của tỉnh.

“Niềm vui lớn nhất của tôi khi làm công tác Tuyên giáo là làm cho người dân trong xã hiểu thông và tự giác chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời bản thân mình cũng phải luôn suy nghĩ và hành động cho đúng để người dân tin và làm theo” - ông Lợi nói.

Ông Tạ Thanh Nhàn (phải).
Ông Tạ Thanh Nhàn (phải).

Ông Tạ Thanh Nhàn, Phó trưởng ban Tuyên giáo xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu): Tâm huyết với công việc

Là một cựu chiến binh, sẵn chất lính trong mình nên ông Tạ Thanh Nhàn tham gia rất tích cực vào các hoạt động xã hội. Ông Nhàn được người dân trong xã biết đến với nhiều chức danh “kiêm nhiệm” như: Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Phó ban Tuyên giáo của xã... Song, theo ông, làm gì thì làm, việc gì cũng phải đặt hết tâm huyết của mình vào mới có thể làm tốt được.

Là một cán bộ Tuyên giáo, ông Nhàn đã tích cực tham gia nhiều hoạt động vận động, tuyên truyền người dân trong ấp, trong xã tham gia học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông đã phối hợp với chính quyền xã tổ chức gần 300 buổi học và làm theo gương Bác với hơn 14 ngàn lượt người tham dự; thực hiện và duy trì thường xuyên mô hình kể chuyện về “Tấm gương điển hình học theo gương Bác” vào sáng thứ hai hàng tuần, nhất là trong các trường học trên địa bàn xã; triển khai đôn đốc viết bài thu hoạch trong 100% cán bộ đảng viên, công nhân viên trong xã; tổ chức thành công 2 hội thi “Kể chuyện về tấm gương Bác Hồ” và hội thi viết về “Tấm gương người tốt - việc tốt”.

Không chỉ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, mà bằng tâm huyết của mình, ông đã tham gia vận động nhiều người dân trong xóm ấp của mình tham gia phong trào xã hội, như: hiến đất làm đường; phong trào giữ sạch môi trường xóm ngõ, phòng chống dịch bệnh; phong trào xây dựng “nông thôn 4 có”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đất với mô hình “rau sạch cho gia đình” và bản thân gia đình ông luôn tiên phong. Ông đã hiến hàng trăm mét đất để làm đường, giúp vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất cho một số hộ nghèo cải thiện cuộc sống…

P.Liễu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

T.Hiệu-C.Nghĩa

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều