Báo Đồng Nai điện tử
En

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai

08:06, 01/06/2012

Chiều 1-6, trong phiên thảo luận tại hội trường về nội dung điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, hầu hết các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Khóa XIII đều thống nhất quan điểm cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003...

Chiều 1-6, trong phiên thảo luận tại hội trường về nội dung điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, hầu hết các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Khóa XIII đều thống nhất quan điểm cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003, bởi đây là vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân; liên quan tới nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013

Theo Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự án Luật đất đai (sửa đổi) thuộc Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Đây là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu QH và nhân dân cả nước quan tâm. Một số nội dung quan trọng của dự án Luật như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về chính sách đất đai nên UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình QH cho ý kiến về dự án Luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.

Nhiều đại biểu cho rằng, đây là những vấn đề gây bức xúc, liên quan đến 70% tổng số các vụ khiếu kiện trong thời gian qua; đồng thời, đất đai cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng. Do vậy, việc sửa đổi này là hết sức cần thiết, được người dân và cử tri cả nước trông đợi từng ngày, từng giờ. Thậm chí, có đại biểu còn mạnh dạn đề nghị không nên lùi thời hạn mà tiến hành cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đối với Luật Đất đai, vì đã có đủ cơ sở để tiến hành sửa đổi, bổ sung dự án luật này.

Giải trình với các đại biểu tại buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ đang tập trung làm rõ những nội dung: Giá đất; thu hồi đất đền bù giải phóng mặt bằng; thế chấp người sử dụng đất; xử lý vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc, miền núi; vấn đề đất nông, lâm trường để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, đây là những nội dung lớn, rất phức tạp, nên để văn bản pháp luật về đất đai ổn định theo từng thời kỳ, không gây bất cập, sơ hở, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho giữ đúng theo tiến độ đã trình (cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và thông qua tại Kỳ họp 6), để đảm bảo chất lượng việc chuẩn bị dự án.

Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu đề nghị nên đưa nội dung điều chỉnh vấn đề quản lý vốn Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. Đồng thời, những dự án luật bám sát nội dung Đề án tái cơ cấu kinh tế để phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị, việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh của Quốc hội cần phải tiến hành song song với việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện để khi ban hành, Luật được triển khai ngay trong thực tế; kiên quyết không đưa vào chương trình những dự án chưa đủ điều kiện, mà nên tập trung xây dựng các dự án luật mà xã hội đang cần điều chỉnh; lấy những bức xúc của nhân dân làm căn cứ xây dựng chương trình.

* Trước đó, vào sáng 1-6, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về dự án Luật dự trữ quốc gia và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

Nhiều nội dung liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế như: nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin; nguyên tắc ấn định thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế; xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn... đã được các đại biểu quan tâm thảo luận. Đặc biệt là vấn đề xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên các mức phạt như Luật hiện hành (mức phạt 10%). Việc nâng mức phạt lên đến 20% theo dự thảo Luật sửa đổi là nhằm mục đích răn đe, nhưng mức phạt 20% đó cộng với số tiền chậm nộp là quá cao vì đây là hành vi sai sót chứ không phải hành vi không trung thực. Các đại biểu cho rằng, xử phạt không phải là một trong những biện pháp để nâng cao ý thức trách nhiệm người nộp thuế, mà cần nâng cao bằng cách phối hợp giữa cơ quan thuế và người nộp thuế thông qua việc mở các khóa đào tạo cho các doanh nghiệp để tránh nhầm lẫn, sai sót

Thảo luận về Luật dự trữ quốc gia, các đại biểu cho rằng, cần xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất dự trữ quốc gia, tránh dàn trải. Nguồn lực dự trữ quốc gia chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an ninh, quốc phòng, với phạm vi rộng mang tính vùng, miền, quốc gia. Nhiều ý kiến đề nghị phải có quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để xã hội hóa, khuyến khích, động viên sự đóng góp của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia. Đồng thời, ngoài dự trữ vật tư hàng hóa, cần dự trữ vàng để xử lý tình huống và dự trữ vật tư công nghiệp, một số loại khoáng sản đặc biệt quan trọng hỗ trợ phát triển những ngành xương sống của đất nước.

Thứ hai, ngày 4-6, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật xuất bản (sửa đổi).

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều