Báo Đồng Nai điện tử
En

Một nhân cách lớn

08:06, 10/06/2012

Sinh ra trong một gia đình nông dân lao động cần cù, sớm ý thức và giác ngộ cách mạng, suốt cuộc đời của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là một tấm gương mẫu mực về tinh thần kiên trung, bất khuất, hết lòng phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

6-Pham-Hung-1.jpg
 

Sinh ra trong một gia đình nông dân lao động cần cù, sớm ý thức và giác ngộ cách mạng, suốt cuộc đời của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là một tấm gương mẫu mực về tinh thần kiên trung, bất khuất, hết lòng phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhắc đến đồng chí Phạm Hùng, nhiều người vẫn không thể nào quên hình ảnh đồng chí cặm cụi cùng anh em, đồng đội trồng từng luống rau để cải thiện bữa ăn trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt ở Chiến khu miền Đông. Những lúc khó khăn, lương thực không đủ phải chia nhau từng bát cháo cầm hơi, đồng chí vẫn không nhận khẩu phần cơm anh em dành riêng cho mình. Vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1967-1975) ấy tâm niệm “cùng sống chết bên nhau thì phải đồng cam cộng khổ. Tôi không thể nào nuốt cơm trôi khi các anh em húp cháo loãng”.

* Kiên cường trong gian khó

Không chỉ trong những tháng ngày kháng chiến chống Mỹ gian khổ, mà ngay trong lao tù tàn bạo của thực dân, đồng chí cũng tỏ rõ khí phách cách mạng kiên cường, lòng yêu thương đồng đội, đồng chí. Năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Mỹ Tho, bị kết án tử hình và đưa về giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Ngay trong xà lim án chém, đồng chí đã cảm hóa được một số tù thường phạm, thức tỉnh lương tâm và truyền niềm tin thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cho các bạn tử tù. Trước áp lực của phong trào đấu tranh trong và ngoài nước, địch phải giảm án tử hình và đày đồng chí ra Côn Đảo vào năm 1934.

12 năm tù đày tại “địa ngục trần gian” của nhà tù Côn Đảo, trước những đòn roi tra tấn, hành hạ để giết lần mòn thể xác lẫn tinh thần yêu nước của người tù chính trị, đồng chí Phạm Hùng bao giờ cũng là người sẵn sàng đưa lưng ra chịu đòn thay cho anh em.

Đồng chí Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, quê ở tỉnh Vĩnh Long. Tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh. Năm 1930, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, và đến năm 1931 đã là Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 2-1951, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí đã giữ nhiều trọng trách, như: Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương. Ngày 10-3-1988, đồng chí đột ngột từ trần trên đường đi công tác ở Nam bộ, để lại niềm tiếc thương trong toàn Đảng, toàn dân.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các chi ủy, chi bộ nhà tù đã cùng tù nhân đấu tranh quyết liệt đòi giảm nhẹ chế độ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù. Không chỉ thế, đồng chí còn trực tiếp tham gia tổ chức nhiều lớp học tập văn hóa, chính trị để củng cố lập trường, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản. Lao tù thực dân đã biến thành trường học cộng sản, đào tạo lớp cán bộ cách mạng trưởng thành từ nơi gian khó nhất. Cách mạng tháng 8-1945 nổ ra, đồng chí lúc đó là Bí thư Đảng ủy đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng nhà tù Côn Đảo.

* Một tài năng và nhân cách lớn

Ngay sau khi từ Côn Đảo trở về, đồng chí đã tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ và được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ kiêm Giám đốc Quốc gia tự vệ Cuộc. Thời điểm ấy, nội bộ các lực lượng kháng chiến ở Nam bộ rất phức tạp, đòi hỏi cần phải có một lực lượng công an trung thành với Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ cơ sở cách mạng và nhân dân, loại trừ mật thám, tình báo địch, tiêu diệt những phần tử ác ôn. Lực lượng Công an Nam bộ do đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng lực lượng công an nhân dân hiện nay. Với tài năng và uy tín, đồng chí cũng thành công trong nhiệm vụ xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất các lực lượng kháng chiến, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của xứ ủy trong những đầu kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (x) trong lễ ngăn sông Đồng Nai xây đập Nhà máy thủy điện Trị An (1987).            Ảnh: T.L
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (x) trong lễ ngăn sông Đồng Nai xây đập Nhà máy thủy điện Trị An (1987). Ảnh: T.L

Những năm sau ngày đất nước thống nhất, tình hình đất nước vô cùng khó khăn và phức tạp, với cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an hiện nay), đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Lực lượng công an nhân dân dưới sự dìu dắt của đồng chí đã trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch và phản cách mạng, giữ gìn sự bình yên cho đất nước. Đến những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận, bao vây phá hoại nhiều mặt, trong nước thì tình hình khủng hoảng, lạm phát diễn ra nghiêm trọng, đồng chí đã được Quốc hội khóa VIII (năm 1987) tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí đã khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân”. Những năm tháng chèo chống con thuyền đất nước vượt qua khó khăn trong thời kỳ đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần cách mạng của đồng chí, góp phần đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, từng bước vươn lên phát triển...

Hà Lam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều