Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Tạo thêm sự đồng thuận và đoàn kết

09:05, 06/05/2012

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được giao quản lý gần 100 ngàn hécta rừng, bao gồm cả diện tích đất ngập nước lòng hồ Trị An. Nhờ làm tốt việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở nên ở đây luôn có sự đồng thuận và đoàn kết trong  tập thể.

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được giao quản lý gần 100 ngàn hécta rừng, bao gồm cả diện tích đất ngập nước lòng hồ Trị An. Nhờ làm tốt việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở nên ở đây luôn có sự đồng thuận và đoàn kết trong  tập thể.

* Công khai là quan trọng

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai hiện có 288 cán bộ, viên chức công tác ở các đơn vị, trung tâm. Nhiều đơn vị trong số đó nằm cách trụ sở khu bảo tồn gần 60 cây số đường rừng, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Ông Trần Văn Mùi, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu bảo tồn cho biết: Để thực hiện tốt QCDC, mọi hoạt động của khu bảo tồn, chính sách liên quan đến người lao động đều được công khai trong các buổi họp giao ban, sinh hoạt chi bộ định kỳ và hội nghị cán bộ viên chức. Thông qua việc duy trì chế độ họp giao ban đã có nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ, viên chức và người lao động, từ đó nhiều khó khăn ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa được tháo gỡ.

Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh kiểm tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.  Ảnh: C.NGHĨA
Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh kiểm tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: C.NGHĨA

Cũng theo ông Mùi, những lĩnh vực được ưu tiên công khai thường xuyên là các khoản chi tiêu nội bộ, đấu thầu xây dựng cơ bản, quy hoạch cán bộ, đặc biệt là việc công khai các chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động. Hiện, khu bảo tồn đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế này trước khi được áp dụng đã được gửi tới các đơn vị, trung tâm lấy ý kiến góp ý công khai. Hàng năm, quy chế chi tiêu nội bộ đều được lưu ý chỉnh sửa để phù hợp với tình hình mới. Ngoài việc công khai qua hội họp, khu bảo tồn còn tiến hành công khai rộng rãi trên trang website để người lao động được biết.

Đồng chí Bùi Ngọc Thanh, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh trong cuộc kiểm tra thực hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai mới đây đã lưu ý khu bảo tồn cần kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện QCDC tại các đơn vị, trung tâm để đảm bảo mọi cán bộ, viên chức, người lao động đều được phát huy quyền làm chủ của mình, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và công tác xây dựng Đảng.

 

Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó giám đốc khu bảo tồn cho biết, hiện đã xây dựng và áp dụng được quy chế bình xét thi đua trong toàn khu. Hàng tháng tất cả các đơn vị, trung tâm, mỗi cán bộ, viên chức đều được đánh giá xếp loại. Trong bình xét thi đua đã lưu ý đến  yếu tố địa bàn để đảm bảo tính công bằng. “Việc bình xét thi đua không được chủ quan mà đòi hỏi phải có sự công khai và khách quan, dựa trên quá trình phấn đấu của cả 12 tháng trong năm” - ông Tâm cho biết thêm.

* Lắng nghe để giải quyết thấu đáo

Ông Phạm Văn Long, Trưởng trạm Kiểm lâm Bù Đăng (phía Bắc khu bảo tồn, giáp với tỉnh Bình Phước) cho biết: Trạm Bù Đăng nằm cách trụ sở khu bảo tồn gần 60 cây số đường rừng, vào mùa mưa đi lại rất khó khăn. Theo đề nghị của Đảng ủy và ban giám đốc, hàng tháng trạm đều  cử cán bộ từ phó đến trưởng trạm về trụ sở để họp giao ban, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng cùng những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu có. Ngoài ra, Đảng ủy, ban giám đốc khu bảo tồn còn tiến hành kiểm tra trực tiếp tại trạm để nắm rõ tình hình thực tế.

Trong khi đó ông Lê Văn Hưng, công tác tại Trạm Kiểm lâm Suối Rong cho biết: Đặc điểm của trạm là phải tuần tra bảo vệ rừng  trên một địa bàn rộng, đi lại khó khăn, thời gian qua giá xăng tăng liên tục nên việc dùng xe máy để tuần tra bảo vệ rừng không đủ. Sau khi kiến nghị, vấn đề này đã được ban giám đốc khu bảo tồn giải quyết, lượng xăng được cấp thêm đã cơ bản đảm bảo đủ cho việc dùng xe máy đi tuần tra canh gác, bảo vệ rừng.

Theo Đảng ủy, Ban giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, một trong những yếu tố để thực hiện tốt QCDC là cấp trên, người đứng đầu cơ quan phải biết nắm bắt, lắng nghe, suy ngẫm để tìm ra cách giải quyết thấu đáo các kiến nghị từ cơ sở đặt ra. Công khai dân chủ phải có sự chủ động từ cấp trên chứ không nên để cấp dưới đòi hỏi rồi mới công khai.

 

Ông Trịnh Thiện Nhẫn, Chủ tịch Công đoàn khu bảo tồn cho biết: Khu bảo tồn đã áp dụng chính sách hỗ trợ đặc thù cho những cán bộ, viên chức, người lao động công tác tại những xã khó khăn, rừng sâu, hiểm trở, do đó đã khuyến khích được tinh thần làm việc, gắn bó với địa bàn. Các kiến nghị của đoàn viên đến Công đoàn, như: tiền lương, chính sách phụ cấp thêm được thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, đoàn viên còn được  hưởng thêm từ việc tiết kiệm kinh phí khoán, trung bình mỗi năm khoảng 2/3 tháng lương. 

Ông Trần Văn Mùi cho rằng: QCDC đã góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng xây dựng Đảng của Đảng bộ khu bảo tồn. Nhờ làm tốt việc công khai theo quy định của QCDC nên chưa phát hiện được biểu hiện tham nhũng. Việc công khai bình xét thi đua đã khuyến khích tinh thần làm việc của cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của đảng viên và người đứng đầu. Đảng bộ khu bảo tồn có 165 đảng viên ở 10 chi bộ, trong đó có 119 đảng viên trong diện phải kê khai tài sản đều đã nghiêm chỉnh chấp hành kê khai,  kê khai bổ sung. Việc thực hiện QCDC đã tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết từ trên xuống dưới để hoàn thành tốt việc bảo vệ và phát huy các giá trị của rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều