Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp Thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Nhất trí cao với ba trọng tâm của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế

09:06, 08/06/2012

Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh đã thực sự là vấn đề thời sự nóng hổi khi thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày 8-6...

Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh đã thực sự là vấn đề thời sự nóng hổi khi thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày 8-6...

Tại buổi thảo luận, Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình một số nội dung liên quan đã được các đại biểu đề cập.

*Nhất trí cao với ba trọng tâm

ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận
ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Đồng tình với nội dung tổng thể của Đề án tái cơ cấu, các đại biểu cho rằng: Trong thời gian 5 năm tới, tái cơ cấu cần tập trung vào ba nội dung ưu tiên gồm: Tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; Tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại; Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Với bước đi phù hợp, việc thực hiện ba trọng tâm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Các đại biểu đề xuất xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như một hệ thống chính sách để tập trung thực hiện 3 đột phá: Hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ: Đề án đi sâu vào nội dung kinh tế nhưng cần đề cập đến những vấn đề liên quan mật thiết, chịu sự tác động của quá trình tái cơ cấu kinh tế như: an sinh xã hội, môi trường, yếu tố khoa học công nghệ đảm bảo mục tiêu quốc phòng an ninh, hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng các đề án thành phần với nội dung cụ thể, có tính khả thi cao để thực hiện các nội dung trọng tâm của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần đánh giá sự tác động của Đề án với chính sách tài khóa, đánh giá phân tích chi phí để thực hiện tái cơ cấu kinh tế bao gồm cả chi phí của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

Về các giải pháp thực hiện Đề án, hệ thống giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có lộ trình, bước đi hợp lý, tuân theo quy luật thị trường, tránh đột biến gây đổ vỡ hoặc quay lại tình trạng bao cấp. Đề án cũng cần xây dựng hệ thống tiêu chí cảnh báo rủi ro để đánh giá, giám sát quá trình thực hiện tái cơ cấu.

* Đa dạng nguồn lực thực hiện Đề án

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về nguồn lực thực hiện Đề án tái cấu trúc thị trường tài

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình giải trình một số nội dung liên quan
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình giải trình một số nội dung liên quan

chính mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: Cuộc tái cấu trúc nào cũng cần phải có chi phí. Với điều kiện ngân sách hạn hẹp, nguồn lực thực hiện Đề án này sẽ được huy động từ ba nguồn chủ yếu.

Thứ nhất là kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào tái cấu trúc và thời gian qua đã có nhiều tổ chức tham gia, chấp nhận tổn thất trước mặt, tạo ra lợi nhuận trong tương lai.

Thứ hai là kêu nguồn đầu tư nước ngoài. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước chỉ khi nào nhà đầu tư trong nước không tham gia vào đầu tư thì mới kêu gọi nước ngoài để đảm bảo lợi ích kinh tế trong nước.

Thứ ba là huy động nguồn lực của nhà nước theo 2 phương thức chính gồm: Ngân hàng Nhà nước theo Luật định sẽ được quyền góp vốn mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng để tham tham gia quản trị, điều hành khôi phục lại, sau đó kêu gọi mua lại hoàn vốn, thậm chí nhà nước có lãi. Cách thức thứ hai là thành lập công ty mua bán nợ. Đây là thực tiễn các nước trong khu vực đã áp dụng, đặc biệt khủng hoảng tài chính 1998, áp dụng thành công. Với khối lượng nguồn lực phải đầu tư rất lớn, sự tham gia Nhà nước sẽ tạo ra đòn bẩy và công cụ trong ngắn hạn, trung dài hạn dùng nguồn lực như ở trên để bù lại trong ngắn hạn.

Cũng giải đáp băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về nguồn lực thực hiện Đề án tái cấu trúc doanh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ giải trình tại phiên thảo luận
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ giải trình tại phiên thảo luận

nghiệp Nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Nguồn lực thực hiện Đề án này là rất lớn, có thể chiếm tới 10% GDP như thực tế Nhật Bản đã tiến hành. Tuy nhiên, đã đề ra mục tiêu thì phải làm quyết liệt, nếu chần chừ không tiến hành t hì nền kinh tế sẽ bị suy thoái nghiêm trọng như trường hợp của Nhật Bản.

Theo đó, nguồn lực và công cụ đặt trong chính quá trình tái cấu trúc đối với DNNN. Nguồn này được huy động từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nay được đổi tên thành Quỹ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có nội dung đổi mới thu chi. Về thu trước có 3 nguồn nay có 7 nguồn, bổ sung chi cấp vốn điều lệ cho doanh nghiệp, đầu tư bổ sung thêm vốn, tăng tỉ lệ phần vốn nhà nước khi tham gia cơ cấu.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu DNNN lần này có công cụ mua bán nợ rất hiệu quả. Trong đó, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính đang hoạt động khá hiệu quả. DATC đang cơ cấu lại nợ cho Công ty thủy sản Bình An. Nguồn huy động thứ ba là từ chính cổ đông chiến lược nước ngoài và nguồn thứ tư là từ vay ODA. Hiện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cho Việt Nam vay 600 triệu USD để thực hiện tái cơ cấu DNNN; trong đó Tập đoàn Sông Đà được vay 120 triệu USD với lãi suất 0,5%/năm để tiến hành thí điểm đầu tiên.

*Đề án Tổng thể chỉ là khung

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế là rộng và đòi hỏi cần căn cứ lựa chọn xác định hướng mới, dự báo trong những năm tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải trình tại kỳ họp
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh giải trình tại kỳ họp

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Đề án tái cơ cấu nền kinh tế là đề án tổng thể nên không thể chi tiết được. Lý do là không đủ thời gian và nếu sa vào chi tiết cũng không thể đủ sức để làm thỏa mãn tất cả các nội dung được. Sau khi xin ý kiến về chủ trương, định hướng và các giải pháp lớn từ các phía, Chính phủ sẽ giao cho các cấp các ngành thực hiện dựa trên thực tiễn và theo Nghị quyết Quốc hội. Hiện Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đã được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, Đề án chỉ nêu các vấn đề khái quát đã được thông qua.

Đồng tình với các ý kiến của đại biểu về các giải pháp lớn thực hiện Đề án tổng thể, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Hoàn thiện thể chế chính là giải pháp đột phá quan trọng vì nếu không làm tốt việc hoàn thiện thể chế thì tất cả các giải pháp khác không thể thực hiện được. Trong việc hoàn thiện thể chế có hàng loạt vấn đề cần phải làm như hoàn thiện hàng chục hệ thống luật và nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

Kết luận phiên thảo luận ngày 8-6 về Đề án tổng thể tái cơ cấu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và ra kết luận mang tính định hướng, giao Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng Đề án và tổ chức thực hiện. Hàng năm, Chính phủ sẽ báo cáo trước Quốc hội cùng với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Thứ Hai, ngày 11-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường: buổi sáng, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; buổi chiều, thảo luận về dự án Luật dự trữ quốc gia.

(Theo TTXVN)

 

Tin xem nhiều