Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Việt Nam và Lào ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18-7-1977 - 18-7-2012), 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2012) và chào mừng Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Champasak (Lào) sang thăm chính thức Đồng Nai từ ngày 13 đến 16-7, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Ngài SOUTHIDETH PHOMMALAT, Tổng lãnh sự Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Việt Nam và Lào ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18-7-1977 - 18-7-2012), 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2012) và chào mừng Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Champasak (Lào) sang thăm chính thức Đồng Nai từ ngày 13 đến 16-7, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Ngài SOUTHIDETH PHOMMALAT, Tổng lãnh sự Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại TP. Hồ Chí Minh.
* Phóng viên: Xin Ngài cho biết những đánh giá của mình về những thành quả đạt được của mối quan hệ song phương Việt - Lào?
- Ngài Southideth PHOMMALAT: Quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và chính Người cùng với Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, mối quan hệ truyền thống đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Lào và Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối với nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, quan hệ đặc biệt này được xem là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm thế nào cũng không thể chia tách được.
Tổng lãnh sự Lào tại TP.Hồ Chí Minh Southideth PHOMMALAT trả lời phỏng vấn báo chí. |
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962) và thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18-7-1977), mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Mối quan hệ gắn bó, sự tin cậy đó, luôn được củng cố vững chắc. Sự hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... giữa hai nước đã có nhiều khởi sắc, tiếp tục được tăng cường, mở rộng, đi vào chiều sâu với nhiều kết quả quan trọng.
* Hai tỉnh Đồng Nai (Việt Nam) và tỉnh Champasak (Lào) đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị (giai đoạn 2011-2015). Ngài đánh giá thế nào về mô hình hợp tác kết nghĩa này?
- Mối quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh Đồng Nai và Champasak đã được thiết lập và gắn kết trên cơ sở nền tảng suốt 50 năm mối quan hệ truyền thống hữu nghị Lào - Việt, và đặc biệt bắt đầu có hoạt động cụ thể từ 7-5-2009. Tính đến nay, đã có 12 đoàn đại biểu Lào đến thăm và làm việc tại Đồng Nai. Đáng chú ý là cuộc gặp gỡ và làm việc tại Đồng Nai từ ngày 21 đến 23-6-2011 của Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Champasak do đồng chí Sonxay Siphandon - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng làm trưởng đoàn. Thông qua cuộc gặp gỡ, hai tỉnh đã tiến hành Lễ ký kết Bản ghi nhớ hữu nghị Đồng Nai - Champasak, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và hợp tác theo khả năng, mong muốn của hai tỉnh, nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác trong mọi lĩnh vực giai đoạn 2011-2015. Tiếp theo đó là chuyến công tác tại Lào của Đoàn cán bộ tỉnh Đồng Nai từ ngày 7-3 đến 12-3-2012, do đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai làm trưởng đoàn.
Hiện đã có hai doanh nghiệp lớn của Đồng Nai đầu tư tại Lào, đó là Công ty cổ phần golf Long Thành - với tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD cho các dự án: khách sạn 5 sao, sân golf 18 lỗ, khu biệt thự cao cấp, trường học, bệnh viện và khu nghỉ dưỡng với tổng diện tích lên đến hơn 550 hécta tại khu Đông Phô Sĩ, huyện Hạt Sai Phong, tỉnh Vientiane; và Tổng công ty Tín Nghĩa - với dự án phát triển vùng chuyên canh cà phê tại cao nguyên Boloven thuộc tỉnh Champasak, diện tích 500 hécta. Các dự án của Golf Long Thành và Tín Nghĩa được Chính phủ và nhân dân Lào đánh giá là các dự án thành công của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào.
Các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) khám bệnh cho người dân tại tỉnh Champasak (Lào). |
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế mà nhân dân hai nước Lào - Việt Nam nói chung và hai tỉnh Champasak - Đồng Nai nói riêng đang tiến hành, đã tạo ra những động lực mới, đồng thời đặt ra những yêu cầu khách quan về gia tăng mối quan hệ đặc biệt giữa hai đất nước và hai địa phương với những phương thức mới và những nội dung mới. Từ những cơ sở vững chắc của mối quan hệ toàn diện giữa hai đất nước, ta có thể khẳng định một điều, ngoài những nét tương đồng trong văn hóa, lịch sử, cũng như bề dày quan hệ truyền thống, Việt Nam và Lào có nhiều cơ sở quan trọng để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện vì mục tiêu phát triển của mỗi nước.
* Thưa Ngài, hai nước Việt - Lào, cũng như hai tỉnh Đồng Nai - Champasak phải làm gì để củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết truyền thống giữa hai nhân dân hai nước và hai tỉnh?
- Với những điều tốt đẹp đã và đang hiện hữu của một tình cảm thủy chung, son sắt trước sau như một giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc, nhân dân hai nước Lào - Việt Nam nói chung và hai tỉnh Champasak - Đồng Nai nói riêng, chúng ta phải có trách nhiệm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết truyền thống giữa hai nhân dân hai nước và hai tỉnh. Cụ thể là: Đẩy mạnh hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi; tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương hai nước; tích cực triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao và các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trên tất cả các lĩnh vực; khuyến khích và tạo thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, giao lưu, hợp tác thiết thực và thực chất, vì sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội của mỗi nước…
* Xin cảm ơn Ngài Tổng lãnh sự.
ĐÀO VĂN TUẤN (thực hiện)