Báo Đồng Nai điện tử
En

Bản lĩnh khi đấu tranh với các loại tội phạm “nhạy cảm”

09:07, 26/07/2012

Với nhiệm vụ kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án về an ninh và ma túy, Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử án an ninh, ma túy (Phòng 2) của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh luôn phải đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm, nhạy cảm.

Với nhiệm vụ kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án về an ninh và ma túy, Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử án an ninh, ma túy (Phòng 2) của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh luôn phải đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm, nhạy cảm. Đứng trước nhiệm vụ khó khăn đó, các kiểm sát viên Phòng 2 phải luôn linh hoạt trong vai trò kiểm sát, công tố để giải quyết các vụ án.

* Bản lĩnh khi đấu tranh với tội phạm phản động

Với vai trò kiểm sát quá trình điều tra, xét xử các vụ án an ninh, việc thực hiện kiểm sát điều tra một cách chặt chẽ để đi đến phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đúng người, đúng tội có tác động rất lớn đến sự ổn định của xã hội. Nếu không nắm chắc vụ án trong quá trình kiểm sát điều tra, rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá chính quyền, chống phá Nhà nước. Vì vậy, để kiểm sát điều tra một vụ án an ninh có kết quả tốt, kiểm sát viên phải có trình độ nghiệp vụ chắc, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Kiểm sát viên Phòng 2 thực hiện quyền công tố tại một phiên tòa.
Kiểm sát viên Phòng 2 thực hiện quyền công tố tại một phiên tòa.

Cùng với việc nhanh chóng xác định được hành vi phạm tội của các bị can liên quan đến vụ án, từ khi phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án đến quá trình điều tra, bắt giữ nghi can, truy tố bị cáo trước tòa, đòi hỏi người kiểm sát viên phải có biện pháp xử lý khéo léo, chặt chẽ, đúng pháp luật. Như việc kiểm sát điều tra, xét xử vụ án Phạm Thị Phượng về các tội danh: làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là một minh chứng. Với sự hậu thuẫn của tổ chức đảng “Vì Dân” ở nước ngoài, trong quá trình sống lưu vong ở nước ngoài và kể cả khi lén lút về nước âm mưu chống phá nhà nước Việt Nam, Phượng luôn được sự bao bọc của thế lực bên ngoài, nên việc tìm ra bằng chứng buộc tội Phượng khiến đối tượng tâm phục khẩu phục là điều không dễ.

Tương tự, vụ án Nguyễn Ngọc Cường tuyên truyền chống phá Nhà nước (năm 2011) cũng là một vụ án khiến các kiểm sát viên Phòng 2 gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố. Theo một kiểm sát viên tham gia vụ án, phải mất nhiều ngày lực lượng điều tra mới thu thập hết các tờ rơi mà đối tượng đã rải tại nhiều địa phương, quá trình đó các kiểm sát viên cũng phải luôn tham gia kiểm sát. Cường là đối tượng từ địa phương khác đến, đã có nhiều tiền án, lại có nhiều mối quan hệ với các đối tượng từ “bên ngoài” nên việc tham gia kiểm sát quá trình bắt giữ, điều tra, xét xử đối tượng mất nhiều thời gian, đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật.

Ngoài hai vụ án nêu trên, chỉ tính từ cuối năm 2007 đến nay, Phòng 2 đã thụ lý 75 vụ, 81 bị can liên quan đến an ninh, trong đó có không ít vụ phức tạp về xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia.

* Chặt chẽ với tội phạm làm giả giấy tờ, xài tiền giả

Là một địa bàn phát triển về kinh tế - xã hội, Đồng Nai thu hút một số lượng lớn lao động từ các tỉnh khác đến làm ăn, sinh sống. Lợi dụng thực tế đó, nhiều đối tượng đã lập ra các đường dây làm giấy tờ giả để đáp ứng nhu cầu tìm việc làm của người lao động. Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, Phòng 2 đã thụ lý 35 vụ, 68 đối tượng tham gia các đường dây làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong đó đã khởi tố hơn một nửa, số còn lại bị xử lý hành chính.

Từ năm 2007 đến nay, với vai trò thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án an ninh và ma túy, Phòng 2 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã thụ lý 110 vụ/244 bị can, trong đó đã giải quyết 103 vụ/228 bị can, truy tố 99 vụ/212 bị can. Trong năm 2011, Phòng 2 đã thụ lý điều tra 25 vụ/70 bị can, trong đó đã giải quyết 19 vụ/53 bị can; truy tố 9 vụ/29 bị can.

Một kiểm sát viên cho biết, nhiều người có nhu cầu làm giả hồ sơ đi hợp tác lao động, xin việc đã tìm đến Đồng Nai làm giả các loại giấy tờ, như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu… để có đủ điều kiện đi hợp tác lao động, xin vào công ty… Bên cạnh đó, có không ít cán bộ phường, xã do nhận thức chưa đầy đủ, trình độ nghiệp vụ còn non, đã để các đối tượng này lợi dụng làm giả giấy tờ. Do đó, khi tham gia kiểm sát các vụ án liên quan đến làm giả giấy tờ, kiểm sát viên luôn nhận thức được đặc điểm, tính chất các vụ án để không bỏ lọt tội phạm.

Đối với tội phạm lưu hành tiền giả, Phòng 2 cũng đã xử lý 7 vụ, 27 bị cáo. Điển hình như vụ án Luo Zhen Bin (quốc tịch Trung Quốc) và Đặng Thị Liên (ngụ huyện Nhơn Trạch) bị khởi tố về hành vi lưu hành tiền giả. Do có bị can là người nước ngoài nên quá trình tham gia vụ án, kiểm sát viên đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhận định được tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án nên chỉ một thời gian ngắn, kiểm sát viên tham gia vụ án đã góp phần làm sáng tỏ vụ án, sớm đưa đối tượng ra xét xử.

“Trong thời gian qua, các kiểm sát viên Phòng 2 đã chủ động phối hợp với cơ quan an ninh điều tra để đấu tranh với những vụ án quan trọng, nhanh chóng kết thúc điều tra, truy tố và xét xử nhanh các vụ án này, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương” - Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Trần Trung Nhân đánh giá về những đóng góp của cán bộ kiểm sát Phòng 2.

Trần Danh

 

 

Tin xem nhiều