Sinh năm 1907 tại Quảng Trị, sớm giác ngộ cách mạng nên từ năm 1927, đồng chí Lê Duẩn được kết nạp vào Chi bộ Việt Nam cách mạng Đảng; tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1929 và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sinh năm 1907 tại Quảng Trị, sớm giác ngộ cách mạng nên từ năm 1927, đồng chí Lê Duẩn được kết nạp vào Chi bộ Việt Nam cách mạng Đảng; tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1929 và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 10-1981, Tổng bí thư Lê Duẩn về thăm đồng lúa của HTX nông nghiệp Trường Sơn (huyện Kiến An, TP.Hải Phòng) - đơn vị đạt năng suất cao về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ảnh tư liệu. |
Sau khi thoát khỏi nhà tù của thực dân Pháp, đồng chí được bầu là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ năm 1937. Với cương vị này, đồng chí đã cùng các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… khôi phục các tổ chức Đảng ở Trung kỳ, góp phần vào cao trào đấu tranh sôi nổi trong cả nước.
Tháng 3-1938, tại Hội nghị Trung ương, trước biến chuyển của tình hình và bằng cảm quan nhạy bén chính trị, đồng chí Lê Duẩn đã đề xuất ý kiến cần phải xây dựng Mặt trận dân chủ để đấu tranh với kẻ thù. Thực tế sau đó đã chứng minh luận điểm sáng tạo này của đồng chí. Cuối năm 1939, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương, quyết định thành lập Mặt trận Phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ, chuyển hướng cuộc đấu tranh cách mạng sang một thời kỳ mới...
Từ nhà tù Côn Đảo, lần thứ 2 trở về đất liền, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Những năm 1946-1954, với cương vị là Bí thư Xứ ủy, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Trung ương Cục tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam bộ và tiến hành cải cách ruộng đất trong các vùng giải phóng.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Lê Duẩn đã tự nguyện ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Bằng uy tín và năng lực của mình, đồng chí đã trở thành trung tâm đoàn kết quy tụ các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; những nhân sĩ, trí thức Nam bộ tên tuổi cùng sát cánh trong sự nghiệp kháng chiến của dân tộc.
Tháng 10-1954, tại rừng U Minh, Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam bộ được triệu tập. Tại hội nghị này đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Tại cực Nam của Tổ quốc - rừng U Minh, đồng chí bắt đầu khởi thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Đề cương đã giúp cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, là cơ sở cho Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) năm 1959 về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam.
Đồng chí Lê Duẩn đã hoàn thành xuất sắc các sứ mệnh lớn lao mà Đảng và nhân dân giao phó, như đồng chí Lê Đức Anh đã nhận định: “Bằng tư duy sáng tạo và phẩm chất lớn lao, Anh đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh cao cả đó, anh đã thật sự xứng đáng với sự ủy thác to lớn đó. Tự giác tôi luyện mình trong cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam”. |
Từ năm 1960, với cương vị là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng về phong trào cách mạng miền Nam. Đồng chí là người chuẩn bị soạn thảo các văn kiện cụ thể hóa và hoàn chỉnh dần đường lối cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam, đưa đến những quyết định mang tính lịch sử, xác định đường lối chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1975, nhận thấy tình hình chiến trường có lợi cho ta, đồng chí Lê Duẩn đã đề nghị Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương chuyển sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Từ đề nghị này, Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương đã hạ quyết tâm chuẩn xác tạo điều kiện thúc đẩy cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi nhanh hơn, to lớn hơn, đưa đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào năm 1975.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đồng chí Lê Duẩn là một nhà lý luận kiệt xuất, với những sáng tạo về lý luận và đường lối cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam và xây dựng đất nước đã góp phần nâng trình độ tư duy của Đảng, của dân tộc ta lên tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận cách mạng.
Trung Kiên