Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát...

03:06, 07/06/2012

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 7-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012.

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 7-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012.

* Không buông lơi việc kiềm chế lạm phát

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều cho rằng, những kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ triển khai trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 đều đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là trong mục tiêu kiềm chế lạm phát. Các ĐBQH đánh giá, nhìn một cách tổng thể, các mục tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước đã được đảm bảo, kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Các đại biểu thảo luận tại hội tường
Các đại biểu thảo luận tại hội trường

Thảo luận về những giải pháp thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển trong năm 2012, các ý kiến thảo luận đề nghị từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh giải ngân ngân sách theo hướng kích thích thị trường, hỗ trợ mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm soát các hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và kiên quyết trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, cần tuyệt đối không được buông lơi việc kiềm chế lạm phát, không vì sức ép tăng trưởng mà coi nhẹ nhiệm vụ hàng đầu này, bởi đây cũng chính là giải pháp trực tiếp tháo gỡ khó khăn trong đời sống của người dân. Các đại biểu đề nghị QH cho phép Chính phủ giảm chỉ tiêu tăng trưởng hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

 *Thực hiện chính sách tài khóa, tín dụng theo hướng linh hoạt...

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn đánh giá, những kết quả đạt được trong kinh tế xã hội vẫn còn thể hiện sự thiếu bền vững. Chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ trong thời gian qua đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đó là sản xuất đình đốn, hàng tồn kho lớn, nhiều công trình đầu tư xây dựng dở dang, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đạt thấp…

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát theo hướng linh hoạt hơn, nhất là các chính sách về tài khóa, tín dụng theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13/CP của Chính phủ. Bởi, theo quan điểm của một số đại biểu, việc dùng những biện pháp quá mạnh để kiềm lạm phát, thắt chặt tiền tệ trong những tháng đầu năm 2012 đã phần nào dẫn đến một số khó khăn cho nền kinh tế. Các đại biểu đề nghị, QH và Chính phủ cần có những tín hiệu để ngay sau Kỳ họp thứ 3 này sẽ tiến hành giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo niềm tin, động viên các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh tạo sức bật cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chú trọng hơn nữa đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trên toàn quốc; kiên quyết cắt giảm các ngân hàng nhỏ, lẻ, hoạt động manh mún, gây rối loạn hệ thống tiền tệ, tín dụng; tiến hành đánh giá hiệu quả các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường; chỉ đạo ngân hàng đánh giá thực trạng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Thậm chí, có đại biểu còn mạnh dạn đề nghị Chính phủ xem xét việc chuyển đổi mô hình chính sách từ tài khóa thắt chặt sang tài khóa linh hoạt và thận trọng để cung ứng được nhiều hơn lượng tiền cho sản xuất, kinh doanh bằng các biện pháp cụ thể như: điều chỉnh lại điều kiện vay vốn của doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ quá hạn, khoanh nợ, mua lại nợ; điều chỉnh, hạ thấp hơn nữa lãi suất tiền vay và sớm trình QH lộ cải cách chính sách thuế nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu thì đề nghị không nên cắt giảm những dự án có tính khả thi cao, cần thiết, phục vụ trực tiếp việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế. Các ĐBQH cũng kiến nghị Chính phủ nên có báo cáo đánh giá đầy đủ về tác động của các chính sách kinh tế đối với kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012. Đánh giá đúng mức kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế; chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là nguyên nhân yếu kém của từng lĩnh vực; làm rõ các yếu tố chất lượng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội.

Bên cạnh vấn đề kiềm chế lạm phát, QH cũng dành thời gian thảo luận về chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tình hình phân bổ trái phiếu Chính phủ và đầu tư công cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai; chính sách tiền lương, an sinh xã hội …

Thứ sáu, ngày 8-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Phiên họp được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều