Báo Đồng Nai điện tử
En

Lê Văn Lương - người cộng sản mẫu mực

09:03, 26/03/2012

Đồng chí Lê Văn Lương là một nhân cách lớn, đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đồng chí Lê Văn Lương là một nhân cách lớn, đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hội thảo với chủ đề “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” do Tỉnh ủy Hưng Yên vừa phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy Hà Nội tổ chức đã thống nhất đánh giá như trên.

* Dấn thân vào con đường cách mạng

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Lê Công Miều, sinh ngày 28-3-1912 tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nho học. Từ khi học trường Bưởi (Hà Nội), đồng chí đã tham gia các phong trào bãi khóa, để tang Phan Châu Trinh (năm 1926). Năm 1927, khi 15 tuổi, đồng chí đã gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và dấn thân vào con đường cách mạng. Đồng chí gia nhập Đông Dương cộng sản Đảng tháng 6-1929 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi Đảng thành lập.

Được tổ chức cử vào Sài Gòn hoạt động từ năm 1929, tại đây, đồng chí đã gây dựng các cơ sở cách mạng và chỉ đạo các phong trào đấu tranh trong công nhân lao động. Tháng 3-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và bị kết án tử hình. Sau đó, đồng chí được giảm xuống án chung thân khổ sai cùng các đồng chí Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Diểu, Lê Quang Sung bị đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù của đế quốc, cùng với các đồng chí của mình, Lê Văn Lương được bổ sung vào cấp ủy của tổ chức Đảng nhà tù. Tại đây, đồng chí đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, là nơi tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và lãnh đạo đấu tranh chống lại chế độ tù đày hà khắc.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 23-9-1945, đồng chí Lê Văn Lương cùng các đồng chí khác được đón về Nam bộ để rồi từ đây, đồng chí đã xông pha vào những nơi khó khăn, gian khổ nhất, trên nhiều cương vị hoạt động khác nhau, cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đấu tranh cho hòa bình, độc lập và thống nhất nước nhà. Tháng 10-1945, đồng chí được cử làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ và được Trung ương điều ra Bắc, giúp Tổng bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự Thật, Nhà xuất bản Sự Thật. Đầu năm 1947, đồng chí được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng, cuối năm 1948 được chỉ định làm Trưởng ban Đảng vụ.

* Trung thực, ngay thẳng, dám nhận trách nhiệm khi sai lầm

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), đồng chí Lê Văn Lương được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương và chỉ đạo Văn phòng Trung ương. Từ giữa năm 1953, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Cải cách ruộng đất Trung ương do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban, đồng chí Lê Văn Lương được phân công tham gia Ban lãnh đạo Cải cách ruộng đất...

Đồng chí Lê Văn Lương với người dân ở quê hương Xuân Cầu.
Đồng chí Lê Văn Lương với người dân ở quê hương Xuân Cầu.

Hòa bình lập lại, đồng chí lần lượt giữ các nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bí thư Khu ủy Tả ngạn, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Là đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng, liên tục được bầu tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương từ khóa II đến khóa V, với gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí Lê Văn Lương thể hiện tấm gương của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đồng chí là một người lãnh đạo trung thực, ngay thẳng, dám nhận trách nhiệm trước sai lầm, thành thật sửa chữa, không vì lợi ích cá nhân, là người nhân hậu, sống có tình, có nghĩa với đồng chí, đồng bào...

Kiên Trung

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều