Báo Đồng Nai điện tử
En

Cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để tăng giá, ép giá

04:05, 28/05/2012

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, sáng 28-5, Quốc hội (khóa XIII) làm việc tại hội trường để nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giá và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo này.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, sáng 28-5, Quốc hội (khóa XIII) làm việc tại hội trường để nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giá và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo này.

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giá
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật giá (Ảnh: TTXVN)

* Bình ổn giá chỉ nên tập trung vào một số hàng hóa thiết yếu

Báo cáo cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH đã rà soát, bổ sung nhiều quy định cụ thể về: hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong định giá; nguyên tắc quản lý giá; các hành vi cấm trong lĩnh vực giá; tiêu chuẩn thẩm định viên về giá; doanh nghiệp thẩm định giá; thẩm định giá của Nhà nước...

Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Nhiều ý kiến đề nghị bình ổn giá chỉ nên tập trung vào một số hàng hóa thiết yếu như: xăng dầu thành phẩm, khí đốt sinh hoạt, điện, một số mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầ̀m, điện, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, nước sinh hoạt, sách và đồ dùng học tập cho học sinh, phân bón… Hai sản phẩm muối ăn và đường ăn chiếm tỷ trọng không lớn trong chi tiêu gia đình và tác động không nhiều khi cung cầu thay đổi nên không cần thiết đưa vào danh mục bình ổn giá mà chỉ sử dụng các công cụ kiểm soát khác.

Một số đại biểu cho rằng, thuốc BVTV tuy là mặt hàng thiết yếu, có hưởng lớn đến nông nghiệp, nhưng chỉ thực hiện bình ổn giá với một số loại thuốc BVTV phục vụ cho phòng trị các bệnh trên cây trồng chứ không quy định chung chung để dễ quản lý. Riêng mặt hàng sữa, có ý kiến cho rằng, đây không phải là mặt hàng thật sự thiết yếu, trừ sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi bị bệnh lý. Bởi, theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới cũng như của Chính phủ tại Nghị định 21/2006-NĐ-CP, thì sữa công thức chỉ là thực phẩm bổ sung cho sữa mẹ, sữa mẹ là thức ăn thiết yếu cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đối với một số trẻ nhỏ, sữa công thức chỉ là thức ăn thay thế cho sữa mẹ trong trường hợp sữa mẹ không cung cấp đủ. Bên cạnh đó, hiện đã có thị trường cạnh tranh khá hoàn hảo với sự hiện diện của 72 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, người tiêu dùng có quyền lựa chọn các loại sữa đa dạng, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả, khoảng cách giữa cung cầu trên thị trường hiện là không có.

* Cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để tăng giá, ép giá

Tại buổi thảo luận, các đại biểu lưu ý, cần cân nhắc việc mở hay không mở thêm các mặt hàng bình ổn giá. Mở rộng có khi lợi bất cập hại, không nên quá kỳ vọng vào việc bình ổn giá nếu kinh tế vĩ mô gặp bất ổn và Nhà nước không nên can thiệp quá rộng vào thị trường. Nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là cấm bán phá giá, lợi dụng độc quyền để tăng giá, ép giá. Có đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối với các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh lợi dụng độc quyền và thế độc quyền để định giá mua giá hàng hóa dịch vụ bất hợp lý để trục lợi với lý do việc các doanh nghiệp có vị thế độc quyền chi phối giá cả, nâng giá bất hợp lý, tạo khan hiếm giả tạo là một thuộc tính của cơ chế thị trường và đặc biệt là khi có sự can thiệp nhóm lợi ích. Ở nước ta, những năm qua đã xảy ra với một số ngành, một số sản phẩm gây bất ổn về giá cả cũng như thiệt hại cho người tiêu dùng. Dự thảo Luật đã đưa các doanh nghiệp có vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường ra khỏi danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Để bảo đảm thống nhất theo Luật cạnh tranh, các đại biểu đề nghị tiếp tục bổ sung các chế tài này vào các hành vi cấm trong lĩnh vực giá; bổ sung thêm hành vi cấm đầu cơ tăng giá và chống chuyển giá.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong định giá; nguyên tắc quản lý giá; lập quỹ bình ổn giá…Riêng quỹ bình ổn giá, một số đại biểu cho rằng, QH cần cân nhắc vì nếu trích lập từ giá bán hàng hóa thì đây là khoản phí đánh vào túi tiền người tiêu dùng. Nếu Quốc hội quyết định cho phép thành lập quỹ bình ổn giá là một trong những biện pháp để ổn định giá thị trường cần phải quy định rõ trong điều kiện nào được thành lập quỹ, không ghi chung là trong trường hợp cần thiết và giao cho UBTVQH quyết định khi nào được thành lập quỹ.

***

Buổi chiều,28-5, QH làm việc ở tổ, thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Thứ ba, ngày 29-5, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giám định tư pháp; buổi chiều, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

P.V

Tin xem nhiều