Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự cần thiết phải ban hành Luật giáo dục đại học

07:05, 25/05/2012

Tiếp tục ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 25-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giáo dục đại học (sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp này).

Tiếp tục ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 25-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại Hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giáo dục đại học (sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp này).

ĐBQH tỉnh Đồng Nai Phạm Thị Hải phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
ĐBQH tỉnh Đồng Nai Phạm Thị Hải phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận (Ảnh TTXVN)

Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTV.QH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giáo dục đại học được trình bày tại kỳ họp đã nêu lên những nội dung các ĐBQH quan tâm như: mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học; vấn đề xã hội hóa và tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và một số vấn đề khác.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các ĐBQH tán thành với sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu xây dựng và ủng hộ thông qua dự thảo luật Giáo dục đại học tại kỳ họp, trong đó có nội dung: thành lập Hội đồng trường - một thiết chế không thể thiếu trong giáo dục công lập, nhằm nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả, Bộ GD-ĐT cần quy định chi tiết và tổ chức hướng dẫn thực hiện, gắn chức năng, quyền hạn với quyền lợi đối với từng đối tượng trong hội đồng, tránh hoạt động hình thức, thiếu hiệu quả.

Thảo luận về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, nhiều ý kiến nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Về nội dung quy định trình độ của giảng viên phải cao hơn một cấp so với trình độ mà giảng viên tham gia đào tạo, nhiều ý kiến còn tỏ ra băn khoăn, bởi đối với các địa phương, vùng sâu, vùng xa, các trường văn hóa, nghệ thuật của các tỉnh…, quy định này trên thực tế là khó thực hiện. Đối với nội dung xã hội hóa giáo dục, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm lợi nhuận và không vì lợi nhuận, vì làm rõ được khái niệm này mới có những chính sách phù hợp với từng loại hình. Về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đa số ý kiến đều nhất trí đề nghị quy định việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học và công khai kết quả kiểm định là bắt buộc, nhưng cần có lộ trình thực hiện và bổ sung nội dung cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy trình, chu kỳ kiểm định cũng như việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã giải đáp thấu đáo một số nội dung cụ thể mà các ĐBQH đã quan tâm trao đổi, đồng thời làm rõ hơn sự cần thiết phải ban hành Luật giáo dục đại học.

Q.H

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích