So với các đối tượng khác, quá trình triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công nhân lao động có phần khó khăn hơn. Tuy nhiên, bước đầu tỉnh cũng đã có những cách làm sáng tạo để đẩy mạnh phong trào, thu hút đông đảo người lao động tham gia…
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm Công ty Dona Victor thuộc Tập đoàn Phong Thái. Ảnh: C.NGHĨA. |
So với các đối tượng khác, quá trình triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công nhân lao động có phần khó khăn hơn. Tuy nhiên, bước đầu tỉnh cũng đã có những cách làm sáng tạo để đẩy mạnh phong trào, thu hút đông đảo người lao động tham gia…
Ông Cao Văn Hưng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom cho biết, đặc thù của khu vực này là tuy tập trung nhiều khu công nghiệp lớn như: Sông Mây, Hố Nai… nhưng vẫn còn là vùng nông thôn. Người lao động ở Trảng Bom cũng khác với các khu công nghiệp ở Biên Hòa khi tác phong, tinh thần làm việc chưa mang tính công nghiệp cao.
* Gắn với các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, một mô hình đơn giản, dễ thực hiện nhưng hướng đến hiệu quả cao được xây dựng và phổ biến trong công nhân lao động ở Trảng Bom là “xây dựng tác phong công nghiệp”. Đi làm đúng giờ, chấp hành nội quy, kỷ luật, có trách nhiệm với công việc, bảo quản máy móc, trang thiết bị tại nơi làm việc, học tập nâng cao trình độ… là những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không đơn giản chút nào. Và các công nhân ở đây đã thực hiện và bước đầu tạo được chuyển biến tốt.
Trong khi đó, ở Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), những năm qua, khi phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công đoàn cơ sở công ty đã nhất trí gắn với mô hình “Cải tiến kỹ thuật, sáng tạo tăng năng suất”. Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa - “cây sáng kiến” của công ty cho biết, chị và Phòng thiết kế sản phẩm của mình không những luôn bảo nhau sáng tạo mẫu mã giày dép mới đáp ứng thị trường tiêu dùng mà còn tìm tòi tiết kiệm nguyên vật liệu, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động cho công nhân. Những sáng kiến như: in bế nổi mặt kim tuyến, cải tiến công nghệ lót đế… của chị và các đoàn viên trong phòng đã làm lợi hàng trăm triệu đồng cho công ty.
Tại Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), 5 năm nay các đoàn viên công đoàn của các công ty trực thuộc luôn quan tâm đến cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu. Anh Vũ Trọng Hoàng, công nhân thuộc tổng công ty cho biết, sau nhiều tháng mày mò nghiên cứu, anh và nhóm công nhân trong phân xưởng đã thực hiện thành công phương pháp cải tiến trong cắt đầu lọc thuốc lá, vừa ít hao hụt đầu lọc vừa tăng năng suất quấn điếu lên gấp rưỡi.
Nhìn chung, hầu hết các cấp Công đoàn trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều gắn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến của doanh nghiệp mình, vì thế hiệu quả của phong trào đã tăng lên rõ rệt.
Công nhân Công ty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2) trong giờ sản xuất. Ảnh: C.NGHĨA |
* Tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động
Tổ chức Công đoàn các cấp cũng không “bỏ quên” người lao động ở các khu nhà trọ, Anh Bùi Quang Trung, Bí thư Đoàn phường Long Bình (TP. Biên Hòa) cho biết, ở địa bàn có đến 1/2 số dân là công nhân ngoại tỉnh như Long Bình thì việc quan tâm xây dựng các mô hình học tập và làm theo gương Bác là điều quan tâm hàng đầu. Mô hình “Xây dựng nhà trọ văn hóa” đã bước đầu được triển khai ở địa phương. Qua triển khai mô hình, các công nhân nhà trọ tập ý thức giữ gìn vệ sinh khu vực mình ở, tiến đến tham gia Ngày chủ nhật xanh để giữ gìn môi trường cộng đồng.
Ở khu ký túc xá của Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom), công nhân lưu trú nơi đây cũng xây dựng mô hình “Phòng văn hóa, hộ gia đình văn hóa”, không chỉ hạn chế được tệ nạn nhậu nhẹt say xỉn gây mất an ninh trật tự mà người lao động còn tích cực tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, tư vấn sức khỏe gia đình. Một số khu nhà trọ khác ở Nhơn Trạch, Long Thành… cũng kết hợp việc học và làm theo Bác với mô hình “Xây dựng khu nhà trọ văn hóa, không có tệ nạn xã hội”.
Tại Công ty Pouchen (TP.Biên Hòa), Ban giám đốc công ty cũng hỗ trợ công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các lớp trang bị kỹ năng chuyên môn như tin học, Anh văn, Hoa văn; đào tạo kỹ năng cho cuộc sống và gia đình như khiêu vũ, nấu ăn, làm bánh, trang điểm, cắm hoa, cắt uốn tóc, làm móng để xây dựng nề nếp văn hóa trong doanh nghiệp. |
Đặc biệt, phong trào học tập và làm theo gương Bác bước đầu được triển khai tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty VPIC, doanh nghiệp có vốn 100% của Đài Loan, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Đào Văn Việt cho biết, các công nhân từ việc học Bác đã tạo được tác phong công nghiệp, có nề nếp, kỷ luật, tiết kiệm trong sử dụng văn phòng phẩm, điện nước, phấn đấu hạn chế sản phẩm lỗi, tăng năng suất. Liên tiếp trong 2 năm 2009, 2010 dù tình hình kinh tế chung gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu của doanh nghiệp vẫn tăng từ 20-30% khiến Ban giám đốc công ty rất phấn khởi, tạo điều kiện hết mình cho phong trào.
Bà Lê Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Việc học và làm theo Bác đã có những tác động tích cực, bước đầu tạo một số chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, người lao động. Nhiều cán bộ, công chức, công nhân lao động đã học tập và làm theo Bác, không ngừng phấn đấu học tập, lao động, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Đó là những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ”.
Linh Lan