Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Công nhân cao su bước vào trận quyết chiến

08:04, 23/04/2012

Trong chiến dịch Xuân Lộc và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, công nhân cao su Đồng Nai cùng với các lực lượng vũ trang đã bước vào trận quyết chiến với địch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975.

Trong chiến dịch Xuân Lộc và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, công nhân cao su Đồng Nai cùng với các lực lượng vũ trang đã bước vào trận quyết chiến với địch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975. 

Tính đến đầu năm 1975, Đồng Nai có 21 ngàn hécta cao su, với khoảng 5.000 công nhân lao động. Qua những chặng đường đấu tranh cách mạng dũng cảm và kiên cường, công nhân cao su Đồng Nai luôn kề vai sát cánh với nhân dân và các lượng lượng vũ trang, không ngừng tiến công đánh địch và giành được nhiều chiến công xuất sắc.

* Đánh địch bằng 3 mũi giáp công

Ông Nguyễn Việt Trân (Bảy Trân), nguyên ủy viên Ban Công vận khu Đông Nam bộ, nguyên ủy viên thường trực khu Đông Nam bộ, nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty cao su Đồng Nai kể lại, bước vào mùa khô 1974-1975, thế địch trên các chiến trường ngày càng suy yếu. Ở miền Đông Nam bộ, ngày 6-1-1975, Quân giải phóng đánh chiếm và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Trận thắng này làm tăng thêm nỗi hoang mang, thất vọng trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. Từ cuối tháng 3-1975, những thắng lợi dồn dập của Quân giải phóng trên chiến trường miền Nam đã đẩy địch đến chỗ hoang mang, báo hiệu sự sụp đổ khó lòng ngăn được. Nắm lấy thời cơ này, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục và Ban Công vận Trung ương: “Tỉnh giải phóng tỉnh lỵ, huyện giải phóng quận lỵ, chi khu, xã giải phóng xã, ấp giải phóng ấp, công nhân giải phóng các làng, sở, đồn điền...”, Đảng ủy đồn điền cao su đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để tiến hành lãnh đạo công nhân tổng tấn công khởi nghĩa.

Phóng viên Báo Đồng Nai nghe ông Nguyễn Việt Trân kể lại phong trào đấu tranh của công nhân cao su.
Phóng viên Báo Đồng Nai nghe ông Nguyễn Việt Trân kể lại phong trào đấu tranh của công nhân cao su.

Trước khi bước vào chiến dịch Xuân Lộc, Đảng ủy đồn điền đã lãnh đạo công nhân ở các nông trường đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh chính trị, vũ trang và binh vận, tạo nên một thế trận liên hoàn, giữ vững vùng hậu cứ vững chắc cho công cuộc nổi dậy giải phóng đồn điền. Đặc biệt, vào thời điểm này, công tác binh vận của công nhân các đồn điền cao su phát triển khá tốt và đem lại nhiều kết quả tích cực. Các đồn điền đều xây dựng được các tổ binh vận, hoạt động với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, như: rải truyền đơn, khẩu hiệu; tuyên truyền kêu gọi binh lính địch bỏ hàng ngũ, chống lệnh... Tại các đồn điền, như: Bình Ba, Hàng Gòn, Ông Quế, Cẩm Mỹ..., công nhân đồn điền phát loa vào đồn địch gọi hàng. Các đồn điền: Hàng Gòn, Bình Sơn, Ông Quế..., còn tổ chức được lực lượng nội tuyến trong hàng ngũ địch, góp phần phá rã hoàn toàn các đội phòng vệ dân sự của địch.[links(right)]

Cũng trong thời gian này, hàng ngàn gia đình công nhân các đồn điền cao su đã bung ra vùng giải phóng sinh sống, sản xuất, xây dựng hậu cứ tiếp tế cho cách mạng, hoặc thoát ly tham gia lực lượng vũ trang đánh địch ngay trên quê hương mình. Phong trào đấu tranh 3 mũi giáp công: chính trị, vũ trang, binh vận của công nhân cao su đã từng bước làm suy yếu bộ máy kìm kẹp của địch tại các đồn điền.

* Giải phóng các đồn điền

Tranh thủ thời cơ thế địch hoang mang, suy yếu, thực hiện chỉ thị của Thường vụ Khu ủy miền Đông, trung tuần tháng 2-1975, Đảng ủy đồn điền cao su đã phát động kế hoạch tổng tiến công, tổng khởi nghĩa với phương châm “sử dụng lực lượng tại chỗ, kết hợp với phong trào quần chúng công nhân nổi dậy giải phóng đồn điền”.

Mở màn cho chiến dịch này, Đảng ủy đồn điền đã chọn đồn điền Ông Quế làm điểm mở màn chiến dịch. Vào thời điểm này, ở khu đồn điền Ông Quế, lực lượng địch có 1 đại đội bảo an, 2 trung đội dân vệ. Về phía lực lượng cách mạng, có 1 trung đội công binh cùng du kích địa phương, với sự hỗ trợ của bộ đội huyện đã tổ chức phục kích chặn địch đánh, tiêu diệt quân tăng viện. Đêm 21-2-1975, cuộc tấn công, vây lấn đồn điền Ông Quế bắt đầu. Ban Công vận Đảng ủy đồn điền phát loa kêu gọi binh lính địch đầu hàng, đồng thời tổ chức lực lượng bao vây đánh lấn, buộc đại đội lính bảo an của địch trong đồn phải co cụm lại để phòng thủ. Từ Xuân Lộc, địch tổ chức phản kích quyết liệt bằng phi pháo, máy bay và bộ binh, nhưng đều bị quân ta chặn đánh, đẩy lùi trên lộ 2.

Công nhân cao su Đồng Nai trong ngày ra mắt Tiểu đoàn công binh dự bị động viên năm 2011.
Công nhân cao su Đồng Nai trong ngày ra mắt Tiểu đoàn công binh dự bị động viên năm 2011.

Trước sự phản kích của địch, Đảng ủy đồn điền đã rút các đội du kích các sở: Dầu Giây, An Lộc, Hàng Gòn, Bình Lộc, Bình Sơn, thành lập đại đội vũ trang tập trung tiếp tục vây địch tại Ông Quế. Bị bao vây chặt và chịu nhiều tổn thất nặng nề, địch phải mở đường máu tháo chạy theo đường lộ từ Ông Quế ra Hàng Gòn. Ngày 25-3-1975, quân ta giải phóng hoàn toàn đồn điền Ông Quế, tạo địa bàn thuận lợi cho lực lượng chủ lực “ém quân”, chờ ngày tham gia chiến dịch giải phóng Xuân Lộc.

Sau khi giành được thắng lợi giải phóng đồn điền Ông Quế, trong 2 ngày 8 và 9-4-1975, Đảng ủy đồn điền đã họp đánh giá tình hình và phân công cho các đồng chí trong Đảng ủy đi xuống các địa bàn, trực tiếp lãnh đạo quần chúng công nhân nổi dậy ở các đồn điền còn lại.

Ngày 9-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu, hàng ngàn công nhân đồn điền ở Long Khánh, Bà Rịa tham gia phục vụ cho bộ đội chủ lực tiến công địch. Trong thời gian chiến dịch, công nhân ở các đồn điền: Dầu Giây (ngày 12-4), Bình Lộc (ngày 16-4), đã tự nổi dậy giải phóng đồn điền, làm chủ nhà máy, bảo vệ tài sản. Tại đồn điền An Lộc, diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Công nhân các sở: Suối Tre, Núi Tung, Núi Đỏ giải phóng được các làng, xã nhưng tại khu trung tâm thì địch ngoan cố phòng thủ, chống lại sự tấn công của lực lượng cách mạng. Ban chỉ huy nổi dậy ở An Lộc phải rút về sở Cấp Rang phát động công nhân tại khu trung tâm đồng loạt nổi dậy, bứt rút toàn bộ tề ngụy, đồn bót và giải phóng hoàn toàn đồn điền.

Phấn khởi trước thắng lợi này, hàng trăm công nhân tập trung thành lập các đội xung kích vừa truy lùng bọn ác ôn, vừa bảo vệ tài sản đồn điền (ngày 20-4). Cùng ngày, công nhân đồn điền Hàng Gòn cũng nổi dậy làm chủ nhà máy. Ngày 21-4-1975, Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, TX. Long Khánh hoàn toàn giải phóng, hàng loạt đồn điền trên quốc lộ 20 và lộ 2 cũng được giải phóng.

Ngày 22-4-1975, Ban Công vận Khu ủy miền Đông đã chuyển đến đồn điền An Lộc để lãnh đạo công nhân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, tiếp tục bảo vệ tài sản đồn điền cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đức Việt

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích