Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhận lại kỷ vật của con sau 42 năm

09:04, 04/04/2012

Trưa 4-4, vợ chồng ông Laurens Wildeboer và tiến sĩ Derill De Heer là những cựu binh Úc trong chiến tranh Việt Nam  lần thứ 2 trở lại gia đình bà Nguyễn Thị Hiểu (85 tuổi, ngụ ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành), mẹ của liệt sĩ Phan Văn Ban (tên gọi khác là Phan Thành Nhơn) để xin phép làm một mâm cơm, thắp nén nhang thơm trên bàn thờ cúng liệt sĩ Ban theo nghi thức truyền thống của người Việt.

Trưa 4-4, vợ chồng ông Laurens Wildeboer và tiến sĩ Derill De Heer là những cựu binh Úc trong chiến tranh Việt Nam  lần thứ 2 trở lại gia đình bà Nguyễn Thị Hiểu (85 tuổi, ngụ ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành), mẹ của liệt sĩ Phan Văn Ban (tên gọi khác là Phan Thành Nhơn) để xin phép làm một mâm cơm, thắp nén nhang thơm trên bàn thờ cúng liệt sĩ Ban theo nghi thức truyền thống của người Việt. Trước đó, Laurens Wildeboer đã đến gia đình bà Hiểu trao lại những kỷ vật của liệt sĩ Ban mà Wildeboer đã lưu giữ suốt 42 năm qua tại Úc.

Khác với tâm trạng có vẻ căng thẳng của ngày hôm trước, hôm nay L.Wildeboer đã cảm thấy gần gũi hơn với gia đình liệt sĩ Ban

* Cuộc tìm kiếm tình người

Sáng 3-4, trong tâm trạng hồi hộp, thất thỏm chờ đợi, bà Hiểu cứ đứng ngồi không yên, mong chờ đến giờ phút một cựu quân nhân Úc xuất hiện, trao trả lại cho bà những kỷ vật của người con trai đã hi sinh. Và điều bà mong chờ cũng đã đến khi L.Wildeboer cùng vợ  bước vào trong nhà, đứng trước bàn thờ liệt sĩ Ban, trên tay cầm những kỷ vật với niềm xúc động mạnh mẽ.

Vợ chồng ông Laurens  Wildeboer  tại nhà bà Hiểu trưa ngày 4-4.       Ảnh: C.NGHĨA
Vợ chồng ông Laurens Wildeboer tại nhà bà Hiểu trưa ngày 4-4. Ảnh: C.NGHĨA

L.Wildeboer bước vào căn nhà, nơi trước đây liệt sĩ Ban đã được sinh ra, L.Wildeboer nắm chặt bàn tay bà Hiểu, nước mắt rưng rưng xúc động. Chính L.Wildeboer cũng không thể ngờ được rằng, cuộc đời mình lại có một cuộc gặp gỡ phải chờ đợi trong dằn vặt đến 42 năm sau như thế. Wildeboer đã trao trả lại cho bà Hiểu cuốn sổ ghi chép, một chiếc khăn choàng màu xanh của liệt sĩ Ban để lại trước lúc hi sinh. L.Wildeboer đã nói những lời xin lỗi khi tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam,  gây lên những mất mát đau thương cho những người mẹ như bà Hiểu.

L.Wilderboer cho biết, chính sự dằn vặt trong lương tâm sau cuộc chiến tranh Việt Nam, sự động viên của người bạn đời, trong đó có cả sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam đã giúp ông tìm lại được địa chỉ chính xác của người thân liệt sĩ Ban để trao trả những kỷ vật này trở lại với nơi nó đã từng ra đi và lưu lạc.

Thượng tá Nguyễn Thị Tiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Quân khu IV cho biết: Trong chuyến sang Việt Nam để trao lại cuốn sổ nhật ký cho gia đình liệt sĩ Ban, các cựu binh Úc đã từng gửi cho Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu danh sách của 3.906 liệt sĩ trong quá trình tham chiến ở Việt Nam mà họ đã thu thập được. Điều đặc biệt, trong số kỷ vật mà Wildeboer có, hiện còn một tập thơ, ban đầu được cho là của liệt sĩ Ban, tuy nhiên qua đối chiếu các thông tin, chữ viết thì tập thơ viết tay này  có thể là của một người lính ở miền Bắc chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Đó cũng là chi tiết để tiếp tục hé mở một cuộc tìm kiếm thêm một liệt sĩ khác.

Cầm trên tay cuốn sổ nhật ký ghi chép của con trai, dù tuổi cao và mắt đã mờ, nhưng bà Hiểu vẫn cố gắng lật từng trang giấy để nhìn những hàng chữ nhỏ nhắn của con trai mình ghi chép cẩn thận từng ngày tháng, từng chiến công trên chiến trường ác liệt cho đến ngày hi sinh. Bà Hiểu chia sẻ với L.Wildeboer về nỗi đau, nỗi mất mát không gì có thể bù đắp nổi mà chiến tranh đã lấy đi của bà, trong đó có 2 người con là liệt sĩ Phan Văn Ban và liệt sĩ Phan Hữu Nghĩa. “Tôi cảm ơn ông (L.Wildeboer) vì đã lưu giữ những kỷ vật của con trai tôi trong suốt 42 năm qua” - bà Hiểu nói.

Tiến sĩ Derill De Heer, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xung đột vũ trang - xã hội thuộc Đại học quốc gia Úc cho biết: “L.Wildeboer đã bị ám ảnh rất nặng nề từ cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Hơn thế, những kỷ vật của liệt sĩ Phan Văn Ban càng thôi thúc ông ấy bằng mọi cách, sớm tìm ra địa chỉ của người thân những kỷ vật ấy”. Tiến sĩ Derill De Heer cho biết thêm, chính bản thân ông cũng cảm thấy có trách nhiệm giúp L.Wildeboer trao trả lại các kỷ vật trên cho gia đình liệt sĩ Ban. Do đó ông đã kết nối với thượng tá Nguyễn Thị Tiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Quân khu IV, chủ nhiệm đề tài tìm kiếm mộ liệt sĩ qua các di vật nhờ tìm kiếm. Và sau nhiều lần xác minh, cùng với sự hỗ trợ của UBND huyện Long Thành mà Wildeboer đã tìm được địa chỉ chính xác của gia đình liệt sĩ Ban

* Ký ức người lính họ Phan

Bà Hiểu cho biết, anh Ban tình nguyện vào bộ đội, lúc mới 15 tuổi. Trước đó, anh chưa có người yêu. Mãi sau này có về nhà và hẹn ước với một người con gái cùng ấp học y tá, định sau này giải phóng sẽ làm lễ cưới, nhưng được 10 ngày sau đó thì anh Ban hi sinh.

Chị Phan Thị Thúy, người em gái thứ 4 của liệt sĩ Ban tâm sự, khi nghe tin có một cựu binh Úc tìm kiếm gia đình để trao trả lại kỷ vật của người anh đã hi sinh, đến hôm nay còn được nhìn thấy tận mặt, được cầm tận tay những kỷ vật ấy, có biết bao những kỷ niệm về người anh trai mình ùa về. Chị Thúy kể, lần cuối cùng anh Ban vượt ấp chiến lược của địch để về thăm má và các em là đêm rằm trung thu năm 1970. Lúc ấy, anh Ban còn hỏi má: “Rằm Trung thu má có mua bánh để cúng, rồi cho các em ăn không?”. Anh Ban lấy đèn pin rọi khắp căn hầm, ẵm từng đứa em lên tay, rồi lấy bánh Trung thu cho các em ăn, sau đó anh lại trở vào rừng tiếp tục chiến đấu cùng các đồng đội.

Còn chị Phan Thị Phước, người em gái thứ 6 của liệt sĩ Ban kể: “Tôi vẫn còn nhớ dáng người thấp thấp nhưng nhanh nhẹn của anh mình, vì anh Ban là người con lớn nhất trong nhà có 9 anh chị em nên việc gì anh cũng làm hết cho các em. Anh Ban đánh Mĩ giỏi lắm, được đơn vị tặng cho mấy giấy khen, mà được giấy khen nào cũng đưa về khoe với mẹ, rồi lấy cục gạch ống nhét vào, sau đó bịt hai đầu viên gạch lại đem để dưới chân ông địa.”.

Anh Lâm Văn Đông, người gọi liệt sĩ Phan Văn Ban là cậu, nay công tác tại TP.Hồ Chí Minh tâm sự: “Dù gọi là cậu nhưng tôi và liệt sĩ Ban cũng gần bằng tuổi nhau. Tôi vẫn nhớ lúc còn nhỏ, mỗi khi Tết đến cậu Ban lại đi kiếm giấy màu, mực đen về vẽ hoa mai, vẽ chữ để dán lên tường cho cả nhà đón tết. Cậu Ban không được học nhiều vì điều kiện chiến sự ác liệt, nhưng được cái chữ của cậu viết rất đẹp, mỗi lần dạy viết chữ thì cậu lại cầm tay để hướng dẫn từng nét cho thật ngay ngắn. Khi đi bộ đội, thi thoảng cậu Ban có viết thư gửi thăm cha mẹ tôi rất chu đáo”.

Ông Laurens  Wildeboer thắp hương trên bàn thờ của liệt sĩ Ban.         Ảnh: C.NGHĨA
Ông Laurens Wildeboer thắp hương trên bàn thờ của liệt sĩ Ban. Ảnh: C.NGHĨA

Ông Wildeboer, cựu quân nhân Úc, người đã giữ kỷ vật của liệt sĩ Phan Văn Ban 42 năm qua:

Dù cuộc chiến đã đi vào quá khứ, nhưng chúng tôi vẫn phải có lương tâm và trách nhiệm trả lại những kỷ vật của các liệt sĩ. Họ không còn sống nên quyền sở hữu thuộc về những người mẹ, người anh, người chị, người em của họ. Với những gì chúng tôi đang cố gắng làm hôm nay, hi vọng có thể xoa dịu phần nào những nỗi đau, mất mát của người dân Việt Nam đã phải gánh chịu do chiến tranh gây ra.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều