Báo Đồng Nai điện tử
En

Tham luận của Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành tại hội thảo.

12:04, 24/04/2012

(ĐN) - Sáng 24-4, tại Hội thảo khoa học "Mặt trận hướng Đông - từ Chiến dịch Xuân Lộc dến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trình bày tham luận “Từ mặt trận hướng Đông trong Chiến dịch tiến công Xuân Lộc, Chiến dịch Hồ Chí Minh, suy nghĩ về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh Đồng Nai trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành

(ĐN) - Sáng 24-4, tại Hội thảo khoa học "Mặt trận hướng Đông - từ Chiến dịch Xuân Lộc dến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trình bày tham luận “Từ mặt trận hướng Đông trong Chiến dịch tiến công Xuân Lộc, Chiến dịch Hồ Chí Minh, suy nghĩ về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh Đồng Nai trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”. Báo Đồng Nai trân trọng đăng bài phát biểu của đồng chí.

Địa bàn Đồng Nai hội tụ đủ các dạng địa hình: rừng núi, trung du, đồng bằng và đô thị, là nơi tập trung các đầu mối giao thông quan trọng, nhiều khu vực địa hình có giá trị chiến thuật, chiến dịch, chiến lược. Do đó, cả ta và địch đều tận dụng khai thác triệt để nhằm thực hiện mục đích của hoạt động quân sự, nổi bật là khu vực Dầu Giây, đèo Mẹ bồng con, căn cứ Nước Trong, Tổng kho Long Bình, thành phố Biên Hòa, Gia Ray, ngã ba Ông Đồn, Hàng Gòn, Cẩm Mỹ, suối Râm... đặc biệt là khu vực Xuân Lộc, Long Khánh, quân Mỹ, ngụy coi đây là “bức tường thép” bảo vệ hướng Đông Sài Gòn. Do đó, chúng tập trung xây dựng khu quân sự lớn, với nhiều thành phần lực lượng quân binh chủng quan trọng nhằm ngăn chặn các hướng tiến công của ta. Chiến khu Đ, Định Quán, La Ngà... được ta xác định là những khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương trực tiếp cung cấp vật chất hậu cần bảo đảm cho các lực lượng vũ trang hoạt động tác chiến. Đồng Nai là địa bàn thể hiện rõ nét về nghệ thuật đánh  địch của ta trên cả ba vùng: đồng bằng, đô thị và rừng núi; đánh bằng ba đòn tiến công chiến lược, đó là tiến công của bộ đội chủ lực, hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nhân dân ở vùng nông thôn, đồng bằng quan trọng và sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị, binh địch vận, làm cho địch phân tán lực lượng, bị động đối phó trên tất cả các mặt trận, dẫn đến thất bại nặng nề về chiến dịch, chiến lược.

Thắng lợi của Chiến dịch tiến công Xuân Lộc và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khẳng định chiến thắng của nhân dân, dân tộc ta sau hơn hai mươi năm chiến đấu gian khổ, anh dũng, quyết liệt chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Thời khắc lịch sử huy hoàng đó mãi khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam nói chung, nhân dân và các dân tộc tỉnh Đồng Nai nói riêng với niềm tự hào và kiêu hãnh. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước, ý chí cách mạng quật cường, tinh thần đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong đó, sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Đồng Nai đã góp phần quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực chủ động bước vào chiến đấu. Sự phối kết hợp hoạt động tác chiến rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương với lực lượng chính trị của quần chúng nhân dân các dân tộc của tỉnh Đồng Nai nhằm tạo thế nghi binh, lừa địch, thế tiến công vững chắc cho các binh đoàn chủ lực khoét sâu điểm yếu, đập tan cánh cửa “tử thủ” của chúng ở Xuân Lộc, tác động mạnh mẽ đến tinh thần, tư tưởng quân địch, làm thay đổi tương quan lực lượng, cục diện chiến trường có lợi cho ta nhanh chóng tiến công giải phóng Sài Gòn.

Thắng lợi của Chiến dịch Xuân Lộc để lại nhiều bài học kinh nghiệm, quý giá về xây dựng thế trận khu vực phòng thủ cần được nghiên cứu vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới đan xen. Kẻ địch tiếp tục chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ bằng những thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt hơn. Việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế vừa là cơ hội lớn vừa là thách thức lớn đối với sự nghiệp xây dựng quốc phòng - an ninh của địa phương. Tác động của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng sâu sắc cả tích cực và tiêu cực, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng vũ trang… Tình hình chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nhẹ quản lý, điều hành nhiệm vụ quân sự - quốc phòng.

Xu hướng giản đơn, coi nhẹ, nóng vội trong tăng cường quốc phòng - an ninh trong điều kiện mới còn khá phổ biến. Những khó khăn về đời sống người lao động, mâu thuẫn quyền lợi, phân hóa giàu nghèo, tệ tham nhũng, quan liêu đang là cản trở lớn đến việc xây dựng và hoàn chỉnh thế trận quốc phòng của tỉnh. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh phải đề cao cảnh giác cách mạng, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp chặt chẽ quốc phòng với an ninh, giữ vững ổn định chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ những vấn đề trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai luôn coi nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài. Do đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng - quân sự địa phương, tỉnh luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt để tạo sự thống nhất về quan điểm, nhận thức trách nhiệm của cán bộ các cấp và tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương. Đây là nhiêm vụ quan trọng thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, Đồng Nai được xác định là tỉnh trọng điểm kinh tế, chính trị, quân sự phía Nam, tập trung nhiều đầu mối giao thông nối liền Nam - Bắc, dân cư đông đúc, hiện có 31 dân tộc, đồng bào theo các tôn giáo chiếm trên 6o%, nhiều khu công nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, luôn chịu tác động sâu sắc bởi bối cảnh chung của trong nước và ngoài nước. Bởi vậy, Đồng Nai luôn là địa bàn trọng điểm và tiềm ẩn những phức tạp về nhiều mặt; các thế lực phản động, thù địch đang ra sức lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... xúi giục nhân dân, công nhân khiếu kiện, đình công, lãng công, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tốc độ đô thị hóa nhanh, bên cạnh những mặt tích cực cũng đang nảy sinh những phức tạp mới; các loại tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự diễn biến phức tạp. Do đó, tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ là yêu cầu hết sức bức thiết đối với Đồng Nai hiện nay. Qua đó, làm cho mọi người dân nhận thức đúng đắn tình hình, nhiệm vụ của địa phương, nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đồng thời giúp cho cán bộ, nhân dân nhận rõ đối tượng, đối tác, để có đối sách phù hợp trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh là một chủ trương lớn trong đường lối quốc phòng toàn đân của Đảng ta. Đây là chủ trương phù hợp quy luật về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự kế thừa kinh nghiệm lịch sử truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Trong tình hình hiện nay, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc vừa là nhiệm vụ chính trị trung tâm thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Thông qua triển khai tổ chức thực hiện cần kịp thời chỉ đạo rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, góp phần cùng Quân khu và cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng của địa phương, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục nâng cao giác ngộ chính trị cho nhân dân, kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế tỉnh nhà, giữ vững và đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế tăng trưởng ổn định, hiệu quả. Tập trung xây dựng tiềm lực tổng hợp của địa phương, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; nâng cao năng lực toàn diện, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân; chủ động phòng, chống và làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ứng phó thắng lợi với mọi hình thức, tình huống phức tạp xảy ra trên địa bàn và chuẩn bị thật chu đáo, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với cuộc chiến tranh tương lai (nếu xảy ra).

Vấn đề cơ bản nhất để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc bảo vệ Tổ quốc là xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Cụ thể đối với Đồng Nai có đặc điểm đa dạng về dân cư, dân tộc, tôn giáo. Do đó, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố cơ bản trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức Đảng phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, thực hiện chặt chẽ nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo và sinh hoạt Đảng; xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy sức mạnh của nhân dân trong hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển và quản lý Nhà nước, đóng góp xây dựng hệ thống chính quyền các cấp; phát huy vai trò các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thực hiện trách nhiệm đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong khu vực phòng thủ, làm cho mỗi đảng viên, mỗi người dân đều có ý thức và nhận thức đầy đủ về âm mưu, bản chất của kẻ thù, về hai nhiệm vụ chiến lược, về quan điểm quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân và nhiệm vụ công dân bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Tiến hành đồng bộ công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách ở các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó cần quan tâm thực hiện có hiệu quả ở các vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, vùng đồng bào dân tộc, vùng giáo, nhằm thắt chặt mối liên hệ giữa dân với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, không tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng gây chia rẽ sắc tộc, tôn giáo.

Trong những năm qua, Đồng Nai đã thực hiện khá tốt việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh (từ năm 2000 đến nay có trên 900 dự án kinh tế - xã hội được góp ý kiến về mặt quốc phòng) đã khắc phục được sự phiến diện trong quy hoạch chung của tỉnh. Song vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển mới của địa phương, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp trong xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ.

Để tăng cường tiềm lực kinh tế trong khu vực phòng thủ, tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế với tốc độ cao, hiệu quả và bền vững. Phát huy nội lực, huy động vốn đầu tư để tạo bước chuyển mạnh về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, gắn các lĩnh vực, các ngành kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong từng chương trình, quy hoạch dài và ngắn hạn; các địa điểm, mục tiêu, nội dung triển khai dự án, nhất là các dự án mang tính lưỡng dụng trong thời bình sản xuất hàng hóa phục vụ dân sinh, khi có yêu cầu sẵn sàng tiếp nhận công nghệ chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng - an ninh khu vực phòng thủ. Quy hoạch xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng, phát triển mạng lưới giao thông, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản... gắn với tổ chức quy hoạch xây dựng thế trận quân sự, bố trí lực lượng trong khu vực phòng thủ; quy hoạch, triển khai các chương trình khoa học, công nghệ, dịch vụ, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, xác định sẵn sàng chuyển giao một bộ phận lực lượng, phương tiện cho nhu cầu hoạt động của lực lượng khu vực phòng thủ.

Các ngành xác định các tiêu chí, chỉ tiêu; triển khai đồng bộ hệ thống kế hoạch bảo đảm năm đầu chiến tranh theo Quyết tâm phòng thủ cơ bản của tỉnh, bảo đảm nhu cầu các lực lượng của cấp trên và của tỉnh hoạt động trong khu vực phòng thủ. Thực hiện nghiêm Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ.

Từ thực tiễn của chiến tranh giải phóng, mà cụ thể là Chiến dịch Xuân Lộc và Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra trên địa bàn Đồng Nai. Từ đó, đặt ra nội dung xây dựng tiềm lực quân sự - an ninh trong thời kỳ mới của tỉnh cần đạt được là:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lực lượng vũ trang nhân dân, thực hiện đúng cơ chế lãnh đạo, điều hành theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nề nếp chính quy, môi trường văn hóa; đẩy mạnh hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, giữ vững trận địa tư tưởng; nâng cao nhận thức và giác ngộ chính trị, đạo đức, phẩm chất cách mạng, năng lực nghiệp vụ công tác. Cơ quan quân sự, công an các cấp có đủ năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; trình độ chỉ huy, điều hành lực lượng thuộc quyền trong thường xuyên cũng như khi có tình huống.

Tổ chức lực lượng chặt chẽ (bao gồm bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên và lực lượng công an), làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, bố trí lực lượng, cán bộ có chiều sâu, quản lý chặt chẽ lực lượng, phương tiện thời bình; thường xuyên phúc tra, tái phúc tra, sẵn sàng cho mở rộng lực lượng thời chiến. Thường xuyên kiểm tra nắm chắc các phương tiện kỹ thuật đã đăng ký để sẵn sàng cho động viên công nghiệp khi có yêu cầu. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ, tuyển dụng vào lực lượng công an; tăng cường chất lượng chính trị, sức khỏe, trình độ học vấn trong tuyển quân, làm tốt công tác cử đảng viên trẻ tham gia nghĩa vụ quân sự; gắn tuyển quân với phân vùng động viên hợp lý. Các lực lượng phải tổ chức huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và sẵn sàng chiến đấu, xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra.

Thực hiện nghiêm túc Nghị Định 77 và Nghị Định 74 của Chính phủ; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa quân sự và công an, các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị quân đội, công an của trên đứng chân trên địa bàn, các địa phương giáp ranh để cùng giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội cả trong thường xuyên và trong chiến đấu theo Quyết tâm phòng thủ của tỉnh.

Tổ chức quy hoạch xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ hợp lý, vững chắc, có chiều sâu, ưu tiên trên các hướng phòng thủ, các khu vực trọng điểm. Quy hoạch, quản lý chặt chẽ các khu vực dự kiến bố trí các khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, trận địa phòng thủ để hàng năm và từng thời kỳ đầu tư kinh phí xây dựng các hạng mục công trình. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc theo hướng khép kín địa bàn, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt vị trí cửa ngõ phía Đông TP.Hồ Chí Minh.

 

Tin xem nhiều