Báo Đồng Nai điện tử
En

Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

07:06, 22/06/2012

Chiều 21-6, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo trong nước và quốc tế công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

Chiều 21-6, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo trong nước và quốc tế công bố kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

Thông báo về kết quả kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nêu rõ: Sau 25 ngày làm việc khẩn trương (trong đó có 42 phiên thảo luận tại Hội trường, 7 phiên thảo luận tại Tổ), với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt khối lượng lớn công việc đề ra, trong đó có nhiều nội dung quan trọng được đông đảo nhân dân quan tâm.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (giữa) trả lời các câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (giữa) trả lời các câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước

Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho hoạt động lập pháp, xem xét, thông qua 13 dự án Luật, gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật phòng chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật lao động; Luật giá; Luật công đoàn; Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước; Luật biển Việt Nam.

Quốc hội đã cho ý kiến về 6 dự án Luật: Luật xuất bản (sửa đổi, bổ sung một số điều); Luật dự trữ quốc gia; Luật hợp tác xã (sửa đổi, bổ sung một số điều); Luật quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung một số điều); Luật điện lực (sửa đổi, bổ sung một số điều); Luật luật sư (sửa đổi, bổ sung một số điều). Các dự án luật trên sẽ được tiếp tục được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII.

Về hoạt động giám sát, Quốc hội đã tiến hành xem xét chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn" trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn giai đoạn 2006-2011. Hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được cải tiến, có nhiều đổi mới về quy trình, thủ tục, do đó, chất lượng công tác giám sát được nâng lên rõ rệt. Điều này được đánh giá và thể hiện qua sự lựa chọn vấn đề giám sát ngày càng "trúng và đúng" với mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Quốc hội đã dành thời gian 2,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn tại kỳ họp đối với 4 Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Một số Bộ trưởng, trưởng ngành khác cũng tham gia giải trình làm rõ thêm về các vấn đề liên quan như: Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được cải tiến theo hướng tập trung vào nhóm vấn đề, hạn chế thời gian trả lời bằng văn bản, tăng thời gian đối thoại. Căn cứ vào kết quả chất vấn, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tại kỳ họp này, thông qua 63 đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 1.732 ý kiến, kiến nghị, trong đó tập trung vào một số vấn đề: tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, việc làm của nhân dân; chênh lệch giàu nghèo; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; cải cách thủ tục hành chính, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010. Quốc hội cũng cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo đó, Nghị quyết quy định một số cải tiến, đổi mới cụ thể trong các hoạt động lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tổ chức kỳ họp Quốc hội, tổ chức các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Nghị quyết xác định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong các công đoạn của quy trình lập pháp... Nghị quyết cũng quy định rõ hơn về việc thực hiện sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội. Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và trình Quốc hội Quy chế về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012). Nghị quyết cũng đề cập đến những đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri...

Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét và bãi miễn tư cách đại biểu đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

Trả lời câu hỏi của một số phóng viên báo chí về việc giám sát lời hứa của các Bộ trưởng được thực hiện theo lộ trình như thế nào và có chế tài xử lý ra sao nếu Bộ trưởng không thực hiện được lời hứa, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Đây chính là chế tài để giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng trước cử tri cả nước. Nghị quyết yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành đã được chất vấn tại kỳ họp thứ hai và kỳ họp thứ ba sẽ tiếp tục trả lời và có báo cáo về việc thực hiện lời hứa trước cử tri. Sau khi có kết quả việc thực hiện lời hứa này mới có cơ sở để đánh giá trách nhiệm của các Bộ trưởng trước cử tri. Quốc hội cũng đã giao cho Thường vụ Quốc hội chuẩn bị một quy chế về việc bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các vị trí được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nếu Bộ trưởng nào không thực hiện được lời hứa đối với cử tri thì uy tín của Bộ trưởng đó sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cũng khiến các Bộ trưởng nêu cao trách nhiệm của mình trong việc thực hiện lời hứa trước cử tri.

Cũng tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chúc mừng các phóng viên thông tấn báo chí nhân 87 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam và hy vọng các cơ quan thông tấn báo chí sẽ tiếp tục tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền về kỳ họp Quốc hội, luôn là cầu nối giữa Quốc hội và cử tri cả nước.

Theo TTXVN

Tin xem nhiều