Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: “Binh chủng” đặc biệt

08:04, 24/04/2012

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của quân dân Đồng Nai, có một đơn vị đặc biệt: Đội nữ pháo binh Xuân Lộc. Đa số là nữ nhưng đội lại sử dụng thành thạo pháo cối để yểm trợ cho bộ binh; khi phối hợp, lúc độc lập tác chiến tiêu diệt các kho tàng, căn cứ của địch, đóng góp rất lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của quân dân Đồng Nai, có một đơn vị đặc biệt: Đội nữ pháo binh Xuân Lộc. Đa số là nữ nhưng đội lại sử dụng thành thạo pháo cối để yểm trợ cho bộ binh; khi phối hợp, lúc độc lập tác chiến tiêu diệt các kho tàng, căn cứ của địch, đóng góp rất lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương.

Đội nữ pháo binh Xuân Lộc trước giờ xuất kích.                                              Ảnh: T.L
Đội nữ pháo binh Xuân Lộc trước giờ xuất kích. Ảnh: T.L

Ông Võ Minh Quang, nguyên Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc nhớ lại, do yêu cầu phát triển lực lượng vũ trang huyện Xuân Lộc ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đa dạng về các binh chủng để phù hợp với chiến trường, cuối năm 1968 đơn vị pháo cối thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện Xuân Lộc được thành lập. Tên chính thức là Đội trợ chiến (hoặc Đội cối Xuân Lộc), nhưng do đặc điểm vị toàn nữ nên mọi người gọi “chết tên” là Đội nữ pháo binh Xuân Lộc.

* Những trận đánh táo bạo

Khi mới thành lập, đội có 13 người, do đồng chí Dũng làm Đội trưởng. Sau khi ổn định về tổ chức, đồng chí Dũng rút đi, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc lên chỉ huy đội. Điểm đặc biệt của đội là các chiến sĩ nam thường chỉ được điều động sang hỗ trợ trong thời gian ngắn rồi rút đi, đội còn lại toàn là nữ (trừ chiến sĩ nam duy nhất gắn bó với đơn vị là anh Nguyễn Hoàng Nghiệp). Nam ít, nữ nhiều nhưng do yêu cầu công tác nên đội được giao đảm trách 2 khẩu cối 82 li và 2 khẩu 60 li. Hầu hết các chiến sĩ lúc đó đều chưa hề được đào tạo chính quy về sử dụng pháo cối, chỉ vài người được qua lớp tập huấn có 20 ngày.[links(right)]

Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng chị Đỗ Thị Thuận (hiện ngụ tại thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) - một trong những chiến sĩ có mặt từ lúc mới thành lập và là đội trưởng cuối cùng của Đội nữ pháo binh Xuân Lộc, vẫn nhớ như in những chiến công của đơn vị. Trận đầu tiên vào ngày 12-3-1969, bốn chiến sĩ trong đơn vị, gồm: Nghiệp, Chấn, Hồng và Ngọc từ căn cứ Tân Phong hành quân đến ấp Phú Bình, nơi có Ty Cảnh sát ngụy đóng để nghiên cứu trận địa. Địa hình nơi đây đất và đá chen nhau gồ ghề khó đi, Ty Cảnh sát lại đóng gần nhà dân nên khó quan sát mục tiêu, dễ bị lộ. Vậy mà sau khi bò vào sát hàng rào địch để điều nghiên, nhận định dãy hàng rào đá do dân xếp sẵn chỉ cách mục tiêu khoảng 300m có thể làm vật cản đạn địch, bốn chiến sĩ đã táo bạo đưa khẩu cối 60 li cùng 15 viên đạn vào và đặt cối bắn thẳng vào Ty Cảnh sát ngụy. Trận đó, năm tên cảnh sát ngụy, trong đó có cảnh sát trưởng đã bị tiêu diệt, nhiều tên khác bị thương nặng.

Tháng 6-1969, trong lần đội cùng đơn vị K9 hành quân từ căn cứ xã Bảo Chánh (nay là xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) về căn cứ ở Bảo Bình, chẳng may cả đội hình lọt vào vòng phục kích của địch. Ngay loạt đạn đầu tiên của địch, đồng chí Hà của K9 đã hy sinh. Để bảo vệ lực lượng, các chiến sĩ trong đội đã lùi lại, tìm vị trí đặt khẩu cối 60 li, phán đoán vị trí địch và bắt đầu nã cối phản công. Đạn cối trúng ngay giữa đội hình của địch khiến chúng hoảng hốt vứt vũ khí bỏ chạy. Trong trận này, tuy đơn vị ở thế bị động, quân số ít nhưng vẫn kiên cường, bình tĩnh chiến đấu, bảo vệ lãnh đạo và lực lượng an toàn, đồng thời làm tiêu hao được sinh lực địch.

* Trưởng thành trong chiến đấu

Trong rất nhiều trận đánh suốt những năm chống Mỹ, các chiến sĩ trong đội vẫn tự hào về trận diệt Mỹ vẻ vang đầu năm 1970. Thời điểm đó, Mỹ tăng cường và bung quân tìm cách đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn. Được tin Mỹ đưa quân về đóng ở vườn xoài Mai Thọ Bích (thuộc xã Xuân Định), từ đây bắn pháo và càn ra đánh phá các căn cứ của ta ở huyện Xuân Lộc, đội cử các chiến sĩ: Nghiệp, Hồng, Ngọc, Hà nghiên cứu trận địa, tìm cách bắn phủ đầu địch ngay từ những ngày đầu chúng mới đổ quân. Vị trí cụm pháo của Mỹ nằm ở mặt tiền quốc lộ 1, xe cộ lưu thông nhiều nên công tác điều nghiên nắm tình hình khá khó khăn, hai chiến sĩ Hồng, Ngọc phải thay phiên cảnh giới cho Nghiệp, Hà đo đạc, tính toán. Bằng kinh nghiệm, anh Nghiệp phán đoán nếu muốn bắn vào cụm pháo của địch thì phải đặt trận địa pháo của ta ở khu vực rẫy dân gần quốc lộ 1. Sau khi chọn địa điểm, các chiến sĩ đưa pháo vào và đến 18 giờ thì nổ súng. Ba phát đạn đầu tiên đều trúng đích, đội tiếp tục bắn cấp tập hết 20 trái đạn còn lại, địch chưa kịp phản ứng thì đơn vị đã nhanh chóng rút về căn cứ ở xã Bảo Định, bảo toàn được lực lượng. Kết quả trận này, đội đã diệt được trên 100 lính Mỹ, làm nức lòng toàn quân dân Xuân Lộc. Sau trận đánh táo bạo này, tất cả các chiến sĩ của đội đều được công nhận là dũng sĩ diệt Mỹ.

Trong 7 năm chiến đấu, Đội nữ pháo binh Xuân Lộc đã tham gia tác chiến 131 trận, trong đó độc lập chiến đấu 74 trận. Thành tích của đơn vị là tiêu diệt được 771 lính ngụy, 134 lính Mỹ, phá hư và thu giữ nhiều khí tài của địch. Đội cũng tham gia nhiều chiến dịch, như: đẩy mạnh chiến đấu tại chiến trường góp phần cho lực lượng cách mạng giành thắng lợi trong đàm phán tại Paris; chống lấn chiếm lại đường sắt; giải phóng quốc lộ 1 trong mặt trận hướng Đông, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

Đầu năm 1973, Đội cối Xuân Lộc nhận nhiệm vụ phối hợp cùng đơn vị bộ binh đánh chiếm Gia Ray để hỗ trợ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đàm phán tại Hội nghị Paris. Tổ cối 82 li có nhiệm vụ bắn kiềm chế đồn dân vệ và Trung đoàn 52 địch. Trận địa cối 82 li nằm ở bãi tranh gần rừng cây giá tỵ, cách nơi đổ quân của tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 18 ngụy chỉ khoảng 1,5 km. Địch ở trên cao, ta ở dưới thấp rất dễ bị phát hiện, vì vậy anh em đơn vị phải cưa cây từ xa, mò mẫm đi trong đêm tối để vác cây về ngụy trang. Tuy cơ số đạn ít ỏi nhưng do đo đạc chính xác, loạt đạn đầu tiên đã rơi đúng đồn dân vệ làm chết và bị thương một số tên, phá hủy cơ sở, khí tài khiến địch hoang mang lo sợ. Sau đó, cứ mỗi ngày ta bắn vào Trung đoàn 52 và đồn dân vệ vài trái để uy hiếp tinh thần địch, hỗ trợ cho bộ binh và tổ 60 li chiến đấu trong ấp. Trong khi đó, tổ 60 li cùng bộ binh đánh chiếm khu dân cư của Gia Ray, ngay đêm đầu đã bắt được tên Trưởng ấp Trung Nghĩa là ác ôn chỉ điểm khét tiếng. Chi khu Long Khánh ngụy phải đưa một tiểu đoàn của Sư 18 xuống cứu viện, quân ta tuy ít nhưng sử dụng chiến thuật di chuyển đội hình và bắn cối vào những cụm địch hung hăng nhất nên tiêu hao được sinh lực địch. Một tiểu đoàn lính dù khác lại tung vào, nhưng vẫn không thể chiếm lại Gia Ray. Quân ta làm chủ suốt 10 ngày đêm để thể hiện sức mạnh của lực lượng giải phóng, gây tiếng vang, sau đó mới rút về căn cứ.

Đội nữ pháo binh Xuân Lộc cũng là một trong các đơn vị phối hợp thực hiện chiến lược bao vây bức hàng vào cuối năm 1974 tại Bảo Chánh. Thực hiện nhiệm vụ, ngày 9-12-1974 tổ cối 82 li đã đào hầm bên ngoài ấp chiến lược đặt hướng vào đồn, lực lượng vũ trang huyện và du kích xã có nhiệm vụ chia làm nhiều điểm bao vây bắn tỉa những tên ngoan cố dám ra khỏi đồn, lực lượng binh vận thì phát loa kêu gọi bọn lính trong đồn bỏ súng đầu hàng. Sau khi phát loa, Đội cối bắn liền 3 quả 82 li vào đồn để uy hiếp tinh thần bọn chúng, sau đó bắn rải rác từng quả trong 2 giờ liền thì đánh sập 2 lô cốt địch, khiến bọn chúng hoang mang cực độ. Nắm lấy tình thế, lực lượng binh vận tiếp tục phát loa kêu gọi đầu hàng, đến đêm 10-12 thì toàn bộ bọn lính trong đồn lớp đầu hàng, lớp thì trốn chạy. Sáng 11-12, lực lượng cách mạng giải phóng hoàn toàn xã Bảo Chánh. Đây là trận đánh rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong phối hợp tiến công, giải phóng các xã trên địa bàn huyện trong chiến dịch Xuân Lộc ngày 9-4-1975.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều