Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam ngày càng có vai trò, vị thế cao trong khu vực và thế giới

09:07, 10/07/2012

Chiều ngày 10-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thủ đô Hà Nội thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh.

Chiều ngày 10-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thủ đô Hà Nội thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng vào buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Hillary Clinton chân thành cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian tiếp Đoàn, thông báo với Tổng Bí thư về kết quả tốt đẹp của các cuộc hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Bộ trưởng bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam, chứng kiến những thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng cao của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới, khẳng định Chính quyền Mỹ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hiệu quả nhiều mặt với các nước và các cơ chế trong khu vực, trong đó Việt Nam có một vị trí rất quan trọng. Bộ trưởng nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế, thương mại, giáo dục và đào tạo... giữa hai nước đang khích lệ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Bộ trưởng Hillary Clinton thăm Việt Nam lần thứ 3 kể từ năm 2010; bày tỏ hài lòng về những bước tiến trong quan hệ hợp tác nhiều mặt, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Tổng Bí thư nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; khẳng định coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hoa Kỳ tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các ngành, đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các khuôn khổ hiện có và trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu... Tổng Bí thư cũng đánh giá cao vai trò tích cực của cá nhân bà Bộ trưởng và phu quân - cựu Tổng thống Bin Clinton trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Hillary Clinton cũng đã trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

* Chiều 10-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Ngoại trưởng Clinton đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngoại trưởng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển trong quan hệ hai nước trên các lĩnh vực hợp tác song phương cũng như trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Ngoại trưởng Clinton cho rằng, hai bên cần tiếp tục trao đổi về việc nâng tầm quan hệ hướng tới đối tác chiến lược và khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam; ủng hộ một nước Việt Nam phát triển và giàu mạnh, có vai trò quan trọng ở khu vực và trên trường quốc tế; nhấn mạnh Hoa Kỳ coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh chuyến thăm của Bà Ngoại trưởng và bày tỏ hài lòng về những kết quả đạt được trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hai bên cần tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh, ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, môi trường, trong các vấn đề nhân đạo… Bà Ngoại trưởng bày tỏ đồng tình với ý kiến của Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại trưởng Clinton cũng trao đổi về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và hợp tác tiểu vùng sông Mê Công. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác, đảm bảo tự do an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; khẳng định những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của Liên hợp quốc 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông ( COC). Ngoại trưởng Clin-tơn bày tỏ quan ngại về những diễn biến vừa qua ở Biển Đông; khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ quyền của các quốc gia ven biển trong vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước luật biển của Liên hợp quốc 1982.

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đoàn đại diện hơn 20 doanh nghiệp Hoa Kỳ đi cùng Ngoại trưởng Clinton.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ

Thủ tướng hoan nghênh chuyến thăm của đoàn đến Việt Nam, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với việc tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp hai nước cần tăng cường hợp tác, phát huy tiềm năng còn rất lớn của cả hai bên, đáp ứng lợi ích của các doanh nghiệp và lợi ích của cả hai nước. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ đầu tư kinh doanh hiệu quả ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao tiềm năng và tin tưởng vào triển vọng phát triển của Việt Nam, bày tỏ quan tâm và mong muốn mở rộng hoạt động hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ.

* Chiều 10-7, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhấn mạnh lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư sẽ tiếp tục là trọng tâm và động lực của quan hệ giữa hai nước. Hai bên khẳng định sẽ cùng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường…, trong đó có việc đàm phán Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân dân sự (Hiệp định 123), hợp tác giáo dục trong khuôn khổ Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), các dự án hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Ngoại trưởng Clinton bày tỏ hài lòng trước sự phát triển sâu rộng trong quan hệ và mong rằng hai bên tiếp tục nỗ lực nâng quan hệ hướng tới đối tác chiến lược. Ngoại trưởng Clinton khẳng định, Chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, mong muốn Việt Nam phát triển vững mạnh, ngày càng phát huy vai trò trong khu vực và trên thế giới. Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh cam kết hỗ trợ Sáng kiến hạ nguồn sông Mê Công (LMI). Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ gỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), đáp ứng lợi ích của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tăng cường hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt là vấn đề chất độc da cam/dioxin.

Hai Bộ trưởng cũng thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên khẳng định tiếp tục cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông; nhất trí những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đảm bảo tự do và an toàn, an ninh hàng hải.

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều