Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm gương có sướng không?

09:06, 03/06/2012

Vừa xong hội nghị, tui tất tả về lo nồi cám heo. Chưa kịp tuột cái bộ đồ ăn giỗ, thằng cháu nội chạy ra, dúi vào tay tui con chim giấy tự xếp: “Con mừng ông nội vừa được nêu gương điển hình”.

Vừa xong hội nghị, tui tất tả về lo nồi cám heo. Chưa kịp tuột cái bộ đồ ăn giỗ, thằng cháu nội chạy ra, dúi vào tay tui con chim giấy tự xếp: “Con mừng ông nội vừa được nêu gương điển hình”. Nó còn tặng thêm cái hun ẩm ướt vào gò má nhăn nheo. Tui cảm động: “Ông nội cảm ơn con”. Tưởng xong việc chúc mừng do người lớn xúi, nó sẽ chạy ù đi chơi. Ai dè, nó kéo tui lại võng, giật tay ngồi xuống, rồi nhảy lên đùi tui, bắt đầu một binh đoàn câu hỏi: “Nội ơi! Tại sao gọi là nêu gương hả ông nội?”.

Trời Phật! Cái thằng nhỏ này. Nó là thằng cháu gọi tôi là ông nội, nhưng thực ra  là con trai của đứa con của người em con của em chú bác với ông nội tui, tên thường gọi là Cu Toi,  hiện đang ở Biên Hòa, mới học lớp 7, nay nghỉ hè, về thăm chơi. Cái tật nó hay hỏi cắc cớ, trả lời muốn đứt hơi. Tui sợ chữ nghĩa lắc léo của anh Tư Bốn bao nhiêu thì ngán câu hỏi hóc búa của nó bấy nhiêu. Giờ thì bắt đầu bằng câu hỏi nêu gương đây: “Nêu gương là... là nêu lên, công bố tấm gương tốt về điều gì đó để người ta biết, noi theo, làm theo, khiến cho cái hay, cái tốt được nhân rộng, nhiều thêm. Như ông nội nè, được chi bộ ấp nêu về gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thằng nhỏ chưa vừa lòng, phụng phịu hỏi tiếp: “Nhưng con muốn hỏi sao không gọi là nêu cái gì khác, mà là nêu gương? Có phải giống việc soi cái gương kiếng để nhìn rõ mình phải không ông nội?” Tui ậm ừ cho qua chuyện: “Ừ, đúng đó con. Người tốt, việc tốt như tấm gương sáng để người ta soi mình vào đó, thấy rõ điều hay, việc tốt mà làm theo”.

Cu Toi chuyển hệ một cách đột ngột: “Gương có từ bao giờ vậy ông nội?”.

Tui ngớ người! Những câu hỏi thường thức kiểu này, dễ bí với lũ nhỏ. May quá, mới xem tivi hôm qua, còn nhớ lõm bõm để trả lời: “Ừ, thì theo tivi nói: Con người biết dùng gương từ 600 năm trước Công nguyên. Thời đó, thường là gương bằng đồng, thiếc, bạc, vàng, do quý hiếm nên ít phổ biến. Khá lâu sau này, ông hổng nhớ rõ lúc nào, mới xuất hiện gương thủy tinh ở Venice, nước Áo. Mãi đến 1835, người ta mới sản xuất đại trà gương thủy tinh như ngày nay do phát minh của một nhà hóa học người Đức (tên Justus Von Leibig). Ngày nay, khoa học hiện đại tạo nhiều loại gương: gương phẳng, gương cầu lồi, gương cầu lõm, gương hai chiều, gương đảo chiều, gương âm thanh...”.

Cu Toi ngúng nguẩy tỏ vẻ khó chịu: “Con hỏi ít mà ông nội trả lời dài quá hà. Đó là sự ra đời của cái gương, nhưng người ta biết nêu gương từ khi nào?”. Tui đành phải cười khì thú nhận: “Cái này thì ông nội bí thiệt. Ông nội chỉ nhớ nhiều gương sáng được người đời nhắc đến từ rất xa xưa, như: những tấm gương nhị thập tứ hiếu, gương Mạnh mẫu chọn chỗ ở, gương hi sinh của Trần Bình Trọng... ông nội đã kể cho con nghe rồi đó”.

Thằng nhỏ có vẻ thấm ý: “Ờ há! Con nhớ rồi”. Nhưng nó không chịu buông tha: “Vậy, làm gương có sướng không, ông nội?”.

Câu này, tui thấy khoái: “Sướng chứ sao không con. Đó là niềm vui, là vinh dự của mình, của gia đình, họ tộc, làng xóm. Mình được chọn làm gương thì sống càng phải biết giữ mình cho trong sáng như mạch nước trong, ngay thẳng như cây cổ thụ”.

Cu Toi lại giáng một câu hỏi đau đầu: “Vậy mà sao hôm Tết, ông nội tặng cho ba con cặp câu đối NƯỚC TRONG QUÁ: KHÔNG CÁ. CÂY THẲNG QUÁ: KHÔNG CHIM. Nghĩa là sao ông nội?”.

Tui gãi đầu, bối rối. Trả lời sao đây ta? Đúng là, ở đời, cá không ở chỗ nước trong, nước sẽ rất buồn, chim ít về cây thẳng, cây sẽ cô độc. Con người làm tấm gương trong sáng như nước, ngay thẳng như cây; nhưng phải sống thế nào hài hòa cùng cá, vui thú cùng chim, mới hay. Vậy, LÀM GƯƠNG CÓ SƯỚNG KHÔNG?  Ai biết xin trả lời cho thằng Cu Toi giùm tui!

Ong Mật

 

 

Tin xem nhiều