37 năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng là gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, thiết thực và hiệu quả.
37 năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng là gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, thiết thực và hiệu quả.
Chồng là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến, con gái lại bị bệnh thường xuyên không lao động được mà còn phải thuốc men điều trị, sức khỏe bản thân cũng suy yếu nên gia đình bà Chóng Nhì Múi (xã Phú Vinh, huyện Định Quán) gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ được chính quyền địa phương xây dựng cho căn nhà tình nghĩa khang trang có chỗ che nắng tránh mưa, mới đây gia đình bà Múi còn được hỗ trợ vốn và hướng dẫn nuôi gà để tăng thêm thu nhập khiến mọi người hết sức phấn khởi.
* Cộng đồng chung tay đền ơn đáp nghĩa
Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, từ nhiều năm nay công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công trong toàn tỉnh đã trở thành thường xuyên và đi vào nề nếp. Không chỉ thực hiện đúng và đủ các chế độ trợ cấp theo quy định, nhiều phong trào chăm sóc đời sống người có công đã được khởi xướng dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú, như đón nhận thương - bệnh binh về gia đình, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), nhận đỡ đầu cha mẹ liệt sĩ, nuôi dưỡng con liệt sĩ, tặng nhà tình nghĩa, mở sổ tiết kiệm giúp gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ sản xuất cho thương binh…
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi cha liệt sĩ. |
Chỉ tính từ 2007 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã đóng góp gần 1,3 tỷ đồng mở sổ tiết kiệm cho 606 thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, xây mới 123 nhà tình nghĩa và hỗ trợ sửa chữa 1.226 căn nhà cho đối tượng người có công với kinh phí gần 17 tỷ đồng. Tất cả các bà mẹ VNAH đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Đặc biệt, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa từ khi thành lập vào năm 1999 đến nay đã huy động được trên 57 tỷ đồng để chăm lo cho các đối tượng chính sách. 6 tháng đầu năm 2012, dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn tỉnh vẫn vận động được trên 3,5 tỷ đồng cho công tác đền ơn đáp nghĩa. Nhiều đơn vị đã trở thành “địa chỉ” đóng góp quen thuộc, như Công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Tín Nghĩa, Công ty cao su Đồng Nai, Công ty cổ phần may Đồng Tiến…
* Không để gia đình chính sách nằm trong diện hộ nghèo
Đó là quyết tâm của Đồng Nai trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thực hiện quyết tâm này, cả hệ thống chính trị đã có những hoạt động thiết thực để hỗ trợ đời sống của các hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách, kể cả các hộ từ nơi khác chuyển về sinh sống
Ông Cổ Thế Hành, Phó phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Định Quán cho biết, huyện thường xuyên rà soát lại thực trạng từng hộ nghèo là gia đình chính sách để từ đó có hướng hỗ trợ phù hợp với thực tế. Như với hộ ông Phạm Văn Tộ (xã Thanh Sơn) là thương binh, nhà có 4 người nhưng vợ thường xuyên đau ốm, nhà tuy có 3 sào đất trồng xoài nhưng do thiếu nhân lực canh tác nên vẫn thiếu trước hụt sau, đời sống khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, ngoài việc xây dựng nhà tình nghĩa, địa phương còn hỗ trợ gia đình ông chăn nuôi gà - một công việc nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe của các thành viên trong gia đình để tăng thu nhập. Với những hộ hoàn toàn không còn sức lao động, địa phương sẽ vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm hàng tháng.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng và nỗ lực vươn lên của chính mình, nhiều gia đình chính sách, người có công không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn chung tay chăm lo cho đồng đội, trở thành tấm gương tiêu biểu trong xã hội. Như thương binh Trần Văn Phú (TX.Long Khánh), người chiến sĩ từng tham gia Chiến dịch Xuân Lộc năm 1975 khi trở về địa phương chỉ có chiếc ba lô cùng với những vết thương trong chiến tranh, nhưng ông đã khắc phục khó khăn, bệnh tật, không ngừng nỗ lực vươn lên, mở cơ sở sản xuất không chỉ giúp gia đình ổn định cuộc sống mà còn tạo công ăn việc làm cho một số người dân địa phương. Hay thương binh Trần Ngọc Tưởng (huyện Cẩm Mỹ) nhiều năm liền được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi với thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm và luôn tích cực trong nghĩa tình với đồng đội. |
Với cách làm trên, nhiều hộ gia đình chính sách đã có điểm tựa để vượt khó vươn lên, và cách làm này đang được áp dụng ở nhiều địa phương. Như ở huyện Tân Phú, hộ ông Hoàng Sỹ Trạc (xã Phú Sơn) là người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, gia đình khó khăn nhưng có đến 3 người con đang theo học đại học, do đó địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ, nâng mức trợ cấp hàng tháng của gia đình lên gần 4 triệu đồng để các con ông tiếp tục đến trường. Hay gia đình ông Vi Thế Bồng (xã Thanh Sơn) hiện có 3 sào ruộng, 1 cửa hàng thuốc nam với tổng thu nhập bình quân 870 ngàn đồng/tháng, tuy đã vượt chuẩn nghèo nhưng ông lại có 3 người con đang học đại học nên địa phương vẫn đề xuất cho gia đình nằm trong diện hộ nghèo với những ưu đãi về bảo hiểm y tế, giáo dục, vốn vay nhằm giúp cho con ông có điều kiện học hành để thoát nghèo trong tương lai.
Theo bà Lê Thị Mỹ Phượng, bên cạnh chế độ trợ cấp và những chính sách ngày càng mở rộng, sẽ có những giải pháp hỗ trợ cụ thể hơn để đưa đời sống các hộ gia đình chính sách không chỉ vượt nghèo mà ngày càng nâng cao hơn cùng với mức sống của cộng đồng, đó mới là sự đền ơn đáp nghĩa thiết thực và ý nghĩa nhất.
Hà Lam