Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của người nước ngoài?

08:05, 25/05/2012

Tiếp tục kỳ họp thứ 3, chiều 25-5, Quốc hội khóa XIII thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)...

Tiếp tục kỳ họp thứ 3, chiều 25-5, Quốc hội khóa XIII thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) như: địa vị pháp lý của công đoàn; quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài; hệ thống tổ chức và tên gọi của công đoàn các cấp; tài chính công đoàn; bảo đảm cho cán bộ công đoàn...

Ông Trương Văn Vở, ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại kỳ họp
Ông Trương Văn Vở, ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại kỳ họp (Ảnh TTXVN)

Nhiều đại biểu nhất trí với quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật: "Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Về tên gọi, các đại biểu tán thành với quy định tên gọi công đoàn ở cấp Trung ương là Tổng Công đoàn, còn tên gọi cụ thể của công đoàn các cấp sẽ do Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định. Tuy nhiên, về hệ thống tổ chức công đoàn, một số đại biểu cho rằng, hệ thống tổ chức của các cấp công đoàn hiện nay còn nhiều tồn tại, mang nặng tính hình thức cấp trên cấp dưới, chưa phù hợp, chưa phân biệt chức năng nhiệm vụ của từng cấp công đoàn. Tên gọi của các cấp liên đoàn chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương dẫn đến chồng chéo; khi nảy sinh những vướng mắc về quan hệ lao động, công đoàn còn lúng túng khi đề ra các giải pháp cùng các cơ quan nhà nước để giải quyết kịp thời. Đối với các cấp công đoàn tổ chức theo ngành nghề cũng tương tự như vậy. Luật cần chỉ rõ hệ thống tổ chức trong cả hệ thống tổ chức công đoàn và từng cấp công đoàn theo nguyên tắc gì, theo mối quan hệ nào... Mỗi cấp công đoàn có đặc thù riêng nên cần luật hóa và quy định rõ ràng, tránh sự tùy tiện, chủ quan.

Nhiều đại biểu cũng tán thành với quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Bởi, khi hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư quốc tế, có hàng chục ngàn chuyên gia, lao động kỹ thuật vào làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, khi quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động có mâu thuẫn, nếu người nước ngoài được tham gia công đoàn sẽ thuận lợi hơn trong công tác và bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi công đoàn giữa lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh, trật tự, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của người nước ngoài sẽ được quy định chặt chẽ hơn trong văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Các đại biểu Quốc hội cũng tán thành với quy định của dự thảo Luật về tài chính công đoàn với quy định mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động. Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại đề nghị mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội...

Tại phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về trách nhiệm của công đoàn trong việc “tổ chức và lãnh đạo đình công”; kiểm tra, giám sát tài chính Công đoàn...

P.H

Tin xem nhiều