Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan đường về…

10:07, 25/07/2012

45 năm đã trôi qua, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 4, Sư đoàn bộ binh 5) vẫn còn đó nỗi đau bởi chưa đưa được hài cốt của 81 đồng chí hy sinh trong trận đánh chốt vườn điều ở xã Phước Thọ (nay là xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) trở về với người thân, gia đình và đồng đội...

 

45 năm đã trôi qua, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 4, Sư đoàn bộ binh 5) vẫn còn đó nỗi đau bởi chưa đưa được hài cốt của 81 đồng chí hy sinh trong trận đánh chốt vườn điều ở xã Phước Thọ (nay là xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) trở về với người thân, gia đình và đồng đội...

Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Hạnh Phúc - người có thâm niên gần 40 năm đi tìm và quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn cho biết, riêng với trường hợp các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh này đã có hàng chục đợt khảo sát, tìm kiếm với quy mô lớn, nhưng đến nay đường về của các anh vẫn còn mờ mịt, gian nan.

* Ra đi vì dân tộc

Trong ký ức các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2, trận đánh chốt vườn điều vẫn hằn sâu không thể nào quên bởi phải chứng kiến hầu hết đồng đội hy sinh ngay trước mắt. Theo ông Võ Phi Long (phường Tân Phong, TP. Biên Hòa), lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 2, khoảng năm 1966-1967 quân chư hầu Thái Lan đưa Tiểu đoàn Mãng xà Vương về đóng căn cứ ở vùng Long Thành - Nhơn Trạch, không chỉ tăng cường càn quét, phá hoại lực lượng kháng chiến mà còn gây nhiều tội ác tày trời đối với người dân. Vì vậy, chủ trương của ta là đưa lực lượng bộ đội chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương tiến công nhằm tiêu hao sinh lực địch và gây tiếng vang cho phong trào cách mạng miền Nam. Tiểu đoàn 2 và Đại đội 240 của Nhơn Trạch đã được giao nhiệm vụ quan trọng này. Điểm tiến công là chốt của lính Thái Lan tại khu vườn điều ở ấp 5, xã Phước Thọ, nằm cặp theo hương lộ 19 hiện nay và cách căn cứ chính của chúng khoảng mười mấy cây số.

Đội quy tập hài cốt liệt sĩ đào hố thám sát trong đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Tiểu đoàn 2 vào tháng 5-2012. Ảnh: T.Thúy
Đội quy tập hài cốt liệt sĩ đào hố thám sát trong đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Tiểu đoàn 2 vào tháng 5-2012. Ảnh: T.Thúy

Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó Trần Văn Hướng, trận đánh diễn ra lúc 21 giờ 30  ngày 20-12-1967. Trước đó 20 ngày, đơn vị cùng với C240 đã tổ chức trinh sát, thấy nơi đây có khoảng 100 lính Thái Lan đóng quân, vì thế ta chọn lối đánh tập kích bất ngờ và chia thành 3 mũi tiến công. Khoảng 30 phút đầu tiên, Tiểu đoàn 2 làm chủ được tình hình, nhưng điều bất ngờ là xe tăng địch không biết

Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, đã có trên 16 ngàn hài cốt liệt sĩ được tìm thấy và quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt. Đây là nỗi đau không chỉ của người thân, đồng đội mà còn là nỗi đau chung của mọi người. Vì thế, chính quyền địa phương vẫn mong mỏi những ai biết thông tin về mộ liệt sĩ cần cung cấp để đưa các anh về, thực hiện trọn vẹn nghĩa tình với người hy sinh vì độc lập dân tộc.

điều tới từ bao giờ (lúc trinh sát không thấy có tăng thiết giáp) bắt đầu bắn vào đội hình khiến anh em hy sinh rất nhiều. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 cố gắng tìm cách khống chế hỏa lực địch nhưng xe tăng nằm nấp dưới công sự, rất khó tiếp cận, lại thêm máy bay địch tiếp viện quần đảo trên không rọi đèn cho địch tập trung hỏa lực. Tình hình càng lúc càng bất lợi, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 hy sinh càng lúc càng nhiều, nên cuối cùng lãnh đạo tiểu đoàn quyết định rút lui mà không thể đưa số anh em đã hy sinh ra ngoài. Theo ước tính, trận đó ta tổn thất khoảng trên 90 người mà phần lớn là chiến sĩ Tiểu đoàn 2 (riêng Đại đội 1 của đồng chí Võ Phi Long đã hy sinh trên 20 người)…

* Mong sao đưa các anh về

Các tử sĩ trong trận đánh sau đó được chôn cất ở đâu là điều không ai được biết. Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất, khoảng năm 1981-1982, tức 15 năm sau trận đánh năm xưa, mọi người mới có điều kiện bắt tay vào tìm kiếm. Trong các tài liệu của địch để lại không có một thông tin nào về nơi chôn cất. Nơi diễn ra trận đánh lại là một trảng cỏ lớn, không có nhà dân nên manh mối hầu như không có. Nhưng mọi người - kể cả những người không thuộc Tiểu đoàn 2 vẫn không nản lòng, kiên trì tìm kiếm. Một bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh đã được các đồng đội, chính quyền địa phương và người dân dựng lên ở ngay nơi xảy ra trận đánh năm xưa. Hàng năm đúng vào hy sinh - ngày giỗ chung của trên 90 liệt sĩ mọi người lại cùng nhau tề tựu để khói hương tưởng nhớ. Nhưng hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy vẫn khiến người ở lại ray rứt không yên.

Tuổi trẻ Đồng Nai tổ chức Ngày thứ bảy tình nguyện tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.            Ảnh: C.NGHĨA
Tuổi trẻ Đồng Nai tổ chức Ngày thứ bảy tình nguyện tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ảnh: C.NGHĨA

Trong những lần tìm kiếm nhân chứng, đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ nắm được thông tin mỏng manh từ người dân về nơi chôn cất liệt sĩ. Một người dân sống gần khu vực diễn ra trận đánh cho biết, thời điểm đó trong một lần chạy xe lam ngang qua khu vực vườn điều đã nhìn thấy cảnh xe nhà binh GMC của địch đang đổ rất nhiều xác người - phỏng đoán là xác chiến sĩ của ta bị hy sinh, xuống một hố rất lớn, sâu, đến lúc chiều khi chạy xe về ngang qua thì nơi này đã bị lấp lại. Dù thông tin còn mơ hồ, vẫn còn khá nhiều nghi vấn nhưng từ chi tiết này, đội quy tập đã nhiều lần đào các hố thám sát tại các khu vực do người dân cung cấp. Tuy nhiên có thể do thời gian đã quá lâu, lại thêm địa hình khu vực có nhiều thay đổi, nhà dân hiện nay đã cất lên san sát nên vẫn chưa tìm được nơi chôn cất chính xác.

Trung tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh - người nhiều năm làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ kể: ngày 1-4-2011, từ tin báo của quần chúng, đội quy tập đã phát hiện hài cốt 6 liệt sĩ tại khu vực nghĩa địa ấp Suối Sóc, xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ). Đây là mộ tập thể, trong đó có 1 bộ hài cốt được bọc trong tăng võng và cuốn cẩn thận bằng dây dù, 5 bộ hài cốt còn lại thì nằm chồng lên nhau rất lộn xộn. Từ hiện trường khai quật, phỏng đoán đây là tổ 5 người đang chuẩn bị mai táng 1 đồng đội thì bị tập kích và hy sinh. Kẻ địch sau đó đã mang các anh vào khu nghĩa địa, đào hố vứt xác các anh xuống rồi vùi lấp lại. Di vật tìm thấy gồm có hộp quẹt, lược, mũ tai bèo, dép cao su, pin, quân trang quân dụng, đạn, và đặc biệt ở một bộ hài cốt còn tìm thấy 2 chiếc nhẫn kim loại màu vàng được cột lại với nhau bằng sợi ny-lông, trên có khắc một số ký hiệu. Hiện các di vật này đang được lưu giữ tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để làm căn cứ tìm kiếm tung tích liệt sĩ. “Nếu không tìm kiếm được, chúng tôi sẽ xin ý kiến để đưa số di vật này vào Bảo tàng kháng chiến” - Trung tá Tâm cho biết.

Mới đây, ngày 14-5-2012, đội quy tập lại tiếp tục đào thám sát ở 5 vị trí, gồm: vườn tràm nhà ông Lê Thanh Hải, vườn điều ông Đỗ Ngọc Huyền Quang, khu tiếp giáp vườn điều, khu tiếp giáp đường 319 và vườn nhà ông Nguyễn Hùng Dũng. Đợt tìm kiếm quy mô lớn này kéo dài cả tháng, nhưng chỉ phát hiện được một số vỏ lon bia Thái Lan, vỏ đạn. Không nản lòng, ngày 9-7-2012, Huyện ủy và UBND huyện Nhơn Trạch  đã tổ chức một hội thảo về trận đánh chốt vườn điều năm 1967, bước đầu xác định được danh sách 81 liệt sĩ của Tiểu đoàn 2. Từ thông tin của các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 còn sống sau trận đánh năm xưa tại hội thảo, như các ông: Phan Thanh Việt (Tiểu đội phó, hiện sống ở Nhơn Trạch), Nguyễn Thành Đồng (Trung đội phó), Võ Minh Chiến (Trung đội trưởng), Nguyễn Văn Hùng, Huỳnh Văn Thành… một vị trí nghi vấn là nơi chôn cất đã được xác định. Nhưng do vị trí này hiện đang bị ngập nước nên dự kiến khi hết mùa mưa mới tiến hành khảo sát. “Thông tin từ các nhân chứng lịch sử đã có cơ sở, hy vọng rằng lần này sẽ tìm được đúng vị trí. Dù gian nan, vất vả đến mấy vẫn phải cố tìm được để đưa các anh về…” - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Đoàn Thạnh, là người đã rất nhiều lần tham gia tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ Tiểu đoàn 2 nói trong hy vọng…

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều