Báo Đồng Nai điện tử
En

Đôi điều về phong cách Hồ Chí Minh

11:05, 18/05/2012

Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người mang nhiều phong thái, có vẻ như đối lập, trái ngược nhau, nhưng lại cùng tồn tại, hòa quyện, thống nhất trong một con người.       

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người mang nhiều phong thái, có vẻ như đối lập, trái ngược nhau, nhưng lại cùng tồn tại, hòa quyện, thống nhất trong một con người.       

            Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà du hành vũ trụ German S.Titov (Liên Xô) bơi thuyền trên vịnh Hạ Long (1-1962).
Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà du hành vũ trụ German S.Titov (Liên Xô) bơi thuyền trên vịnh Hạ Long (1-1962).

Tại hội thảo quốc tế, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 1990 tại Hà Nội, hơn 100 tham luận của các học giả, chính khách quốc gia và quốc tế, bàn và làm rõ về con người và những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn: “Chúng ta đều thấy sự nhất quán đến kỳ lạ ở con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua bao biến thiên của lịch sử, sự kết hợp hài hòa của nhiều phong thái rất khác nhau ở trong một con người: Vừa dân tộc vừa quốc tế, vừa rất mực nhân từ vừa triệt để cách mạng, rất uyên bác mà lại cực kỳ khiêm tốn, rất nguyên tắc về chiến lược lại rất linh hoạt trong sách lược. Vừa nhìn xa trông rộng lại vừa thiết thực cụ thể, vừa vĩ đại lại vô cùng bình dị”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại viết: “Hồ Chí Minh là người cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu nhưng đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, khi Nguyễn Ái Quốc còn hoạt động ở Pháp, kẻ thù của chúng ta đã cảm nhận những nét rất khác biệt ở con người này. Albert Sarraut, Bộ trưởng thuộc địa Pháp lúc đó đã thốt lên: “Con người nhìn bề ngoài có vẻ mảnh khảnh này, nhưng có khi là kẻ đóng đinh lên quan tài chế độ của chúng ta”, và điều đó đã đúng, năm 1954 với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ đã cáo chung trên toàn thế giới. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã tạo được cho mình một phong cách độc đáo trên nhiều phương diện. Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống bao gồm: phong cách tư duy; phong cách làm việc; phong cách diễn đạt; phong cách ứng xử; phong cách sinh hoạt...Tìm hiểu phong cách Hồ Chí Minh, cần tiếp cận ở 3 khía cạnh: Đối với công việc, đối với mọi người và đối với chính bản thân.

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung phong phú, mà chủ yếu là: tác phong khoa học, tác phong tập thể, dân chủ và tác phong quần chúng. Tính khoa học trong công việc là quý trọng thời gian, giờ nào việc ấy, đi sâu, đi sát cơ sở, hiểu rõ ngọn ngành trước khi bắt tay vào việc, biết tôn trọng và phân công hợp lý cho từng người trong bộ máy tùy theo năng lực của họ. Biết sàng lọc và chọn lựa thông tin, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng. Bác chỉ rõ: Khi ra quyết định công tác, hay khi định ra cách tổ chức thực hiện, không được ngồi trên bàn giấy, nghe người dân báo cáo rồi vẽ vời, do chủ quan tưởng tượng mà không đi sâu sát thực tế. Người kịch liệt phê phán những lối làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm được ít suýt ra nhiều, “để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại rỗng tuếch”. Khi viết về một điều gì, thường Bác viết rất ngắn, diễn đạt đơn giản nhất để người “ít chữ” cũng hiểu được, khi chỉ đạo việc gì, Bác thường đặt mình trong đó, xem có thực hiện được không. Với một tác phong nói ít làm nhiều, có những việc “làm mực thước cho người ta bắt chước” mà không cần nói.

Với công việc bộn bề của Chủ tịch nước, nhưng Bác là người đi thực tế cơ sở nhiều nhất. Đi thăm cơ sở, nơi đầu tiên Bác đến là nhà bếp, nhà vệ sinh, nơi ăn ở, sau cùng mới đến phòng khách. Nội dung phát biểu không phải là những bài người khác viết sẵn, mà Bác đi thẳng vào những điều Bác vừa nắm được tại nơi đến, nên nội dung Bác chỉ bảo mang tính người thật, việc thật, không lẫn với người khác, việc khác. Bác thường động viên mọi người bằng việc thưởng huy hiệu của Người, những gương tốt này được Bác phát hiện qua báo chí và Bác kiểm tra lại thông tin trước khi tặng huy hiệu. Vì vậy, việc biểu dương đúng người, đúng việc nên tác dụng động viên rất lớn, tạo thành phong trào thi đua người tốt, việc tốt. Việc dùng người là một khoa học, Bác dạy: “Phải khéo dùng cán bộ, không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”. Bàn bạc dân chủ, tôn trọng ý kiến mọi người và phục tùng đa số là việc Bác làm thường ngày.

Phong cách nổi bật ở Hồ Chí Minh là lối sống cần cù, giản dị, tiết kiệm, hòa mình với quần chúng, luôn coi mình là đầy tớ, công bộc của nhân dân, không ham danh lợi cho riêng mình. Để làm được điều đó, Người phải luôn làm giàu kiến thức của mình, chủ yếu bằng tự học, học từ quần chúng, học từ cuộc sống. Bác biết 28 ngoại ngữ, trong đó có 8 thứ tiếng sử dụng thành thạo, mà hầu hết bằng tự học.

 

Phong cách ứng xử với mọi người của Hồ Chí Minh thật tinh tế, và cũng thật văn hóa. Đối với con người, kể cả người lao động bình thường, Hồ Chí Minh luôn luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, không có sự cách biệt giữa lãnh tụ và quần chúng. Với người có lợi Bác tỏ lòng khoan dung, được Bác mở đường để chuộc lỗi; với kẻ thù bằng thái độ độ lượng, kẻ thù bị Người cảm hóa. Chính vì vậy mà sức cuốn hút, cảm hóa, cảm phục, ngưỡng mộ và thôi thúc mọi người hướng tới chân, thiện, mỹ khi được tiếp xúc với Hồ Chí Minh. Bác tin người và biết đặt niềm tin đúng chỗ: Năm 1946, khi sang Pháp đàm phán, trong lúc vận nước đang muôn vàn khó khăn, quyền Chủ tịch nước Bác giao lại cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó chủ tịch nước, một nhân sĩ yêu nước. Người dặn cụ Huỳnh bí quyết “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, với một niềm tin: “Việc này giao cho cụ là tôi yên tâm!” và kết quả mọi việc đều chu toàn.

Phong cách ứng xử của Bác, còn được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực đối ngoại, được xem nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, nhiều lúc chuyển bại thành thắng. Sau khi kết thúc đàm phán với Pháp, cuối 1946 Bác về nước trên một tàu của Hải quân Pháp. Trong một tiệc chiêu đãi, Bác ngồi giữa, một bên là Đô đốc Hải quân Pháp D’Argenlieu, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn Đông. D’Argenlieu bóng gió, dậm dọa: “Thưa ông Chủ tịch, ông đã được đóng bộ khung rất đẹp của hải và lục quân đó!”. Người mỉm cười: “Giá trị là ở bức tranh chứ không phải bộ khung. Chính bức tranh đem lại giá trị cho bộ khung!”.

Phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn của tư tưởng, đạo đức, phương pháp, lối sống Hồ Chí Minh, thể hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống của Người, để Người trở thành con người toàn vẹn, với một cuộc sống trọn vẹn. Người không phải cố ý sống khác đời để mọi người ca ngợi, mà xuất phát từ một triết lý nhân sinh là lấy khiêm tốn, giản dị làm nền; lấy chừng mực đức độ làm chuẩn; lấy trong sạch, thanh cao làm niềm vui; lấy gắn bó con người, thiên nhiên làm niềm say mê vô tận. Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh để mỗi chúng ta tự phấn đấu, vươn lên, tự làm cho mình trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.

 Phan Sĩ Anh

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều