Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 29-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này).
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 29-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này).
Các đại biểu thảo luận tại hội trường |
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật như đã nêu trong dự thảo Luật là cần thiết, nhưng Luật cần quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng, hạn chế giao cho Chính phủ quy định để khi Luật có hiệu lực sẽ thực thi ngay, không phải chờ đợi.
Xung quanh nội dung quy định về Ngày Pháp luật (Điều 8), qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi, đây là điều cần thiết để tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, nâng cao vị thế, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, đặc biệt trong điều kiện đất nước ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Về đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật (Chương II) một số ý kiến đề nghị rà soát lại để lược bỏ đối tượng không cần thiết và bổ sung đối tượng đặc thù cho hợp lý. Vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên cạnh đối tượng chung là công dân, thì có một số nhóm đối tượng là những người ít có khả năng, điều kiện thực tế để tiếp cận pháp luật hoặc là những người cần phải giáo dục nhằm thay đổi hành vi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Bàn về phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động - một đối tượng đặc thù trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các đại biểu đề nghị cần có chế tài cụ thể yêu cầu chủ doanh nghiệp có trách nhiệm trong phổ biến tuyên truyền pháp luật, tạo quyền tiếp cận pháp luật cho người lao động. Đồng thời cần bổ sung hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay trên xe đưa rước công nhân hay trong giờ ăn, qua loa...
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề: đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân; trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên pháp luật...
Thứ tư, ngày 30-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật xuất bản (sửa đổi), thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quảng cáo; buổi chiều, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính.
P.V