Ngày 30-5, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII tiếp tục họp toàn thể tại Hội trường để thảo luận về dự thảo các luật: Xử lý vi phạm hành chính và Quảng cáo.
Ngày 30-5, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII tiếp tục họp toàn thể tại Hội trường để thảo luận về dự thảo các luật: Xử lý vi phạm hành chính và Quảng cáo.
* Cân nhắc kỹ khi tăng mức xử phạt vi phạm hành chính
Buổi sáng, khi thảo luận về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc tăng mức phạt, còn cần chú trọng áp dụng đồng bộ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm gây ra. Có đại biểu cho rằng, việc tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết, nhưng việc tăng lên bao nhiêu cần phải cân nhắc kỹ cho phù hợp với thực tiễn và tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hành vi. Chẳng hạn, xem xét nâng mức phạt cho hợp lý đối với một số hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường, làm hàng giả, quảng cáo, gian lận thương mại liên quan đến hoạt động kiểm lâm, quản lý biển gây ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, tài nguyên biển.
Liên quan đến vấn đề người bán dâm, nhiều ý kiến cho rằng, đây là vấn đề xã hội, cần được giải quyết bằng các giải pháp kinh tế - xã hội thông qua các hình thức hỗ trợ lao động hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm thì mới đạt hiệu quả. Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm về bản chất là tước quyền tự do, cách ly khỏi xã hội, xử lý như vậy quá nghiêm khắc. Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ và tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp, không nên thả lỏng, tránh để tình trạng mại dâm bùng phát, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo (Ảnh: TTXVN) |
* Dự thảo Luật Quảng cáo: vẫn còn nhiều vấn đề cần được bổ sung
Trước đó, sáng 30-5, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật xuất bản (sửa đổi) và nghe báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo.
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với dự thảo Luật Quảng cáo quy định giao Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo. Vì, ngoài việc đảm bảo tính thông tin, chính xác, thì nội dung, sản phẩm quảng cáo còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta. Do vậy, giao cho Bộ VHTT&DL là thích hợp. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, Bộ Thông tin và truyền thông là nơi quản lý trên 80% quảng cáo, thì bộ này quản lý nhà nước về vấn đề quảng cáo sẽ phù hợp hơn.
Thảo luận về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, nhiều đại biểu cho rằng không nên bỏ quy định tại khoản 4 Điều 8 về "các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình bú và vú ngậm nhân tạo dùng cho trẻ theo quy định pháp luật về y tế" như dự thảo Luật, vì không có sản phẩm nào thay thế được sữa mẹ. Mặt khác, Nghị định 21 của Chính phủ cũng đã cấm quảng cáo các sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, chính vì vậy trong dự án Luật nếu không cấm quảng cáo các loại sữa nói chung, thì cần có điều khoản cấm các sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Xung quanh nội dung hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, các đại biểu đề nghị Quốc hội bổ sung cấm các quảng cáo có "hình ảnh và lời nói" thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; cấm quảng cáo các trò chơi mang tính cờ bạc...Đồng thời, cân nhắc thêm về hành vi một số doanh nghiệp đang lạm dụng các vấn đề nhân đạo vào hoạt động quảng cáo các sản phẩm, nhất là không được phép lợi dụng lòng tốt của khách hàng cũng như hình ảnh của những người bất hạnh để quảng cáo cho mình.
Về quy định "thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo" – các đại biểu cho rằng chưa thật sự hợp lý. Nhiều đại biểu đề nghị Luật Quảng cáo cần cân nhắc vấn đề này và có quy định phù hợp cho truyền hình trả tiền là: "quảng cáo không được chen ngang chương trình làm ảnh hưởng đến khán giả"; "quảng cáo chỉ được phát trước và sau chương trình...” và thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 3% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo, mỗi lần quảng cáo không quá 2 phút...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, quy định giới hạn quảng cáo trên truyền hình cần được cân nhắc, bởi lẽ ngay cả truyền hình trả tiền của nước ta cũng không thể thu được nhiều kinh phí như các nước khác. Quy định hạn chế thời lượng như dự thảo luật khó có thể khả thi trên thực tế. Vì vậy, việc giới hạn về thời lượng quảng cáo trong dự thảo cần được "nới" ra và theo lộ trình từ từ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị phát sóng có đủ kinh phí hoạt động...
***
Theo Chương trình, sáng 31-5, Quốc hội làm việc tại Hội trường để nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 5 dự án: Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về số một nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
P.V (tổng hợp)