Báo Đồng Nai điện tử
En

Học Bác Hồ từ cách tiết kiệm giấy, chất đốt

11:05, 16/05/2012

Là trung tâm đào tạo cán bộ sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội, việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, đảm bảo nhu cầu đời sống bộ đội ở Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường sĩ quan lục quân 2) rất lớn.

Là trung tâm đào tạo cán bộ sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội, việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, đảm bảo nhu cầu đời sống bộ đội ở Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường sĩ quan lục quân 2) rất lớn. Chính vì thế, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tinh thần tiết kiệm, nhà trường đã thực hiện triệt để chủ trương: khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo bí mật quân sự và tiết kiệm mọi cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Cán bộ, nhân viên Trường đại học Nguyễn Huệ tiết kiệm giấy in.          Ảnh: M.Đức
Cán bộ, nhân viên Trường đại học Nguyễn Huệ tiết kiệm giấy in. Ảnh: M.Đức

Thượng tá Vũ Văn Thắng, Trưởng ban quân nhu nhà trường cho biết, nhiều năm nay, nhà trường mua lúa về xay, mua trấu từ các nhà máy xay xát về đun nấu thay than đá và củi. Hiện 18 bếp ăn của nhà trường được nấu bằng bếp lò hơi cơ khí nhiên liệu trấu. Theo tính toán của cơ quan hậu cần nhà trường, từ khi có bếp lò hơi đun trấu đã tiết kiệm được 300 - 350 đồng/người/ngày, mỗi năm tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Số tiền này được tính toán và trực tiếp đưa vào bữa ăn hằng ngày cho bộ đội, nên dù thị trường có biến động, nhưng mức ăn của bộ đội vẫn ổn định và luôn được cải thiện. Ngoài ra, nhà trường còn không phải mua rau xanh; tự cung ứng 60% thịt heo, cá từ nguồn chăn nuôi; tự làm nước mắm nhĩ đủ cho toàn trường và bán được sản phẩm ra ngoài; tự chế biến rau, đậu, làm giò nạc, tổ chức lò giết mổ tập trung, xây dựng nhà máy xay xát, đảm bảo gạo ăn cho bộ đội và trấu để đun nấu tại 18 bếp ăn…

Ở Phòng Khoa học công nghệ - môi trường, cán bộ, nhân viên ở đây thường xuyên được giáo dục phải tiết kiệm tối đa giấy, mực in; tận dụng giấy đã sử dụng một mặt để photo, in bản thảo. Cán bộ đọc, nhận xét xong bản thảo thì trả lại cơ quan, không cấp giấy mới khi giấy còn một mặt có thể tái sử dụng. Khi xong việc, những loại giấy không còn khả năng sử dụng sẽ được xử lý theo chế độ tài liệu mật… Bằng cách này, mỗi năm phòng chỉ sử dụng hết 2/3 cơ số giấy cho phép. Cơ quan này làm được thì phổ biến cơ quan, đơn vị khác cùng làm theo, nên số tiền tiết kiệm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường đã thực hiện các loại văn bản, giấy tờ, cải cách thủ tục hành chính trên các trang web nội bộ, thư điện tử, bài giảng điện tử… ứng dụng công nghệ thông tin kịp thời và tiết kiệm tối đa giấy viết, mực in, các trang thiết bị. Thượng tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong lần về thăm trường mới đây nhận xét: “Cách thực hành tiết kiệm và môi trường văn hóa của Trường đại học Nguyễn Huệ là mô hình rất đáng để toàn quân học tập, nhân rộng”.

Nguyễn Minh Đức

 

Tin xem nhiều