Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): Nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình

09:04, 15/04/2012

Tự phê bình và phê bình là biện pháp căn bản củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Vì vậy, một trong những nhóm giải pháp đề ra để khắc phục hạn chế, yếu kém nổi lên trong công tác xây dựng Đảng hiện nay được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên.

Tự phê bình và phê bình là biện pháp căn bản củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Vì vậy, một trong những nhóm giải pháp đề ra để khắc phục hạn chế, yếu kém nổi lên trong công tác xây dựng Đảng hiện nay được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên.

Đảng ta xem đây là nhóm giải pháp căn bản, mấu chốt, là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

* Tự phê bình và phê bình phải mang tính Đảng

Có thể nói, bản chất của tự phê bình và phê bình trong Đảng là hoạt động giải quyết những mâu thuẫn bên trong nội bộ Đảng (gồm đảng viên và tổ chức Đảng); giữa những mặt, những khuynh hướng, những yếu tố tích cực, tiến bộ với những mặt, những khuynh hướng, những yếu tố tiêu cực, nhằm khuyến khích, phát huy những mặt tốt, mặt tích cực, loại bỏ, khắc phục những hạn chế, tiêu cực, làm cho đảng viên không ngừng tiến bộ và tổ chức Đảng luôn được trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.

Đảng ủy khối Dân chính Đảng triển khai quán triệt các Nghị quyết của Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng và công tác kiểm tra giám sát(khóa XI).     Ảnh: P.Hằng
Đảng ủy khối Dân chính Đảng triển khai quán triệt các Nghị quyết của Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng và công tác kiểm tra giám sát(khóa XI). Ảnh: P.Hằng

Trên thực tế, việc thực hiện tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, chi bộ trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và những nguyên tắc của tự phê bình và phê bình của Đảng. Từ nhận thức không sâu sắc, dẫn đến việc thực hiện không đúng đắn, nghiêm túc, không tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng.

Trước hết, tự phê bình và phê bình phải mang tính Đảng, nghĩa là tự phê bình và phê bình phải trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; phải thể hiện ở bản lĩnh và dũng khí của người đảng viên cộng sản với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng và hành động sai trái; không chấp nhận tính thụ động, bàng quan với những sai lầm, khuyết điểm của bản thân và của đồng chí mình, hoặc vì sợ sệt không dám nói lên khuyết điểm của mình, của đồng chí mình.

Dũng khí và thái độ trung thực, thành khẩn của người đảng viên trước sai lầm, khuyết điểm của mình là thước đo quan trọng để đánh giá xem đó có phải là người cộng sản chân chính hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

* Nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình

Tự phê bình và phê bình phải mang tính giáo dục. Tự phê bình và phê bình trong Đảng là nhằm mục đích củng cố Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phong cách công tác, phát triển trí tuệ, nâng cao năng lực của cán bộ, đảng viên… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau”. Đây là những điểm thể hiện rõ nét nhất mang tính giáo dục sâu sắc của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.

Tự phê bình và phê bình phải khách quan, trung thực, chân thành và công khai. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tự phê bình là thật thà nhận công khai, nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa; phê bình mình cũng như phê bình người phải thật thà, không nể nang, không thêm bớt, phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”. Phê bình như chữa bệnh cứu người, cho nên phải chân thành, phải “thân ái”, với tình thương yêu đồng chí. Sức mạnh và tác dụng của tự phê bình và phê bình là tính công khai, nghĩa là công khai nói rõ những ưu điểm, khuyết điểm của mình và của đồng chí mình; không phê bình trước mặt mà nói sau lưng lúc “trà dư tửu hậu”, đó là việc làm không trong sáng, không chấp nhận đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

Chất lượng tự phê bình và phê bình còn phụ thuộc đáng kể vào việc thực hiện dân chủ trong tổ chức Đảng. Dân chủ nội bộ Đảng là tiền đề và động lực để thúc đẩy và nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình. Vì vậy, cần phải thực hiện tốt dân chủ nội bộ Đảng gắn với việc tăng cường sự lãnh đạo tập trung, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng.

 

Tự phê bình và phê bình phải cụ thể, thiết thực và kịp thời, nghĩa là tự phê bình và phê bình phải có nội dung, có địa chỉ cụ thể, không phê bình chung chung; phải chỉ ra được đúng, sai, nguyên nhân và biện pháp khắc phục; phải gắn với điều kiện cụ thể của từng tổ chức Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, với chức trách, nhiệm vụ được giao của từng cán bộ, đảng viên. Tự phê bình và phê bình như thế mới có sức thuyết phục, mới cần thiết đối với tổ chức Đảng. Tính kịp thời của tự phê bình và phê bình là khi thấy có những biểu hiện lệch lạc của cán bộ, đảng viên và của tổ chức Đảng phải tiến hành ngay, không đợi đến khi sai lầm khuyết điểm rõ ràng, có bằng chứng pháp lý, những khuyết điểm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn mới tiến hành tự phê bình và phê bình.

Thái Bảo

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều