Năm 2012 là năm Việt Nam và Lào tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 - 5-9-2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18-7-1977 - 18-7-2012).
III. HỢP TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - LÀO (1976 - 2007)
1. Hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào giai đoạn 1976 - 1985
Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền. Tuy nhiên, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hai nước Việt Nam và Lào đều phải ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh kéo dài 30 năm, đặc biệt là hậu quả thống trị của chủ nghĩa thực dân mới. Nền kinh tế của Việt Nam và Lào về cơ bản còn hết sức lạc hậu và phụ thuộc nặng nề vào nước ngoài. Điểm xuất phát của hai nước đều từ nền kinh tế nông nghiệp có trình độ canh tác, năng suất và sản lượng rất thấp; tư duy lãnh đạo kinh tế còn mang nặng tính tập trung bao cấp từ thời chiến… Trong khi đó, các thế lực thù địch trong nước và bên ngoài câu kết, tìm cách chia rẽ Lào với Việt Nam, Việt Nam với Lào gây khó khăn, trở ngại không nhỏ cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào.
Lãnh đạo hai tỉnh Đồng Nai - Champasak tại lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa hai tỉnh (tháng 6-2012). Ảnh: T.L |
Đây là thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã trở thành Đảng cầm quyền ở mỗi nước, do vậy cả hai nước càng có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp đã từng gắn bó keo sơn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng và tăng cường quan hệ liên minh, liên kết và hợp tác toàn diện về chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế, văn hoá, giáo dục… Đây chính là đặc điểm quan trọng nhất, dẫn tới sự thay đổi về chất trong nội dung, phương thức và các nguyên tắc quan hệ giữa hai quốc gia dân tộc, nâng quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.
Năm 1976, ngay sau thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Lào và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận quan trọng trong vòng hai tháng rút toàn bộ quân đội và chuyên gia Việt Nam về nước và bắt đầu xúc tiến việc hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước. Ngày 30-4-1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết về tăng cường giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới, xác định: việc tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và nhân dân Việt Nam, cũng là vì lợi ích thiết thân của cách mạng Việt Nam.
Từ ngày 15 đến ngày 18-7-1977, Đoàn đại biểu cao cấp Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế quan trọng mà hai bên cùng quan tâm, cũng như các vấn đề nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của hai dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 18-7-1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.
Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là Hiệp ước toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước.
Thành quả mười năm hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam rất to lớn:
- Hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại:
Mối quan hệ hợp tác về chính trị trong giai đoạn này tập trung vào nỗ lực của hai nước trong việc hiện thực hóa mục tiêu cùng lựa chọn: tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa mà chưa có tiền lệ lịch sử.
Lào tự chủ giải quyết những vấn đề của Lào để ổn định và phát triển như: giữ vững chủ quyền lãnh thổ, duy trì an ninh nội địa, bảo vệ chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, tranh thủ viện trợ nước ngoài, v.v. . .
Về phía Việt Nam, luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ tương hỗ của cách mạng hai nước trong giai đoạn mới: “Lào có ổn định thì Việt Nam mới ổn định và ngược lại”. Vì vậy, Việt Nam đã cố gắng đáp ứng các yêu cầu chi viện và hợp tác với Lào một cách toàn diện, theo tinh thần vô tư “không tính thiệt hơn”.
Việc giải quyết thành công vấn đề biên giới giữa hai nước là một thành tựu nổi bật của hợp tác chính trị trong giai đoạn này. Sau 8 năm tiến hành, đến ngày 24-11-1986, việc phân vạch và cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt - Lào dài 2.340km khi đã hoàn thành.
Trong hai ngày 22 và 23-2-1983, Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn. Hội nghị đã nhất trí đề ra 4 nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa ba nước, trong đó nhấn mạnh quan hệ giữa ba nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Tiếp đó, tại Tuyên bố chung Việt Nam - Lào vào năm 1985, một lần nữa khẳng định quyết tâm của hai bên củng cố hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết chiến đấu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng hai nước đã dày công vun đắp; tăng cường sự hợp tác toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; tích cực thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước và những thỏa thuận của Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương.
- Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh:
Do tình hình phức tạp trong nước và khu vực, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ của Lào, tháng 12-1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra quyết nghị: tiếp tục đề nghị Việt Nam đưa lực lượng quân đội sang hỗ trợ quân đội Lào nhằm ổn định tình hình, ngăn ngừa các nguy cơ chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Trung tuần tháng 9 năm 1977, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp ước phòng thủ ngày 22-9-1977.
Trên lĩnh vực hợp tác an ninh, Bộ Nội vụ Lào đã ký Hiệp định hợp tác toàn diện với Bộ Nội vụ Việt Nam, nội dung cho phép lực lượng an ninh của hai nước, ở cả Trung ương và các địa phương quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi các đoàn đại biểu, các đoàn cán bộ lão thành...
- Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật:
Quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước dần thay đổi: từ viện trợ không hoàn lại và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi. Thời gian này, Lào đề ra công thức hợp tác: Tài nguyên vào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Trong hợp tác đã chuyển dần từ hợp tác từng vụ việc theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch được ký kết giữa hai Chính phủ.
Quan hệ hợp tác thương mại: Từ 1976-1981, trao đổi hàng hoá chính ngạch được bắt đầu theo phương thức bao cấp bằng ngân sách nhà nước mỗi bên. Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào 5 năm (1981-1985) được ký kết, kèm theo nghị định thư thương mại hàng năm, đã tạo hành lang pháp lý cho việc trao đổi buôn bán giữa hai nước . . .
Trong lĩnh vực hợp tác văn hóa: Hàng năm, hai bên thường xuyên lập kế hoạch giao lưu văn hóa - nghệ thuật dưới các hình thức: trao đổi đoàn biểu diễn, tổ chức sáng tác mỹ thuật, tìm hiểu về chủ đề đất nước và con người, hợp tác xuất bản, in và phát hành sách báo, văn hoá phẩm, phim ảnh. Phối hợp tuyên truyền về mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt, tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn ...
Hợp tác giáo dục và đào tạo:
Hàng năm, Bộ Giáo dục hai nước đều ký kết các văn bản hợp tác và Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục của ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam được tổ chức lần lượt tại Hà Nội và Viêng Chăn. Hàng loạt hệ thống trường, lớp ở Lào với sự giúp đỡ của Việt Nam đã được xây dựng. Lưu học sinh Lào có mặt ở 36 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đào tạo một số học sinh phổ thông cho Lào. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của Đảng được coi là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản thường xuyên của Đảng, Nhà nước của cả hai nước. Việt Nam cử nhiều chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm sang Lào xây dựng chương trình giảng dạy cho Trường Đảng cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào.
- Hợp tác giữa các địa phương và ngoại giao nhân dân:
Đi đôi với mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, còn có mối quan hệ kết nghĩa giữa toàn bộ các tỉnh có chung đường biên giới cũng như các tỉnh không có chung biên giới giữa hai nước với nhau. Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ về trao đổi đoàn tham quan, cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cùng tháo gỡ những khó khăn giữa hai nước. Các Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã có nhiều đóng góp đáng kể trong vai trò làm cầu nối quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Với những thành tựu to lớn đạt được sau chặng đường 10 năm (1976-1985) thế và lực của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày càng được củng cố vững chắc. Đây cũng chính là cơ sở vững chắc để quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào- Việt Nam không ngừng được củng cố và tăng cường trong giai đoạn đổi mới tiếp theo.
2. Củng cố và tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào giai đoạn 1986 - 2007
Ngày 3-7-1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ thị: “Trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, các Nghị quyết 10 và 11 của Bộ Chính trị về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện với Lào và Campuchia và nội dung thỏa thuận trong các cuộc hội đàm lần này, các bộ, ban, ngành và các tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ hợp tác với bạn cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kiên quyết xử lý và có biện pháp chấm dứt các hiện tượng tiêu cực, các quan điểm, nhận thức và hành động sai trái gây phương hại cho quan hệ đặc biệt giữa ta với Lào”.
Về phía Lào, Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào cũng khẳng định: “Xuất phát từ truyền thống lịch sử và tình hình, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ba nước, sự tăng cường liên minh hợp tác toàn diện giữa ba Đảng, ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia mới trở thành nhiệm vụ chiến lược số một, là nguyên tắc cách mạng bất di bất dịch của mỗi nước, là vấn đề sống còn của mỗi nước”. Đặc biệt, Chỉ thị của Ban Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào ghi rõ: “Hai bên nhất trí phải tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ quan hệ đoàn kết sống còn và lâu dài, quán triệt quan điểm, phương châm nguyên tắc của mối quan hệ trong giai đoạn cách mạng mới, uốn nắn tư tưởng và tác phong làm việc mới, tránh những bảo thủ, chủ quan, chống mọi hiện tượng lơ là mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi”.
Từ khi hai nước tiến hành đổi mới vào năm 1986, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam tiếp tục được củng cố, tăng cường và đạt những thành tựu rất lớn lao.
- Hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại:
Từ năm 1988, cuộc gặp hàng năm giữa hai Bộ Chính trị đã trở thành một cơ chế hoạt động chính thức giữa hai Đảng và hai Nhà nước.
Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam là chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu từ ngày 2 đến ngày 4-7-1989. Đây là chuyến thăm Lào chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam từ sau Đại hội IV Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Hai bên thống nhất với nhau nhiều vấn đề quan trọng trong việc đổi mới phương thức hợp tác giữa hai nước và giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Thành tựu nổi bật nhất của quan hệ hợp tác chính trị Việt Nam - Lào trong giai đoạn này là hai nước vẫn kiên định giữ vững định hướng chính trị theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tháng 10-1991, đồng chí Kayxỏn Phômvihản, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thăm chính thức Việt Nam. Hai bên khẳng định quyết tâm trước sau như một tăng cường, củng cố và nâng cao quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, định kỳ trao đổi cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước nhằm phối hợp chặt chẽ các hoạt động ngoại giao trên các diễn đàn quốc tế.
Trung bình mỗi năm, hai Đảng cử trên 30 đoàn từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh sang trao đổi với nhau những kinh nghiệm về giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, về công tác tư tưởng, lý luận, công tác dân vận.
Hoạt động ngoại giao nhân dân cũng đạt được nhiều thành tích đáng kể. Hàng năm, quan hệ giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có những trao đổi hợp tác và mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu với nội dung thiết thực và có hiệu quả.
Hai bên phối hợp nghiên cứu, biên soạn công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ 1930 - 2007 nhằm tổng kết quá trình liên minh chiến đấu và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, đúc kết những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc tiếp tục xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên một tầm cao mới.
- Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh:
Trong bối cảnh luôn luôn bị các thế lực thù địch tìm cách chống phá, Việt Nam và Lào xác định hợp tác về quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ rất cấp bách và quan trọng hàng đầu.
Từ cuối thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, giữa hai Chính phủ, giữa hai bộ chức năng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng của hai nước đều ký những hiệp định, nghị định về hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác bảo vệ an ninh và củng cố quốc phòng. Phía Việt Nam luôn chủ động và đảm nhiệm gánh vác các công việc khó khăn nhất với phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, “an ninh của bạn cũng chính là an ninh của mình”…
Chiến công chung nổi bật về hợp tác an ninh - quốc phòng giai đoạn này là việc quân và dân Lào chủ động phối hợp chặt chẽ với quân đội Việt Nam chặn đánh cuộc hành quân "Đông tiến I" và "Đông tiến II" của lực lượng phản động lưu vong do Hoàng Cơ Minh cầm đầu vào Việt Nam qua con đường Lào trong hai năm 1986-1987. Bằng việc triển khai rộng khắp chiến lược quốc phòng toàn dân, Lào đã có những cống hiến thực sự vô giá trong việc bảo đảm an ninh ở phòng tuyến phía Tây Việt Nam, giúp Việt Nam phòng thủ từ xa một cách có hiệu quả.
Bước sang giai đoạn 1996-2007, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào tiếp tục tiến hành các cuộc gặp trao đổi, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau về xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chuyên môn.
Điểm nổi bật trong việc hợp tác về an ninh thời kỳ này là hiệu quả cao của công tác phòng thủ an ninh có chiều sâu của các lực lượng an ninh và quân đội hai nước chống lại các lực lượng phản động lưu vong đang tìm cách chống phá cách mạng Lào và Việt Nam. Điển hình là trong những năm 2000 - 2007, một số phần tử phản động trong nước Lào được các thế lực thù địch bên ngoài hỗ trợ, gây ra một số vụ nổ, phục kích ở một số địa phương nhưng đều bị lực lượng an ninh Lào phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh Việt Nam ngăn chặn, như: vụ đánh cửa khẩu Văng Tàu (Chămpaxắc tháng 7-2000); vụ gây rối mất trật tự an ninh ở Viêng Chăn (tháng 7-2000); vụ bạo loạn vũ trang ở Hủa Phăn (năm 2003); vụ gây rối ở Bò Kẹo (tháng 7-2007).
- Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học- kỹ thuật:
Trong quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, hợp tác kinh tế trong thời kỳ đổi mới luôn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, với mong muốn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ hợp tác khác.
Ngày 15-2-1992, tại Viêng Chăn, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật thời kỳ 1992 - 1995 và năm 1992. Để hiện thực hóa Hiệp định khung này, Chính phủ hai nước đã tiến thêm một bước trong việc thống nhất cơ chế chung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật.
Ngày 15-3-1995, tại Hà Nội, Thỏa thuận chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật đến năm 2000 được ký kết. Sau đó, Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học- kỹ thuật giai đoạn 1996-2000 giữa hai nước Việt Nam và Lào cũng được ký kết.
Trong giai đoạn này, Việt Nam và Lào còn ký kết hàng loạt hiệp định và nghị định thư quan trọng nhằm thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Giáo dục và đào tạo luôn được hai Đảng, hai Nhà nước xác định là một nhiệm vụ quan trọng, là lĩnh vực hợp tác chiến lược và là biểu hiện của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Việt Nam coi việc đào tạo cho Lào một nguồn nhân lực có trình độ cao là nhu cầu có tính chiến lược lâu dài, không những của Lào mà còn phục vụ cho quá trình hợp tác của Việt Nam với Lào.
Việt Nam đã đào tạo cho Lào rất nhiều cử nhân, lưu học sinh trung học chuyên nghiệp, thạc sĩ, tiến sĩ. Cử cán bộ giúp xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp... Từ năm 1992, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp định về đào tạo cán bộ Lào tại Việt Nam và hàng năm hiệp định này đều được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Từ năm 1997, hai bên đã nhanh chóng chuyển hướng kết hợp đào tạo dài hạn, chính quy với tăng cường bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ hệ ngắn hạn trên các lĩnh vực quản lý; kết hợp cử chuyên gia đào tạo tại Lào với việc mở rộng hình thức đào tạo tại chức cho Lào tại Việt Nam. Số học sinh Lào được tiếp nhận hàng năm tăng từ 300 - 350 người lên tới 500 - 550 người năm 2000. Trong 5 năm (1996 - 2000), phía Việt Nam đã tiếp nhận 2.184 cán bộ học sinh Lào.
Trong điều kiện còn không ít khó khăn của Lào, số lượng cán bộ, học sinh Việt Nam được cấp học bổng đại học của Chính phủ Lào ngày càng tăng. Kể từ năm học 1982-1983 đến đầu những năm 2000 đã có gần 300 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp chuyên ngành văn học - ngôn ngữ Lào tại Trường đại học sư phạm Viêng Chăn. Ngoài ra, hàng năm Đại học quốc gia Lào còn mở rộng tiếp nhận hàng chục sinh viên Việt Nam sang học tự túc hệ đại học.
Về giao thông vận tải giai đoạn 1996 - 2000, hai bên đã cùng nhau tìm nguồn đầu tư nâng cấp hệ thống đường thông thương nối liền hai nước, tạo điều kiện cho Lào thông thương qua lãnh thổ và cảng biển Việt Nam ra các nước. Hai bên đã đầu tư xây dựng quốc lộ 43, 6B, 42, cửa khẩu Chiềng Khương; cải tạo nâng cấp quốc lộ 9A, cửa khẩu Lao Bảo, quốc lộ 8, quốc lộ 7, quốc lộ 217 và 6A, quốc lộ 12A, cảng Đà Nẵng, cảng Xuân Hải và hoàn thành bến I cảng Vũng Áng…
Hợp tác về thương mại: Những năm đầu đổi mới, ngành thương mại hai nước xúc tiến nghiên cứu xây dựng đề án, tiến tới đầu tư xây dựng khu thương mại tự do Lao Bảo - Đen Xávẳn, chuẩn bị xây dựng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Na Pê, mở cửa khẩu phụ và 11 điểm chợ biên giới để thúc đẩy sản xuất và giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là các vùng biên giới Việt Nam - Lào.
Hợp tác về đầu tư: Sau khi có Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa hai nước (ngày 14-1-1996) và các quy định về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài (năm 1999) cùng các thỏa thuận của hai Đảng, hai Nhà nước, hai bên có nhiều cố gắng đẩy mạnh hợp tác đầu tư. Năm 2006, hai bên đã cấp phép cho 52 dự án đầu tư vào Lào với số vốn đăng ký đạt 368,6 triệu USD. Năm 2007, phía Việt Nam có 87 dự án được cấp phép đầu tư vào Lào với tổng số vốn đăng ký là 1.020 triệu USD, xếp thứ 3 trong tổng số 30 nước và khu vực đầu tư vào Lào.
Trong lĩnh vực năng lượng: Điểm nổi bật trong giai đoạn 1986-1995 là hai bên đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thiết kế và thi công một số tuyến đường dây tải điện 35 kV từ Việt Nam qua Lào. Tháng 7 năm 1998, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định hợp tác năng lượng - điện, hai bên đã trao đổi, bổ sung và thống nhất dự án quy hoạch hệ thống đầu nối điện giữa hai nước. Hai bên xác định cụ thể công trình thủy điện hợp tác, phương thức mua, bán điện và giá điện làm cơ sở để phía Lào đưa vào tiến độ xây dựng và phía Việt Nam đưa vào tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 2001-2005.
Hợp tác chuyên gia giai đoạn 1996-2000 không ngừng được củng cố, đổi mới và hoàn thiện cả về cơ chế lẫn hình thức hợp tác. Việt Nam đã cử 475 lượt chuyên gia tập trung vào các lĩnh vực kinh tế (63%), quốc phòng, an ninh (28%) và các lĩnh vực khác. Trong những năm này, nhiều đoàn chuyên gia vụ việc quan trọng của Việt Nam được cử sang Lào trao đổi và xử lý các vấn đề về quản lý vĩ mô (1996), đổi mới doanh nghiệp (l998), tiếp nhận viện trợ (1999)...
- Hợp tác giữa các địa phương và hợp tác biên giới:
Các tỉnh biên giới và các địa phương kết nghĩa của hai nước đã cử nhiều đoàn đại biểu Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành, các cấp... duy trì các hoạt động đối ngoại chính thức, hoặc trao đổi kinh nghiệm, thống nhất quan hệ hợp tác, giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực. Công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, cùng vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt thêm bền chặt. Đặc biệt, hai bên luôn quan tâm và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi để giữ gìn, bảo vệ và phát triển tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, coi đó là quy luật tồn tại, phát triển của hai nước.
IV. QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM - LÀO: BẢN CHẤT, THÀNH QUẢ, BÀI HỌC VÀ TRIỂN VỌNG
1. Bản chất, thành quả, ý nghĩa và bài học lịch sử
a. Bản chất:
Quan hệ thân thiện lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam, Lào phát triển đột biến thành quan hệ đặc biệt vào năm 1930, khi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào được tiến hành theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mácxít - lêninnít chân chính.
Bản chất của quan hệ đặc biệt đó bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; tình đoàn kết thủy chung và niềm tin về lòng chân thành, trong sáng mà hai dân tộc Việt Nam, Lào dành cho nhau; sự giúp đỡ đến mức cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của hai dân tộc.
- Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào không giống bất cứ mối quan hệ nào trong lịch sử thế giới đương đại, được xây đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, của cải, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng người Việt Nam và Lào. Trải qua rất nhiều gian nan thử thách khắc nghiệt, quan hệ đó vẫn vẹn nguyên, không hề bị rạn nứt và phá vỡ cho dù các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn chống phá, chia rẽ.[links(right)]
- Tính đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào được tạo dựng trên nền tảng quan điểm, nguyên tắc, phương pháp và cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Bản chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được nuôi dưỡng, phát triển bằng sức cảm hóa sâu sắc của quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Đây là câu nói cô đọng, giàu ý nghĩa chính trị, nhân văn, mở ra phương hướng xử lý hài hòa lợi ích của hai dân tộc; là vũ khí sắc bén chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ban ơn.
* Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào có những đặc điểm sau đây:
- Quan hệ Việt Nam - Lào phát triển từ quan hệ truyền thống lên quan hệ đặc biệt.
- Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước dày công vun đắp, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Xây dựng, bảo vệ và phát huy quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là sự nghiệp của nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.
- Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào mang tính xuyên suốt, toàn diện và bền vững.
b. Thành quả cơ bản:
Một là, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là quy luật giành thắng lợi và nguồn sức mạnh vô tận của cách mạng Việt Nam, Lào; là di sản văn hóa của hai dân tộc Việt Nam, Lào.
Hai là, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đưa cách mạng Việt Nam, cách mạng Lào đi tới nhiều kỳ tích lịch sử:
- Hai dân tộc Việt Nam, Lào sát cánh bên nhau giành độc lập dân tộc.
- Hai dân tộc Việt Nam, Lào kề vai, sát cánh, xây dựng thực lực, kiên cường chiến đấu, đưa cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài 30 năm (1945-1975) đi tới thắng lợi hoàn toàn.
- Quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai dân tộc Việt Nam, Lào (1976 - nay).
c. Ý nghĩa lịch sử:
- Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh vô địch của hai dân tộc Việt Nam, Lào.
- Đứng ở vị trí chiến lược của vùng Đông Nam Á, nơi đối đầu quyết liệt giữa phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội với các thế lực xâm lược; khối đại đoàn kết Việt Nam - Lào trở thành lực lượng vững mạnh, chặn đứng, làm thất bại những mưu đồ và hành động của kẻ thù, góp phần quan trọng tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia Đông Nam Á.
- Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là một tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội.
d. Bài học lịch sử:
- Xác định đúng đắn hệ thống quan điểm lý luận về mối quan hệ dân tộc và quốc tế trong thời đại mới giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
- Xác định nội dung, phương thức xây dựng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là cơ sở thực hiện các nhiệm vụ cách mạng do hai bên xác lập.
- Tình cảm cách mạng thủy chung, trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào là một nhân tố trọng yếu tạo nên độ bền vững và phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Lào.
- Khai thác, phát huy các nhân tố, điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
2. Phấn đấu đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới
Để tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới cần bổ sung và điều chỉnh cơ chế, chính sách, chương trình và tổ chức chỉ đạo hợp tác cho phù hợp với thực tế và những đòi hỏi mới của sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay cũng như những năm tới, càng cần phải đẩy nhanh việc điều chỉnh kịp thời, linh hoạt các nội dung đã thỏa thuận bằng các văn bản hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị hợp tác thực hiện có hiệu quả những mục tiêu chiến lược hợp tác đã đặt ra.
Trong quan hệ hợp tác kinh tế sắp tới cần phải chú trọng tính thực chất, hiệu quả và chất lượng. Có nghĩa là, các chương trình hợp tác, nhất là từ phía Việt Nam (các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào) phải phù hợp với yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Lào. Việt Nam cần ưu tiên các dự án hợp tác với Lào phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển của Lào đã được vạch ra tại các kế hoạch 5 năm 2006-2010 và tầm nhìn đến 2020 của Lào.
Tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường ở chỗ nó là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả các quan hệ song phương khác. Cần có một nhận thức thống nhất của cán bộ và nhân dân hai nước về tính chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn.
Định hướng cơ bản của chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2011-2020 là: “Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trở thành động lực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của mỗi nước”. Trong đó, không ngừng nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật tạo sự chuyển biến mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế ngang tầm với quan hệ truyền thống giữa hai nước. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo: coi trọng, phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước và coi đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược to lớn, thiết thực phục vụ lợi ích đảm bảo ổn định an ninh chính trị và phát triển của mỗi nước. Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tinh thần quan hệ đặc biệt theo luật pháp của mỗi nước trên cơ sở những nội dung sau:
- Tiếp tục đầu tư và phát huy những tiềm năng, lợi thế của hai nước nhằm bổ sung nguồn lực cho nhau, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước theo từng giai đoạn, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Lào trong 10 năm tới, đưa nước Lào thoát khỏi nước kém phát triển vào năm 2020.
- Phấn đấu tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 2 tỷ USD vào năm 2015 và 5 tỷ USD vào năm 2020. Quan tâm đặc biệt tới việc bảo đảm kết nối giao thông đường bộ trên các trục huyết mạch và các tuyến kết nối qua biên giới với các cảng biển của Việt Nam để phục vụ đầu tư, thương mại và hội nhập giữa hai nước trên nguyên tắc đầu tư đồng bộ và đồng thời giữa hai bên.
- Tăng cường và nâng cao vai trò hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới nhằm phát triển các địa phương khu vực biên giới trở thành hậu phương chiến lược vững chắc, ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tạo sự gắn bó, tin tưởng lẫn nhau lâu dài.
- Hai bên phối hợp chặt chẽ việc rà soát, bổ sung sửa đổi các văn bản thỏa thuận phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với luật pháp và tình hình thực tế mỗi nước, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và thông lệ quốc tế, tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế cũng như hội nhập quốc tế và khu vực của mỗi nước.
- Phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các cam kết và có sự đồng thuận trong các khuôn khổ hợp tác đa phương đối với những vấn đề có liên quan đến hai nước.
Trên cơ sở những kết quả to lớn của sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thống nhất đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí, trước hết tiếp tục củng cố, tăng cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề có tính chiến lược giữa hai Đảng, hai nước; duy trì các cuộc gặp cấp cao truyền thống. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả và thiết thực về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau.
PHẦN THỨ 2: CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRONG NĂM ĐOÀN KẾT HỮU NGHỊ VIỆT NAM - LÀO 2012
Trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 6-2011, Lãnh đạo hai nước đã nhất trí lấy năm 2012 là: “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào” và phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác và 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào.
Thực hiện chủ trương của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành chức năng đã xây dựng Đề án tổ chức kỷ niệm với những nội dung chính sau đây:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU VÀ THỜI GIAN TỔ CHỨC
1. Mục đích yêu cầu
- Các hoạt động kỷ niệm sẽ được tiến hành trên cả nước bằng các hình thức trang trọng, phong phú và thiết thực; thể hiện sâu đậm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, tạo được dấu ấn, góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước.
- Tạo được bước chuyển quan trọng về nhận thức ở các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân của hai nước, thấm nhuần sâu sắc hơn nữa ý nghĩa to lớn của việc thiết lập quan hệ ngoại giao và ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác giữa hai nước; việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong tình hình mới; cùng nhau ôn lại truyền thống liên minh chiến đấu đặc biệt, sự ủng hộ giúp đỡ chí tình, chí nghĩa giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong những năm qua.
- Tạo thành phong trào thi đua sôi nổi với những hoạt động thiết thực chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào trong các cơ quan, ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.
2. Thời gian
Các hoạt động được tiến hành trong cả năm 2012; cao điểm sẽ diễn ra từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9-2012.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH
1. Trao đổi đoàn cấp cao
Lãnh đạo cấp cao của 2 nước sẽ sang thăm nhau và tham dự một số hoạt động kỷ niệm tổ chức ở hai nước.
2. Trao đổi đoàn, giao lưu, hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước, giao lưu hữu nghị nhân dân
- Các ban, bộ, ngành, các địa phương có chung biên giới hoặc có quan hệ hợp tác với các địa phương của Lào; các tổ chức đoàn thể (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam...) phối hợp với các đối tác của Bạn tổ chức trao đổi đoàn và các hoạt động giao lưu hữu nghị thích hợp như văn hóa, thể thao...
- Tổ chức cuộc Hội thảo lý luận giữa Đảng ta và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Việt Nam (Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì).
- Tổ chức Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào lần thứ III tại Việt Nam vào tháng 7-2012 và mời Bạn cử đoàn khoảng 50 đại biểu sang dự; tổ chức đoàn cựu chiến binh, quân tình nguyện Việt Nam sang Lào và đón đoàn các công dân Lào từng giúp đỡ, che chở quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào; xuất bản Tập san về quan hệ Việt Nam - Lào (Liên hiệp hữu nghị và Hội nghị hữu nghị Việt Nam - Lào chủ trì).
- Tổ chức giao lưu tại Viêng Chăn giữa các cựu cán bộ, chuyên gia Việt Nam từng giúp đỡ, hỗ trợ các bạn Lào với các cựu cán bộ của Thông tấn xã Pathét Lào (Thông tấn xã Việt Nam chủ trì).
- Đón đoàn cựu lưu học sinh Lào gồm 100 người sang Việt Nam thăm lại trường và thầy cô giáo cũ, dự kiến vào giữa tháng 8-2012; tổ chức các hoạt động giao lưu, thi tài năng dành cho các học sinh giỏi của Lào đang học tập tại Việt Nam (Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì).
3. Tổ chức các hoạt động trong dịp cao điểm kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác và 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào.
a. Trao đổi điện mừng:
- Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ có điện mừng và lẵng hoa tới các đồng chí Lãnh đạo Lào; Bộ trưởng Ngoại giao ta có điện mừng và lẵng hoa tới Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bạn.
- Các bộ, ban, ngành Trung ương, Hội Hữu nghị, các tổ chức quần chúng và các tỉnh, thành phố kết nghĩa hoặc có chung biên giới của ta có nhiều hợp tác với Lào gửi điện mừng tới các đối tác Lào; cử đoàn và gửi lẵng hoa đến chúc mừng Đại sứ quán và các Tổng Lãnh sự quán Lào tại Việt Nam.
b. Tổ chức mít tinh:
- Tổ chức mít tinh trọng thể kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào tại Thủ đô mỗi nước vào giữa tháng 7-2012.
+ Cuộc mít tinh tại Hà Nội được tổ chức với danh nghĩa Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào và Thành phố Hà Nội, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại biểu các tầng lớp quần chúng nhân dân (khoảng 1.000 người) và đại biểu Lào (50 người sau khi tham dự Liên hoan Hữu nghị nhân dân Việt Nam - Lào lần thứ III). Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình và phát thanh trực tiếp cuộc mít tinh.
Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) khám bệnh cho người dân ở tỉnh Champasak (Lào). (Ảnh: Sở Ngoại vụ cung cấp) |
+ Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng (nơi có cơ quan Tổng Lãnh sự quán Lào) tổ chức mít tinh trọng thể với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố.
4. Giao lưu văn hóa, nghệ thuật và thể thao
- Phối hợp với bạn Lào triển khai các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; tổ chức 1 cầu truyền hình giữa hai nước đối với các hoạt động “Những ngày văn hóa và du lịch Việt Nam tại Lào”, “Những ngày văn hóa, du lịch Lào tại Việt Nam” và chủ đề “Hợp tác vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ”; các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật, thi giọng hát hay những bài hát tiếng Việt cho các ca sĩ chuyên và không chuyên ở một số tỉnh, thành của Lào tham gia; triển lãm ảnh về các chủ đề đất nước, con người, hợp tác và phát triển Việt - Lào; sáng tác, sưu tầm, tuyển chọn và xuất bản tuyển tập các tác phẩm văn thơ, bài hát đặc sắc của các tác giả hai nước ca ngợi tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; giao lưu thanh niên giữa các cơ quan trong ngành văn hóa, thể thao, du lịch hai nước; quảng bá du lịch... (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì).
- Xây dựng Nhà lưu niệm của các cựu cán bộ, học sinh Lào đã từng học tại Trường trung cấp Biên phòng 1 tại tỉnh Bắc Giang (Bộ Quốc phòng chủ trì).
- Các cơ quan, trường học và địa phương có cán bộ, học sinh Lào đang công tác, học tập, tổ chức các hoạt động gặp mặt, giao lưu văn nghệ, thể thao...
- Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” tại hai nước và tổ chức lễ công bố kết quả và trao giải thưởng trọng thể; giới thiệu phổ biến rộng rãi các sản phẩm công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương, nhất là thế hệ trẻ (Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì).
- Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức giao lưu với các cựu lưu học sinh, sinh viên Lào đã từng học tập tại Việt Nam; giao lưu thể thao với một số cơ quan đối ngoại của Lào. Khuyến khích các Tổng Lãnh sự quán ta tại Lào tổ chức giao lưu với cựu lưu học sinh Lào tại Việt Nam trong khu lãnh sự. Tổ chức giao lưu giữa Cơ quan đại diện Ngoại giao của ta với Cơ quan Đại diện Ngoại giao của Lào ở nước ngoài.
5. Các hoạt động tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại
- Tổ chức hội chợ triển lãm hàng hóa, hội thảo, diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; phối hợp với phía Lào tổ chức Hội nghị hợp tác thương mại, công nghiệp Việt Nam - Lào tại một số tỉnh của Lào trong năm 2012 (các bộ, ngành và các địa phương liên quan triển khai).
- Khai trương, khánh thành, đưa vào sử dụng một số dự án, công trình hợp tác kinh tế, văn hóa có ý nghĩa giữa hai nước như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Khăm-muộn, Nhà văn hóa tỉnh Xa-văn-na-khệt, Trường phổ thông Hữu nghị tại tỉnh Luông-pha-băng và tỉnh Hủa-phăn... (Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành được giao làm chủ đầu tư tích cực phối hợp triển khai).
- Khuyến khích các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư vào Lào tặng một số công trình an sinh xã hội cho người dân Lào trong năm 2012 và tổ chức giao lưu cán bộ, nhân viên, công nhân giữa các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào với các doanh nghiệp và địa phương của Lào tại nơi doanh nghiệp đang triển khai dự án... (Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì).
6. Các hoạt động tuyên truyền, báo chí
- Các báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng có chương trình đặc biệt chào mừng Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, nhất là các hoạt động diễn ra trong tháng 7 đến tháng 9-2012 (Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn).
- Nhân Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-2012), Lãnh đạo cấp cao hai nước có trả lời phỏng vấn báo chí. Đại sứ Lào tại Hà Nội và Đại sứ Việt Nam tại Lào có phát biểu trên đài phát thanh truyền hình nước sở tại.
- Các tờ báo lớn, đài phát thanh, đài truyền hình Trung ương và địa phương, các hãng thông tin đại chúng mỗi nước đưa tin Lãnh đạo cấp cao và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước trao đổi điện mừng, lẵng hoa nhân Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị (18-7-2012) và Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-2012), đưa tin về các hoạt động kỷ niệm, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thi đấu thể thao, triển lãm, hội thảo của các doanh nghiệp... tại hai nước. Đăng bài, đăng phóng sự, chiếu phim giới thiệu về đất nước, con người, nền văn hóa, các thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của Việt Nam và Lào tại mỗi nước, đồng thời công chiếu những bộ phim tài liệu về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào v.v... rải đều trong cả năm 2012 (Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn).
- Phối hợp với Bạn xuất bản tập san về quan hệ Việt Nam - Lào (Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam chủ trì).
- Hai nước phát hành tem chung kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào vào cùng một thời điểm tại Viêng Chăn và Hà Nội (Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì).
7. Trao tặng Huân, Huy chương
Phối hợp với Ban tổ chức trao tặng Huân, Huy chương của ta và Lào cho các đồng chí lãnh đạo, cán bộ của Bạn và của ta (đương chức hoặc đã nghỉ hưu) nhân các chuyến thăm cấp cao hoặc vào dịp kỷ niệm hai ngày lễ lớn (Ban Đối ngoại phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đề xuất tặng Huân, Huy chương cho các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ban, ngành và địa phương kiến nghị các trường hợp cụ thể liên quan đến cơ quan và địa phương mình).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia: Ban Chỉ đạo quốc gia năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012 đã được thành lập do đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
- Ban Chỉ đạo cũng đã quyết định thành lập Bộ phận Thường trực, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.
- Giúp việc cho Bộ phận Thường trực gồm đại diện lãnh đạo của một số ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan, trong đó Bộ Ngoại giao làm đầu mối phối hợp chung.
- Thành lập một số tiểu ban để giúp Ban Chỉ đạo trên một số lĩnh vực cụ thể: Tiểu ban Tuyên truyền, Văn hóa; Tiểu ban An ninh trật tự, an toàn xã hội; Tiểu ban Tổ chức lễ mít tinh.
Theo tài liệu của
Ban Tuyên giáo Trung ương