15 năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, ông Nguyễn Hữu Khanh, tổ trưởng tổ nhân dân số 7A, ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) đã làm được nhiều việc có ích cho bà con trong tổ, kể cả trong đời sống lẫn công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở địa bàn. Thế nhưng, khi nói về mình, ông tâm sự rất đơn giản: “Làm công việc có lợi cho dân mình không hề toan tính thiệt, hơn. Người dân còn tín nhiệm thì mình cứ làm”.
Ông Khanh trong một lần nhận giấy khen của UBMTTQ về thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. |
15 năm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, ông Nguyễn Hữu Khanh, tổ trưởng tổ nhân dân số 7A, ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) đã làm được nhiều việc có ích cho bà con trong tổ, kể cả trong đời sống lẫn công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở địa bàn. Thế nhưng, khi nói về mình, ông tâm sự rất đơn giản: “Làm công việc có lợi cho dân mình không hề toan tính thiệt, hơn. Người dân còn tín nhiệm thì mình cứ làm”.
* Dân tín nhiệm, mình cứ làm
Kể lại cái cơ duyên làm tổ trưởng tổ nhân dân, ông Nguyễn Hữu Khanh cho biết, chẳng ai mặn mà làm tổ trưởng nhân dân, bởi công việc cực nhọc, không lương, dễ va chạm và rất dễ mất lòng làng xóm. Trước đây, ở tổ 7A, ấp Cẩm Sơn có nhiều người tham gia công tác này. Nhưng sau một thời gian, một phần do áp lực công việc, một phần do không có thu nhập nên họ xin thôi làm tổ trưởng để lo kinh tế gia đình. Năm 1995, để có người thay thế, điều hành công việc chung trong tổ, bà con đã bầu ông Khanh đảm nhận công việc này. Thấy người dân trong tổ tín nhiệm mình, ông đã nhận nhiệm vụ, dù trong lòng rất lo lắng, không biết mình có đảm đương được công việc mà bà con đã giao phó hay không. Tuy nhiên, sự động viên, giúp đỡ của chính quyền và công an xã, cùng với sự nỗ lực của bản thân, ông đã khắc phục mọi khó khăn để làm tròn chức trách mà bà con trong tổ giao phó.
15 năm làm tổ trưởng nhân dân, ông Khanh đã làm được nhiều việc có ích cho bà con, xóm làng. Được biết, tổ nhân dân số 7A có 30 hộ, 132 nhân khẩu, phần lớn bà con sinh sống trong tổ đều là dân từ các tỉnh, thành trong cả nước đến đây lập nghiệp từ sau ngày quê hương giải phóng. Cuộc sống của bà con trong tổ còn nhiều khó khăn, văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng miền có khác nhau nên đôi lúc cũng xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trong lối sống thường ngày. Nắm rõ đặc điểm này, trong quá trình đảm đương công việc, ông Khanh đã dành nhiều thời gian đến thăm các hộ gia đình, nắm bắt hoàn cảnh kinh tế, cuộc sống của từng hộ, tâm tư, nguyện vọng của bà con trong tổ để làm cầu nối giúp mọi người gần gũi với nhau hơn, từ đó tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa bà con trong tổ.
Bên cạnh sự sâu sát, gắn bó với mọi người, với công việc mình đang làm, ông Khanh còn là người vui tính, dễ hòa đồng nên ông dễ tiếp cận với bà con trong việc vận động thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và phong trào hành động cách mạng ở địa phương.
* Tất cả vì công việc chung
Những năm gần đây, tổ nhân dân 7A giành được nhiều thành quả trong công tác bảo vệ an ninh trật tự và thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Để đạt được điều đó, trong vai trò của người tổ trưởng, ông Khanh đã thường xuyên bám sát cơ sở, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương này. Ông Khanh cho biết, công việc ở địa phương rất nhiều, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đều dồn về cơ sở triển khai thực hiện. Để biến các chủ trương, chính sách thành hiện thực, đòi hỏi cán bộ phụ trách ấp, tổ phải làm việc hết mình. Như ở tổ nhân dân số 7A, ngoài những công việc đột xuất cần phổ biến ngay cho dân thì tổ sẽ đứng ra triệu tập bà con tham dự họp để nắm bắt vấn đề và triển khai thực hiện. Nếu không thì định kỳ 3 tháng/lần tổ sẽ họp dân để phổ biến cho bà con trong tổ biết, tham gia thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ ANTT, làm vệ sinh nơi cư ngụ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo…
Và, để công việc của tổ luôn trôi chảy, người dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào, đòi hỏi người tổ trưởng phải thường xuyên sâu sát với bà con trong từng nội dung của cuộc vận động. Làm việc không lương, nhưng vì toàn tâm, toàn ý với công việc chung nên suốt thời gian gánh vác nhiệm vụ mà người dân trong tổ giao phó, ông Khanh có mặt mọi lúc, mọi nơi khi người dân cần sự giúp đỡ. Sự có mặt đúng lúc của ông đã kịp thời giải quyết ổn thỏa các trường hợp vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”; hay chuyện hàng xóm xích mích với nhau trong tranh chấp bờ rào, lối đi; chuyện các thanh thiếu niên tụ tập gây gổ, đánh nhau; chuyện vận động người dân đóng góp vào quỹ khuyến học, xóa đói, giảm nghèo…, tạo sự đoàn kết, hiểu biết nhau hơn giữa những người dân trong tổ. Nhờ thường xuyên tiếp cận cơ sở, gắn bó, sâu sát với bà con nên ông Khanh nắm chắc tình hình trong tổ và không để xảy ra những sự việc bất ngờ liên quan đến ANTT, góp phần đưa tổ 7A liên tục giữ vững thành tích tổ dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội nhiều năm liền.
Đánh giá đúng mức công lao đóng góp của ông Khanh cho sự nghiệp bảo vệ ANTT địa phương, trong nhiều năm qua, tỉnh và huyện Cẩm Mỹ đã tặng cho ông nhiều giấy khen, bằng khen.
Đức Việt