Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4: Phải kịp thời giải quyết những bức xúc

09:06, 03/06/2012

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết này. Trước khi đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp, các ngành, trong đó có các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết này. Trước khi đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp, các ngành, trong đó có các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh.

Nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm đã tham gia đóng góp vào chương trình kế hoạch của Tỉnh ủy với mong muốn việc thực hiện nghị quyết sẽ đạt được những kết quả tốt.

* Kịp thời giải quyết những bức xúc

Bà Phan Thị Diệu, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh bày tỏ, Nghị quyết Trung ương 4 ra đời làm cho tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân đều vui mừng và đồng tình ủng hộ. Bởi lẽ, đã là người dân Việt Nam, ai cũng phải có trách nhiệm lo cho vận mệnh của đất nước, dù là người đương chức hay người đã về hưu; dù là cán bộ, đảng viên hay là nông dân, công nhân lao động.

Đại biểu đóng góp ý kiến vào Kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tại hội  nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh mới đây. Ảnh: P.Hằng
Đại biểu đóng góp ý kiến vào Kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh mới đây. Ảnh: P.Hằng

Theo bà Diệu, có một bộ phận cán bộ, đảng viên đang suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, nói không đi đôi với làm, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Nếu tình trạng này không sớm được giải quyết sẽ có nguy cơ đối với Đảng, với chế độ. Do đó, để củng cố được lòng dân. Nhất thiết phải xử lý nghiêm khắc tình trạng này.  “Nếu cấp trên làm sai phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, không được đổ lỗi cho cấp dưới. Đồng thời phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết những bức xúc của xã hội, có như vậy mới xây dựng được đất nước vững mạnh” - bà Diệu nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hòa, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nêu rõ, từ Trung ương đến tỉnh đều có Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Song, tình trạng tham nhũng còn nhiều, trong khi đời sống nhân dân vẫn khó khăn. Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được thực hiện tốt, dẫn đến cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và có những việc làm sai trái. Cũng vì công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa được làm tốt nên một số người còn xem việc vào Đảng là cơ hội để tiến thân; đồng thời cũng vì chỉ tiêu mà nhiều nơi phải “năn nỉ” người vào Đảng... hậu quả là làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của tổ chức Đảng. Theo bà Hòa, thời gian tới tỉnh phải làm thật tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện nghiêm túc việc phê bình và tự phê bình. Hiện nay đang có tình trạng sợ phê bình, không ai muốn phê bình ai, ngại đụng chạm.

* Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Theo ông Nguyễn Việt Trân, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng công ty cao su Đồng Nai, đó là do việc thực hiện công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng còn hạn chế bởi vì phần lớn chưa chí công vô tư nên không thẳng thắn tự kiểm điểm mình và phê bình người khác được.

Dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”nêu rõ: thời gian tới tỉnh sẽ tiến hành việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên theo quy định và công khai ở nơi công tác và nơi cư trú. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp ủy phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đưa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thành một nội dung quan trọng để kiểm điểm công tác theo định kỳ của cấp ủy, chính quyền.

Còn ông Lê Đức Sanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh lại cho rằng, cần công khai việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên. Bà Phạm Thị Sum, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa thẳng thắn: sự suy thoái tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay một phần do cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng. Vì quyền lợi của bản thân, nhiều cán bộ, đảng viên không làm tròn bổn phận đối với Đảng, với dân.

Bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy cho rằng, đứng trước thực trạng nêu trên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, từ người lãnh đạo đương chức đến cán bộ về hưu và các tầng lớp nhân dân để cùng nhau xây dựng đất nước, làm cho Đảng ta mãi vững mạnh, trường tồn.

Phương Hằng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều