Chiều 18-6, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã biểu quyết thông qua 5 Luật gồm: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật lao động (sửa đổi) với số tán thành cao.
Chiều 18-6, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã biểu quyết thông qua 5 Luật gồm: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giáo dục đại học; Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật lao động (sửa đổi) với số tán thành cao.
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII |
* Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân
Với 92,99% đại biểu có mặt tán thành, Luật bảo hiểm tiền gửi được thông qua nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Quốc hội thống nhất, chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân và chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Theo Luật, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
*Phòng, chống rửa tiền từ người chủ trì tổ chức
93,19% đại biểu có mặt tán thành thông qua Luật phòng, chống rửa tiền sau khi đã được chỉnh lý và thể hiện lại phạm vi điều chỉnh, quy định rõ: Việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi rửa tiền được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Về các hành vi bị cấm, Luật đã bổ sung hành vi tổ chức hoạt động rửa tiền nhằm thể hiện rõ quan điểm phòng, chống rửa tiền từ người chủ trì tổ chức đến người tham gia hoặc góp sức. Đồng thời, làm cơ sở để quy định các biện pháp phòng, chống rửa tiền cũng như xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc kỷ luật tùy thuộc vào đối tượng, tính chất và mức độ vi phạm.
* Quy định nguyên tắc về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học
Luật giáo dục đại học được thông qua với số tán thành 84,57% nhằm góp phần quan trọng điều chỉnh, khắc phục nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách và tác động tích cực đổi mới hệ thống giáo dục đại học.
Tư tưởng xuyên suốt của Luật là trao quyền tự chủ ở mức tối đa phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Luật quy định về vấn đề này theo hướng chỉ mang tính nguyên tắc về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và không dẫn chiếu đến các điều khoản cụ thể. Các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua một số điều khoản cụ thể quy định về đối tượng áp dụng, về Đại học quốc gia và về phân tầng cơ sở giáo dục đại học.
Theo Luật, Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng và xếp hạng theo các tiêu chí: Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học; quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Chính phủ quy định tiêu chuẩn của từng cơ sở giáo dục đại học; ban hành khung xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học và tiêu chuẩn của từng hạng trong khung.
*Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá
88,18% đại biểu có mặt đồng ý thông qua Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá với phạm vi điều chỉnh là các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; buôn bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng. Luật cũng nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua hoặc bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá....
Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá được hình thành từ khoản đóng góp bắt buộc của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá nhằm đảm bảo nguyên tắc xã hội hóa, không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách cũng như doanh nghiệp sản xuất và người trồng thuốc lá.
*Lao động nữ sẽ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng
Trước khi biểu quyết thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi) với số tán thành 93,39%, Quốc hội đã nghe Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu và chỉnh lý một số nội dung liên quan đến các chính sách quan trọng. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBTVQH cũng đã chỉnh sửa các vấn đề cụ thể trong dự thảo về quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; quỹ dự phòng mất việc làm; mức lương tối thiểu; vấn đề tiền lương; thời giờ làm việc của người lao động...vv.
Một số điểm đáng chú ý trong Bộ luật lao động (sửa đổi) gồm 17 chương và 242 điều được thông qua lần này là lao động nữ sẽ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Số giờ làm thêm của người lao động cũng được bảo đảm không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
* Đề nghị bổ sung thêm một điều khoản về ngôn ngữ xuất bản
Trước đó, vào sáng 18-6, khi thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi), đa số các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Xuất bản (sửa đổi).
Về tổ chức và hoạt động in xuất bản phẩm, các đại biểu tán thành: "việc thành lập cơ sở in khác phải bảo đảm các điều kiện quy định trong khoản 1 điều 31 và và phải đăng ký hoạt động in với UBND cấp tỉnh", nhưng đề nghị phải quy định rõ trình tự, thủ tục hồ sơ như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện để tránh tình trạng in lậu, in giả tràn lan...Các đại biểu cũng đề nghị dự án Luật chỉ điều chỉnh các lĩnh vực in xuất bản phẩm, phát hành xuất bản phẩm, còn in không phải xuất bản phẩm sẽ được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật.
Đối với quy định về xuất bản phẩm điện tử, theo nhiều đại biểu, quy định về xuất bản phẩm điện tử như trong dự án luật còn chung chung, tính khả thi chưa cao và còn bất hợp lý nên cần có khung pháp lý đặc thù để điều chỉnh hoạt động xuất bản điện tử. Các đại biểu cho rằng, nên xem sách điện tử là đối tượng điều chỉnh Luật Xuất bản (sửa đổi); đồng thời đề nghị cần quy định có giấy phép xuất bản xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử như một xuất bản phẩm bình thường và phải có chế tài xử lý vi phạm bản quyền đối với các xuất bản phẩm điện tử.
Bên cạnh đó, có đại biểu lại băn khoăn về sự phát triển ngôn ngữ trong các xuất bản phẩm hiện nay. Bởi, tính pha tạp đã đến mức báo động, đặc biệt là trào lưu ngôn ngữ thời @ của lớp trẻ tạo lên xu hướng xã hội không tốt. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm một điều trong dự án luật lần này về ngôn ngữ xuất bản, quy định cụ thể về ngôn ngữ xuất bản bao gồm ngôn ngữ Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ nước ngoài và các loại hình ngôn ngữ khác.
Theo Chương trình, Thứ ba, ngày 19-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về hai dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư.
P.V (Tổng hợp)