Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận tổ vào sáng 24-5 để thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 vừa được Chính phủ trình bày trước Quốc hội.
Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận tổ vào sáng 24-5 để thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 vừa được Chính phủ trình bày trước Quốc hội.
*Báo cáo “nhiều màu hồng”
Về cơ bản, các ĐBQH đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành vĩ mô, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhờ vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản được bảo đảm, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực nhờ những giải pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt. Mặt bằng lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán được cải thiện. Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm mạnh. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm, bảo đảm và thực hiện tốt.
Các ĐBQH đang thảo luận tại tổ (Ảnh: TTXVN) |
Tuy vậy, một số đại biểu bày tỏ lo ngại, khi báo cáo đánh giá của Chính phủ về kinh tế xã hội năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 có quá nhiều “màu hồng”. Các đại biểu cũng chỉ rõ: Đánh giá của Chính phủ vẫn chung chung và bản chất vấn đề chưa được làm rõ nên giải pháp chưa sát thực, cụ thể. Vì vậy, nhiều hạn chế của nền kinh tế xã hội đã được nêu đi nêu lại nhiều năm nhưng vẫn chưa được cải thiện. Nhiều đại biểu đã chỉ ra: Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững và khả năng cạnh tranh chưa được cải thiện, năng suất lao động xã hội thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến tiêu cực, gây hại với sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội được triển khai đúng hướng, nhưng vào thời điểm hiện nay đã bắt đầu bộc lộ các “tác dụng phụ” không mong muốn như: Sản xuất đình đốn, việc làm cho người lao động bị giảm mạnh, hàng tồn kho lớn do sức mua thấp.
Trong khi đó, có đại biểu bổ sung: Việc quản lý thị trường bất động sản thời gian qua bị buông lỏng nên cung vượt xa cầu; hệ thống tài chính phức tạp khi vai trò của ngân hàng thương mại bị đi lệch hướng. “Tiền huy động được dùng để đầu tư ra ngoài ngành trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ không vay được vốn để sản xuất hoặc phải vay với lãi suất cắt cổ như “uống thuốc độc nên chết nhanh hơn”. Ở góc độ xã hội, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, việc làm mới chỉ chạy theo số lượng mà xem nhẹ tiêu chí chất lượng, tạo ra những hệ lụy bất lợi với xã hội. Ví dụ rõ nét nhất chính là chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo đang có ý nghĩa về mặt con số, trong khi trên thực tế, chỉ tiêu này không có nhiều ý nghĩa khi lạm phát tăng cao trong thời gian qua. Đây chính là vấn đề quan điểm và chiến lược lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế, xã hội chỉ dựa trên số lượng mà xem nhẹ các tiêu chuẩn về chất lượng đi kèm.
*Giải pháp cần rõ ràng và cụ thể hơn
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, khả năng đạt được các chỉ tiêu của năm 2012 là rất khó do khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn; gây tác động bất lợi lên nền kinh tế phát triển chưa bền vững như Việt Nam. Tuy nhiên, khác với mọi năm, Chính phủ không đề nghị điều chỉnh mục tiêu của năm 2012 và Quốc hội cũng không đặt ra vấn đề điều chỉnh, cho dù thời gian còn lại của năm chỉ còn hơn 7 tháng. Vì vậy, để hiện thực hóa các chỉ tiêu đã đề ra về kinh tế, xã hội, Chính phủ cần phải đề ra các giải pháp rõ ràng và cụ thể hơn.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.Hồ Chí Minh), tại thời điểm hiện nay, chúng ta có thể xem xét lại đối với các chính sách lãi suất và điều hành lãi suất nên theo hướng tự do hóa. Ví dụ, với thời điểm hiện tại, chỉ số lạm phát như hiện nay, cần giảm sâu lãi suất huy động xuống mức 10% và Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần đưa ra thông điệp rõ ràng rằng: Khi kéo lãi suất trần xuống, bất cứ ngân hàng thương mại nào đủ điều kiện cũng có thể vay được ở mức 10%. Khi đó, các ngân hàn cần vốn có thể tới NHNN để vay 10% chứ không cần vay vượt trần, từ đó sẽ xóa được cạnh tranh vốn trên thị trường trong việc huy động vốn và có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay.
Mặt khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối tháng 5 phải chỉ đạo dứt điểm những việc như: Hợp nhất, sáp nhập hay giải thể, cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém; đồng thời thực hiện mạnh mẽ hơn vì nếu để càng lâu, nền kinh tế càng gánh chịu hậu quả lớn hơn nhiều.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội) bổ sung: Hệ thống tín dụng với hàng trăm cá thể với một nền kinh tế như hiện nay là bất bình thường. Trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất cắt cổ thì các ngân hàng vẫn có lương cao, lãi to nên NHNN cần phải kiểm điểm nghiêm túc xem có vẫn đề lợi ích nhóm không, ông Quyền đặt câu hỏi. NHNN với vai trò quản lý đáng ra phải có sự thanh tra, kiểm tra, giám sát tốt hơn nhưng trên thực tế, sự phản ứng của NHNN là rất chậm chạp bởi đến tận bây giờ mới lập đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Huy Hùng (Đoàn Hà Nội) đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) khẳng định: Lãi suất 15% như hiện nay là vẫn cao với doanh nghiệp nhưng mục tiêu hạ lãi suất xuống 7-8% là khó thực hiện. Vietinbank đã kéo lãi suất xuống thấp nhất có thể là 14% nhưng thực tế vẫn có ngân hàng cho vay với lãi suất lên tới 17% do việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn “lò dò”. Vấn đề lớn nhất cần ưu tiên giải quyết là giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua, giải phóng tồn kho, giải quyết việc làm nên các mục tiêu phải hài hòa lợi ích giữa kiềm chế lạm phát với mục tiêu phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và ổn định đời sống nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang đề xuất: Bên cạnh việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cần tính tới việc miễn giảm thuế doanh thu, thuế VAT tác động trực tiếp lên doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cần hủy bỏ ngay phương án thu tiền thuê đất của doanh nghiệp một lần trong thời điểm hiện nay và cần đề ra hai phương án cho doanh nghiệp lựa chọn: Nộp một lần hoặc nộp hàng năm nhằm giảm bớt áp lực thiếu vốn cho doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu cho rằng: Chính phủ cần lấy ý kiến trực tiếp doanh nghiệp để các giải pháp của Chính phủ có hiệu quả thiết thực với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước ở từng địa phương phải quản lý được việc cấp phép dự án, tránh hiện tượng cung vượt cầu, dẫn tới lãng phí. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí; cũng như đánh giá lại mô hình tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, đánh giá lại sự đóng góp của các thành phân kinh tế để có “liều thuốc” hữu hiệu hơn.
K.A-H.T