Để chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân Lộc, các tầng lớp nhân dân, đồng bào Chơro, S’tiêng đã tích cực đóng góp lương thực, thuốc men… Các kho hậu cần của Đoàn 814, Quân khu 7, huyện Xuân Lộc chứa đầy ắp gạo, thực phẩm. Riêng tại vùng ven TX.Long Khánh, Thị ủy và nhân dân đã chuẩn bị sẵn 7.500 tấn gạo, 17 ngàn ống thuốc cầm máu, 43 ngàn lọ thuốc kháng sinh, 4 ngàn kg bột ngọt và hàng chục triệu đồng.
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Xuân Lộc, các tầng lớp nhân dân, đồng bào Chơro, S’tiêng đã tích cực đóng góp lương thực, thuốc men… Các kho hậu cần của Đoàn 814, Quân khu 7, huyện Xuân Lộc chứa đầy ắp gạo, thực phẩm. Riêng tại vùng ven TX.Long Khánh, Thị ủy và nhân dân đã chuẩn bị sẵn 7.500 tấn gạo, 17 ngàn ống thuốc cầm máu, 43 ngàn lọ thuốc kháng sinh, 4 ngàn kg bột ngọt và hàng chục triệu đồng.
Vùng giải phóng lộ 3, lộ 1, lộ 2 ngày càng mở rộng, áp sát TX.Long Khánh, hình thành thế trận bao vây địch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội chủ lực của ta tiến công, mở đường cho mặt trận hướng Đông. Đội biệt động TX.Long Khánh chia nhỏ thành nhiều bộ phận, có nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình địch trong thị xã, dẫn đường cho bộ binh, xe tăng các đơn vị chủ lực. Các cơ sở mật trong thị xã cũng may hàng ngàn lá cờ giải phóng. Ngày 6-4-1975, truyền đơn cách mạng được rải khắp các nẻo đường trong thị xã. Nhiều binh sĩ địch hoang mang cao độ đã đào ngũ, trà trộn vào nhân dân, chạy ra vùng giải phóng.
Các cánh quân của ta hoàn toàn làm chủ chiến trường Xuân Lộc. |
Đúng 5 giờ 30 sáng 9-4-1975, pháo tầm xa của bộ đội Quân đoàn 4 từ Túc Trưng, Bảo Vinh bắn cấp tập vào các tuyến phòng thủ trong TX.Long Khánh, mở màn Chiến dịch Xuân Lộc. Khoảng hơn 1 giờ sau, xe tăng, bộ binh ở các hướng đồng loạt tiến công. Địch bị thiệt hại nặng nề, hệ thống bố phòng ở thị xã bị phá vỡ, cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng.
Nhưng sau đó cùng với việc chấn chỉnh, điều động lực lượng cố thủ và giải tỏa thị xã, Quân đoàn III ngụy đã dốc toàn bộ lực lượng tăng cường cho Long Khánh. Chiến sự xảy ra vô cùng quyết liệt ở trung tâm thị xã. Đội biệt động và trinh sát vũ trang TX.Long Khánh đã kịp thời sơ tán trên 2 ngàn dân ra hướng Bình Lộc, Bàu Sen. Hàng trăm thanh niên thị xã tình nguyện ở lại tham gia chiến đấu. Đội biệt động mật trong thị xã tổ chức các nhóm thanh niên xung kích, thanh niên cờ đỏ phục vụ chiến đấu, bất chấp bom đạn của địch.
Trước tình huống khó khăn, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định thay đổi phương án tác chiến. Đêm 12-4, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 1 mỗi đơn vị chỉ để lại một tiểu đoàn chốt giữ các mục tiêu đã chiếm được, khẩn trương củng cố trận địa và bàn giao toàn bộ cho lực lượng vũ trang Xuân Lộc, cơ động chuyển thế trận.
3 giờ sáng 13-4, toàn bộ lực lượng chủ lực Quân đoàn 4 rút ra ngoài thị xã. Lực lượng vũ trang địa phương Xuân Lộc, TX.Long Khánh trực tiếp bám trụ địa bàn, tiếp tục chiến đấu.
Liên tiếp từ ngày 9 đến 13-4 trên hướng Nam ngoại vi thị xã, Tiểu đoàn 445, Đại đội 41 và K8 Xuân Lộc chốt giữ khu vực Bảo Hòa, Bảo Toàn, đẩy lùi các đợt phản kích của địch. Trong hai ngày 13 và 14-4, Trung đoàn 33 diệt gọn một tiểu đoàn của Chiến đoàn 52 và một chi đoàn xe thiết giáp ngụy tại ngã ba Dầu Giây, chiếm được Núi Thị. Ngày 14-4, Trung đoàn 4 kết hợp bộ đội, du kích địa phương diệt gọn hai tiểu đoàn của Chiến đoàn 52, một tiểu đoàn pháo binh, một chi đoàn xe bọc thép ngụy, giải phóng chi khu Kiệm Tân. Chiến đoàn 52 Sư đoàn 18 của địch hoàn toàn tan rã.
Chiều 19-4 trời mưa rất to, pháo địch bắn ngày càng dày về phía Tây Long Khánh. Đoán được ý đồ trốn chạy của địch, Đội K8 Xuân Lộc và Đại đội 2, Tiểu đoàn 445 hành quân từ Bảo Bình về khu vực đường số 2 triển khai đội hình chặn địch tháo chạy. 10 giờ đêm 20-4, địch rút chạy khỏi TX.Long Khánh theo hướng đường số 2, qua cua chữ S thì bị lực lượng thị xã và bộ đội địa phương Bà Rịa - Long Khánh chặn đánh. Một giờ sau, một đoàn xe khác lại bị Tiểu đoàn 445 chặn đánh ở đoạn Sở cao su Quang Minh. Đội hình địch bị ùn lại, nhiều xe húc vào nhau. Các chiến sĩ Đại đội 41 xung phong ra bắt hàng trăm tù binh, trong đó có Đại tá Tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh Phạm Văn Phúc.
1 giờ sáng 21-4, quân ta vào tiếp quản TX.Long Khánh. Tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ tiến vào Sài Gòn đã mở…
Hà Lam
(Ghi theo lời kể của ông Võ Minh Quang, nguyên Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc năm 1975)