Đã gần trọn một thế kỷ từ khi tác phẩm Đường Kách mệnh ra đời, những tư tưởng và lý luận mà tác phẩm này đề cập, luôn luôn có ý nghĩa to lớn đối với Ðảng Cộng sản Việt Nam và con đường phát triển của cách mạng.
Tác phẩm Đường Kách mệnh xuất bản năm 1927. Ảnh: T.L |
Đã gần trọn một thế kỷ từ khi tác phẩm Đường Kách mệnh ra đời, những tư tưởng và lý luận mà tác phẩm này đề cập, luôn luôn có ý nghĩa to lớn đối với Ðảng Cộng sản Việt Nam và con đường phát triển của cách mạng.
Đường Kách mệnh, cuốn sách tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các khóa học của Trường huấn luyện chính trị Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc), được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tại Quảng Châu năm 1927, nhằm giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất về Đảng Cộng sản, về lý luận cách mạng. Sách không dài, bản in lần đầu khoảng 100 trang, nhưng đề cập khá đầy đủ về con đường đi, việc xây dựng tổ chức và tập hợp lực lượng, đặc biệt là những phẩm chất mà người cách mạng Việt Nam cần có. Sau này, bản Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, thông qua tại hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1930, nội dung cơ bản được rút ra từ tác phẩm này.
Cuốn sách nêu 15 vấn đề, đề cập tư cách người cách mệnh, lý do viết sách, khái niệm cách mệnh và lịch sử cách mệnh ở Mỹ, Pháp và Nga, về quốc tế và các đoàn thể quốc tế, tổ chức công hội (Công đoàn), tổ chức dân cày (nông dân) và cuối cùng bàn về hợp tác xã. Với cách viết đặt ra câu hỏi cụ thể cho từng nội dung, có tất cả 98 câu hỏi, phần trả lời ngắn gọn, sâu sắc, đồng thời chỉ ra cách làm, cách thực hiện từng nội dung mà câu hỏi đặt ra. Cách làm này như là “cầm tay chỉ việc” hoàn toàn phù hợp với trình độ nhận thức thời bấy giờ, nhưng cũng không vì vậy mà làm giảm đi tính khoa học, tính chính xác của khái niệm, người đọc có thể bắt gặp rất nhiều trong tác phẩm.
Khái niệm cách mệnh rất khó hiểu, nhưng qua lăng kính Nguyễn Ái Quốc thì rất đơn giản: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Giải thích vì sao công nông là chủ lực quân của cách mạng: “Là vì công nông bị áp bức nặng hơn, là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết, là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”. Với cách cắt nghĩa thật kiệm lời, Nguyễn Ái Quốc phân biệt Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai và Quốc tế thứ ba thật rõ ràng, chỉ với mấy dòng. Người làm rõ sự khác nhau giữa tổ chức công hội (Công đoàn) và chính Đảng, có lẽ không có cách diễn đạt nào dễ hiểu hơn: “Công hội chú trọng mặt kinh tế hơn. Đảng chú trọng mặt chính trị hơn. Ai là thợ thuyền thì được vào hội, dù tin Phật, tin đạo, tin cộng sản, tin vô chính phủ, tin gì cũng mặc, miễn là theo đúng quy tắc hội là được. Đảng thì bất kỳ người ấy làm nghề gì, thợ thuyền hay là dân cày, học sinh hay là người buôn, miễn là người ấy tin theo chủ nghĩa Đảng, phục tùng phép luật Đảng thì được vào”. Điều kiện để cách mạng thành công: “Phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh; phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.
Ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”. Chủ đề học tập năm 2012 được xác định “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tổ chức học tập lại một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có tác phẩm Đường Kách mệnh. Đây là dịp để mọi người đọc lại, suy ngẫm về một tác phẩm lớn của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. |
Nguyễn Ái Quốc quan niệm làm cách mạng trước hết phải có con người cách mạng, con người là yếu tố quyết định và có vai trò quan trọng nhất. Vì vậy, vấn đề con người được cuốn Đường Kách mệnh đưa lên đầu tiên, mở đầu cuốn sách là nội dung tư cách người cách mệnh. Ở phần này, tư cách của người cách mạng được Nguyễn Ái Quốc xác định trên 3 quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với công việc, đây cũng là 3 mối quan hệ mà con người phải trực diện hàng ngày. Ba mối quan hệ này hình thành 3 nhóm, với 23 chuẩn mực cụ thể, tạo nên tư cách của người cách mạng. Trong đó, quan hệ đối với mình với 14 chuẩn mực, là nhóm được xác định nhiều chuẩn mực nhất: 1/ Cần kiệm, 2/ Hòa mà không tư, 3/ Cả quyết sửa lỗi mình, 4/ Cẩn thận mà không nhút nhát, 5/ Hay hỏi, 6/ Nhẫn nại (chịu khó), 7/ Hay nghiên cứu, xem xét, 8/ Vị công vong tư, 9/ Không hiếu danh, không kiêu ngạo, 10/ Nói thì phải làm, 11/ Giữ chủ nghĩa cho vững, 12/ Hi sinh, 13/ Ít lòng tham muốn về vật chất, 14/ Bí mật. Từ 14 điều này, sau này Bác khái quát thành đạo đức của người cán bộ, đảng viên: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, và Bác cũng là người đặt nền tảng cho việc xây dựng một nền đạo đức mới.
Đọc Đường Kách mệnh có vẻ như ngôn ngữ không trau chuốt, lối viết mộc mạc, không lý luận cao siêu, điều này thật dễ hiểu: Dân trí nước ta trước Cách mạng tháng Tám rất thấp, hơn 90% dân số mù chữ, nếu dùng ngôn ngữ bóng bẩy để diễn tả những vấn đề lý luận trừu tượng e rằng không phù hợp, phải viết cho tầng lớp công nông dể hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện nhất. Mặt khác, gần 100 năm qua, ngôn ngữ tiếng Việt tiếp tục phát triển, vốn từ vựng được bổ sung, ngữ pháp có nhiều thay đổi so với bây giờ. Tác giả cũng không giấu giếm điều này, ở phần “Tại sao lại viết sách này?” của cuốn sách, Nguyễn Ái Quốc viết: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả”. Có lẽ còn chút gì thô ráp, nhưng Đường Kách mệnh là viên ngọc quý, cần được trân trọng, nâng niu, rất cần cho những người làm cách mạng ở Việt Nam.
Phan Sĩ Anh