Báo Đồng Nai điện tử
En

Xem xét kỹ việc bổ sung các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ...

11:06, 11/06/2012

Ngày 11-6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã họp toàn thể tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật dự trữ quốc gia; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 và Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015...

Ngày 11-6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã họp toàn thể tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật dự trữ quốc gia; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 và Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015...

* Mục tiêu DTQG quá rộng

Chiều 11-6, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật dự trữ quốc gia (DTQG), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, tán thành sự cần thiết ban hành Luật DTQG, nhưng cho rằng vẫn còn một số điểm cần được tiếp tục hoàn thiện.

Các ĐBQH thảo luận tại hội trường
Các ĐBQH thảo luận tại hội trường

Theo đó, các ĐBQH cho rằng, việc Dự thảo quy định, mục tiêu DTQG nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước...là quá rộng, chưa phù hợp với bản chất của DTQG.

Nhiều ý kiến đề nghị xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng DTQG dựa trên cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất DTQG, tránh dàn trải. Trong đó, nguồn lực DTQG chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an sinh xã hội trên phạm vi rộng, mang tính vùng, miền, toàn quốc và quốc phòng, an ninh quốc gia. Vì, bản chất của DTQG là nhằm đối phó với những vấn đề về QP-AN, tình huống đặc biệt nghiêm trọng, nên cần xem lại mục tiêu bình ổn thị trường để tránh trùng lắp với những quy định về trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực bình ổn thị trường trong dự thảo Luật giá. Bên cạnh đó, cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ quy định DTQG được sử dụng để bình ổn thị trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, vì đây là mục tiêu rất khó thực hiện và có xu hướng đi ngược lại với mục tiêu phát triển nền kinh tế cơ chế thị trường do thị trường điều tiết.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn DTQG hiện còn mỏng nên thời gian qua mục tiêu góp phần ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô chưa đạt yêu cầu, nhưng không vì thế mà bỏ mục tiêu này. Mặt khác, việc bổ sung mục tiêu góp phần bảo đảm an sinh xã hội là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để góp phần bảo đảm sự ổn định xã hội, là căn cứ để quyết định các mặt hàng DTQG và quyết định mức DTQG.  

Một số đại biểu khác thì cho rằng, DTQG có ít nhất 3 nguồn lực gồm: Dự trữ tài chính; dự trữ chuyên ngành; dự trữ vật chất hàng hóa thiết yếu...cho nên cần xác định rõ phạm vi 3 nguồn lực DTQG trong Luật này. Theo các đại biểu, không cần thiết quy định bình ổn thị trường với tất cả các mặt hàng nhưng có những lĩnh vực dứt khoát phải có sự can thiệp của Nhà nước thông qua DTQG để bình ổn như: năng lượng, lương thực...

* Nâng cao chất lượng điều hành quản lý ngân sách

Trước đó, sáng 11-6, khi thảo luận về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 và Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về vấn đề quyết toán chi ngân sách năm 2010, những bất cập trong việc quản lý điều hành ngân sách như: nhu cầu lớn nhưng chi không hết, phải chuyển nguồn sang năm sau, nhiều khoản chi vượt dự toán chưa đúng với nghị quyết QH…

Một trong những vấn đề nổi lên trong báo cáo quyết toán ngân sách năm 2010 của Chính phủ, được các đại biểu lưu ý, đó là quyết toán chi ngân sách năm 2010 không hoàn toàn là số thực chi ngân sách nhà nước. Đây là số chưa đủ điều kiện quyết toán. Việc quản lý điều hành ngân sách năm 2010 cũng còn nhiều bất cập, bội chi trên 109.000 tỷ đồng, nhiều khoản chi vượt dự toán lớn nhưng nhiều khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được QH quyết định, chi không hết, phải chuyển nguồn lớn là điều hết sức không bình thường. Đối với ngân sách địa phương, nhiều địa phương kết dư lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng điều hành quản lý ngân sách. Vấn đề điều hành ngân sách cũng chưa sát với nghị quyết của QH.

Các ý kiến cũng đề cập đến việc phân giao vốn nhiều chương trình mục tiêu quốc gia còn phân tán, giữa các chương trình còn có sự chồng chéo về mục tiêu, chưa thực sự chủ động lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nên đánh giá lại các chương trình mục tiêu quốc gia có đạt mục tiêu đề ra theo đúng lộ trình không, hiệu quả đến đâu, đạt bao nhiêu phần trăm mục tiêu. Bởi, đã là chương trình mục tiêu quốc gia thì phải có chủ trương, có thời gian, lộ trình không thể kéo hết giai đoạn này sang giai đoạn khác, năm này qua năm khác; nhiều chương trình cùng mục tiêu nhưng nằm ở nhiều chương trình, cùng một nội dung nhưng rất nhiều bộ ngành tập trung để cùng giải quyết nên tiêu chí quản lý, hiệu quả của các chương trình đánh giá chưa đầy đủ.

* Xem xét lại 5 dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015

Theo đề nghị của Chính phủ, 5 dự án mới chưa có trong Danh mục quy định tại Nghị quyết 12/NQ-QH13 cần được bổ sung sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015 là dự án cầu Năm Căn (Cà Mau), cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang), dự án nhà ở sinh viên Đại học Trà Vinh, dự án bệnh viện ung thư TP Đà Nẵng và cụm năm dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển Ninh Thuận.

Bên cạnh các ý kiến đồng tình, còn không ít ý kiến không đồng tình hoặc đề nghị chỉ chọn một số dự án trong số 5 dự án đó và đề nghị Chính phủ cần làm rõ tính hợp lý, tính cấp bách của việc bổ sung các dự án này để tăng thêm tính thuyết phục, đồng thời công khai, minh bạch các tiêu chí được bổ sung vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Các đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét rút bớt số dự án, rà lại một cách nguyên tắc và thảo luận kỹ, công khai minh bạch, bởi tổng số tiền đầu tư chỉ có 225.000 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị Quốc hội có giám sát chuyên đề liên quan đến các công trình giao thông để trả lời hai vấn đề: tại sao làm giao thông ở Việt Nam lại đắt như vậy và tại sao chất lượng công trình lại kém như vậy.

Đánh giá cao đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: các ý kiến là rất xác đáng, QH đã cân nhắc rất kỹ, nhìn nhận một cách toàn diện, thận trọng khi trình QH bổ sung 5 dự án. Khi làm nghị quyết giữa năm qua, chúng ta đang trong tiến trình đổi mới cơ cấu đầu tư công, quyết định lớn nhất của QH chính là khoanh lại đầu tư công, trong đó có cả trái phiếu Chính phủ đã được QH khoanh lại từ nay tới năm 2015 là 225.000 tỷ đồng. Quyết định đó của QH cho đến thời điểm này chưa có căn cứ để thay đổi, cho nên có bổ sung gì, có xem xét gì danh mục công trình cũng chỉ được phép nằm trong số 225.000 tỷ đồng mà QH đã quyết định.

***

Theo Chương trình làm việc Thứ ba, ngày 12-6, QH thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

P.V (Tổng hợp)

Tin xem nhiều