Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 12-6, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 12-6, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ thị trường năm 2012; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
* Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật
Chiều 12-6, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm định Dự thảo. Ảnh: TTXVN |
Theo các đại biểu, nhiều quy định trong Dự thảo luật chưa bảo đảm cụ thể; một số nội dung quan trọng giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định bằng văn bản dưới luật là chưa hợp lý, thiếu chặt chẽ. Các đại biểu đề nghị, những điều đã rõ, đã phù hợp thì cần cụ thể hóa tối đa những nội dung bổ sung vào luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Đối với quy định xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, các đại biểu đề nghị giữ nguyên mức xử phạt như luật hiện hành (xử phạt 0,05% mỗi ngày trên số tiền thuế chậm nộp), vì nếu tăng mức nộp lên 0,07%/ngày như quy định trong dự thảo sẽ khó khả thi. Các đại biểu cho rằng, hành vi chậm nộp tiền thuế không phải là cố tình gian lận thuế nên được coi là lãi chậm nộp, không coi là hình phạt.
Về nguyên tắc ấn định thuế, các đại biểu cho rằng, nội dung trong dự án luật còn quá chung chung, chưa đi vào vấn đề trọng tâm liên quan đến cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế, nội dung thực hiện, chế tài xử phạt... Nhiều đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung vào dự án luật những nội dung cụ thể về quy định này để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của dự án luật; bổ sung thêm chức năng điều tra của cơ quan thuế trong luật quản lý thuế về chống chuyển giá, vì theo đại biểu hiện nay tình trạng chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước diễn ra rất phổ biến, gây thất thu về thuế là rất lớn.
Bên cạnh đó, điều mà các đại biểu băn khoăn là những bất cập trong mức thuế thu nhập cá nhân. Vì, mức thuế thu nhập chịu thuế hiện nay không hợp lý, thiếu tính đúng, tính đủ chi phí tối thiểu cho người lao động tái tạo sức lao động và trang trải các chi phí cần thiết, nâng cao chất lượng cuộc sống; khoảng cách giữa các bậc thu tính thuế chưa hợp lý ảnh hưởng đến động lực thúc đẩy xã hội; Doanh nghiệp muốn cải thiện thu nhập cho người lao động thì lại khiến lao động lại phải đóng thuế nhiều hơn, phần cải thiện lương cho người lao động là rất ít... Các đại biểu kiến nghị, cần tính lại tiền lương tại mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân, nâng mức tính thuế tối thiểu, tính đúng mức tái tạo lao động và đủ trang trải mức chi phí tối thiểu; mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh theo mức tiền lương, khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân mức giảm trừ hàng năm không cố định mà căn cứ theo tình hình thực tế, nhu cầu an sinh xã hội, khả năng thu nhập của người chịu thuế, xây dựng để có tiêu chí hợp lý giảm trừ gia cảnh một cách phù hợp; giãn độ rộng của từng mức thuế; các khoản trợ cấp, phụ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế, quy định rõ ràng hơn thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế...
* Các giải pháp về thuế phải nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân và doanh nghiệp
Trước đó, sáng 12-6, các đại biểu thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012.
Đa số ý kiến trong Ủy ban tài chính ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong thời điểm hiện nay, cùng với việc thực hiện các nhóm giải pháp khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách hợp lý hơn để có thêm nhiều đối tượng được hưởng chính sách. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần đưa ra những biện pháp giảm thuế một cách thiết thực hơn đối với doanh nghiệp hướng tới giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Bởi, các giải pháp giảm thuế TNDN và TNCN, VAT cũng chính là biện pháp thiết thực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Những giải pháp này cũng phải đi đôi với việc kiểm soát chặt chẽ trong việc áp dụng, thi hành trên thực tế.
Đáng chú ý, cũng tại buổi thảo luân, khá nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 (như Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội) và giảm thuế GTGT để kích thích tiêu dùng nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 |
Cũng trong buổi sáng, với 88% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013; điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Theo đó, QH quyết định bổ sung dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 4; chuyển dự án Luật đất đai từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5. QH cũng quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII các dự án: Luật doanh nghiệp (sửa đổi); Luật đầu tư (sửa đổi); Luật ban hành quyết định hành chính; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, Quốc hội đã thông qua với 32 dự án luật, 4 dự án pháp lệnh trong chương trình chính thức, 18 dự án luật trong chương trình chuẩn bị.
Thứ tư, ngày 13-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp sẽ được Đài truyền hình Việt Nam , Đài tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.
P.V (Tổng hợp)