Báo Đồng Nai điện tử
En

Tâm công

05:04, 26/04/2012

Cùng bạn đọc,

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, từ số này, Báo Đồng Nai mở chuyên mục mới “Trong nhà ngoài ngõ”. Chuyên mục sẽ duy trì trên trang Chính trị - xã hội của báo, đăng tải những bài viết luận bàn có tính chất “vui và nghĩ” về những câu chuyện trong đời sống xã hội.

Cùng bạn đọc,

Nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, từ số này, Báo Đồng Nai mở chuyên mục mới “Trong nhà ngoài ngõ”. Chuyên mục sẽ duy trì trên trang Chính trị - xã hội của báo, đăng tải những bài viết luận bàn có tính chất “vui và nghĩ” về những câu chuyện trong đời sống xã hội. Mở đầu chuyên mục, xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả ONG MẬT, một cây bút quen thuộc với nhiều bạn đọc ở thể loại tiểu phẩm. Rất mong sự tham gia góp ý và viết bài cộng tác của bạn đọc cho chuyên mục mới.

Trân trọng.

Đ.N

Tài liệu về chiến thắng Xuân Lộc ở mặt trận  hướng Đông, có câu nhận định: Sau khi ta thay đổi cách đánh, “địch tự diệt chứ không bị hủy diệt”. Ngẫm kỹ, thiệt sướng cái bụng.

Phàm là, trong chiến tranh, ở những trận đánh quyết định, việc tập trung tiêu diệt sinh lực địch là mục tiêu hàng đầu, thậm chí thường lấy số lượng địch bị tiêu diệt làm thước đo mức độ thắng lợi. Nhưng ở chiến thắng Xuân Lộc có khác biệt. Bốn ngày đầu đôi công, hai bên đều tổn thất nặng. Thế trận giằng co,  thời gian càng kéo dài, diễn biến càng phức tạp, mục tiêu  có thể  lùi xa. Sự thay đổi cách đánh nhanh chóng tạo ra tình thế khác: Địch bị bao vây, chặn viện, mất hy vọng ở Sài Gòn, mất niềm tin thắng trận; sức rã rời, lòng hoang mang, tinh thần suy sụp, nội lực tan dần, binh lính chết trận ít hơn, nhưng sự tan rã nhanh hơn. Cuối cùng, phải tháo chạy. Đại tá Tỉnh trưởng Long Khánh bị bắt. May hồn, bị bắt mới được sống (nên gọi là “bắt sống”).

Còn nhớ, tháng 4-1975,  tui còn mặc quần tà lỏn chạy theo bộ đội, hóng chuyện đánh giặc. Nghe kể chuyện chiến thắng Xuân Lộc, mừng lắm, nhưng chẳng hiểu gì. Chỉ thấy, bộ đội trùng trùng trong rừng cao su Bình Sơn, rồi bộ đội rộn ràng hành quân nói là tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Bộ đội qua rồi, Bình Sơn nôn nao đợi tin chiến thắng. Đột nhiên, ngày 28-4, hơn 700 lính Sài Gòn kéo ra lộ 10 hướng về Bình Sơn. Đoàn quân rằn ri nguyên vẹn quân phục và vũ khí. Lúc đó, lực lượng vũ trang Bình Sơn đã xuống đường, tiến quân tham gia giải phóng Long Thành, chỉ còn vài du kích và dân binh tự quản. Ngần ấy quân số và súng ống, nếu nổ súng, trời đất nào chịu nổi. Tưởng là Bình Sơn sẽ bị làm cỏ. Nhưng không phải vậy. Đội quân ấy là tàn binh, tự tan rã sau trận chiến Xuân Lộc, mấy ngày lạc rừng, đói khát, tìm đường về với sự sống. Súng ống cầm tay nhưng lòng đã rệu rã, ý chí không còn. Cho nên, khi vài anh du kích xuất hiện, ra lệnh “súng một bên, người một bên”,  tất thảy đều răm rắp. Có người còn văng tục lạc quan: Mẹ họ! Cảm ơn Việt Cộng còn chừa cho con đường này!

Vậy là, lòng người quyết định thành bại hơn là thế trận.  Đánh vào lòng người hiệu quả hơn là công đồn. Trận đánh làm địch tự rã “nhân văn” hơn là hủy diệt bằng hỏa lực. Nhiều đô thị còn nguyên vẹn, hàng trăm ngàn binh lính được bảo tồn mạng sống là do vậy. Cách đánh này, cụ Nguyễn Trãi gọi là “dĩ phạt tâm công”, và đã thực hiện đến mức đại thành.

Hiểu ra, tui mừng cho các đồng nghiệp trên mặt trận tư tưởng: Tha hồ mà lập đại công!

Ong Mật

Tin xem nhiều