Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo thực thi quyền công đoàn và tính tự chủ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

08:05, 23/05/2012

Ngày 23-5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) và Luật bảo hiểm tiền gửi.

Ngày 23-5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) và Luật bảo hiểm tiền gửi.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường
Các đại biểu thảo luận tại hội trường (ảnh: TTXVN)

* Đảm bảo thực thi quyền công đoàn

[links(left)]Buổi sáng, trong phiên thảo luận về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ sự quan tâm đến cơ chế đảm bảo thực thi quyền công đoàn đối với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân lao động. Trong đó, dự thảo cần có thêm các quy định về nghĩa vụ thương lượng thiện chí của người sử dụng lao động (NSDLĐ); cơ chế thúc đẩy và hỗ trợ thương lượng của Nhà nước; cơ chế đối thoại thường xuyên tại doanh nghiệp (DN); hành động tập thể của người lao động (NLĐ) để thúc đẩy thương lượng; cơ chế ủy quyền của công đoàn cơ sở (CĐCS) cho công đoàn cấp trên trong thương lượng tập thể...Ngoài ra, pháp luật cần quy định theo hướng công đoàn cấp trên được tham gia vào quan hệ lao động tại cấp doanh nghiệp (nơi đã có CĐCS hoặc đoàn viên), đặc biệt là trong quá trình thương lượng tập thể, tham vấn, giải quyết tổ chức lao động, tổ chức và lãnh đạo đình công, góp phần bảo vệ tốt hơn cho NLĐ và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của quan hệ lao động...

Về làm thêm giờ, nhiều ý kiến đề nghị nên giữ như quy định cũ (200 giờ hoặc 300 giờ). Xung quanh quy định thời gian nghỉ thai sản, thống nhất lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, nhưng cho phép người lao động có quyền đi làm sau khi nghỉ đủ 4 tháng trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Về tiền lương, nên có quy định đảm bảo cơ chế thương lượng về tiền lương giữa NLĐ, NSDLĐ thông qua tổ chức công đoàn. Có như vậy, NLĐ mới có thể có mức lương phù hợp với sức lao động của mình và đảm bảo nhu cầu cuộc sống.

* Tính tự chủ, độc lập tương đối của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Buổi chiều, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi, nhiều đại biểu tỏ ra quan tâm đến mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi - một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật.

Đa số ý kiến nhất trí giữ nguyên mô hình Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập như hiện nay. Nhiều đại biểu cho rằng, về bản chất, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là định chế tài chính có nhiệm vụ góp phần bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên là một định chế độc lập, bởi trên thực tế NHNN là một cơ quan thực thi các chính sách về tiền tệ, cấp giấy phép, cũng như trực tiếp quản lý các hệ thống tín dụng. Trong khi đó, chức năng của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm an toàn và lành mạnh hệ thống ngân hàng, nhằm nâng cao niềm tin của người dân, giám sát hệ thống tài chính quốc gia. Bảo hiểm tiền gửi còn thực hiện chức năng giám sát nhằm minh bạch hóa, công khai hóa trách nhiệm nhằm hạn chế khả năng xảy ra các đổ vỡ và bảo đảm sự ổn định, an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm đến việc xác định địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, phí bảo hiểm tiền gửi. Trong đó, đa số các ý kiến nhất trí không quy định cứng nhắc mức phí bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo Luật mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Vì việc xác định phí bảo hiểm tiền gửi nên dựa trên định mức tín nhiệm của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là cần thiết nhằm đảm bảo sự công bằng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Cũng trong phiên họp buổi chiều 23-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.

Thứ năm, ngày 24-5, Quốc hội làm việc tại tổ.

P.V

Tin xem nhiều