Hiện toàn tỉnh có 8 tôn giáo, hơn 40 tổ chức giáo hội và hơn 1,6 triệu tín đồ. Trong năm vừa qua, các hoạt động tôn giáo trên địa bàn cơ bản tuân thủ theo pháp luật, các lễ nghi tôn giáo tại các cơ sở thờ tự diễn ra theo đúng nội dung đã đăng ký, được chính quyền chấp thuận.
Hiện toàn tỉnh có 8 tôn giáo, hơn 40 tổ chức giáo hội và hơn 1,6 triệu tín đồ. Trong năm vừa qua, các hoạt động tôn giáo trên địa bàn cơ bản tuân thủ theo pháp luật, các lễ nghi tôn giáo tại các cơ sở thờ tự diễn ra theo đúng nội dung đã đăng ký, được chính quyền chấp thuận.
8 tôn giáo có mặt trên địa bàn tỉnh, gồm: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Tứ ân hiếu nghĩa và Hồi giáo (Islam). Các tôn giáo này có số tín đồ chiếm 62% dân số toàn tỉnh; hơn 8.600 chức việc, hơn 6.000 tu sĩ, gần 900 chức sắc.
* Kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng của nhân dân
Để đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, các cấp chính quyền luôn xem xét, giải quyết kịp thời các hoạt động tôn giáo chính đáng và hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, tạo sự yên tâm, phấn khởi trong chức sắc, tu sĩ, tín đồ. Năm 2011, chính quyền các cấp trong tỉnh đã xem xét, giải quyết cho 512 cuộc lễ của các tôn giáo. Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền còn chấp thuận cho đổi tên 15 cơ sở của Phật giáo; cho phép xây mới và sửa chữa 54 công trình tôn giáo; chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo được phong phẩm, phong chức và bổ nhiệm 112 chức sắc, tu sĩ; tổ chức thọ giới cho 1.627 giới tử của Phật giáo... Nhân các ngày lễ, Tết của dân tộc và của tôn giáo, cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp đều tổ chức đi thăm, tặng quà các tổ chức, cá nhân tôn giáo tiêu biểu trên địa bàn, tạo mối quan hệ gắn bó giữa đạo và đời.
Đồng chí Bùi Ngọc Thanh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, thăm một gia đình Công giáo có thân nhân là liệt sĩ ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom. |
Trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các chủ trương, chính sách dành cho đồng bào tôn giáo, phần lớn các chức sắc, tu sĩ, chức việc, tín đồ các tôn giáo của tỉnh đều chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Mục sư Nguyễn Tờn, Trưởng ban đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tại Đồng Nai bày tỏ, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay tổ chức Tin lành của tỉnh đã cơ bản tấn phong đủ đội ngũ mục sư cho các địa bàn, từ đó giúp cho các hoạt động lễ nghi của Tin lành ngày càng ổn định. Theo mục sư Tờn, trước đây do chưa có đủ đội ngũ mục sư nên một mục sư phải phụ trách tới 2-3 địa bàn, rất khó khăn trong việc đi lại từ nơi này tới nơi khác mỗi khi có các cuộc lễ. Mục sư Tờn cho hay, ông rất thỏa lòng với các chính sách và sự quan tâm đến các hoạt động tôn giáo thời gian qua của tỉnh.
Theo thượng tọa Thích Huệ Hiền, Phó ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh, được sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh, Ban đại diện Phật giáo các huyện đã tiến hành đại hội nhiệm kỳ 2012-2017; tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ban trị sự Phật giáo tỉnh cùng với tỉnh đã tổ chức lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và Nghĩa trang TX.Long Khánh trong chương trình bế mạc trại hè cho học sinh, sinh viên kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức vào tháng 7-2011 tại Đồng Nai. Những hoạt động đó đã thu hút hàng ngàn chức sắc, tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.
Đối với tổ chức Công giáo, năm qua đã tổ chức được nhiều hoạt động lớn, trong đó có các hoạt động bế mạc năm Thánh; việc cung nghinh xương thánh dòng Bosco tại Cộng đoàn Đức Huy (huyện Thống Nhất); Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp tổ chức lễ tạ ơn 60 năm thành lập Dòng Đa Minh; Hội đoàn Caritas Xuân Lộc khai trương phòng khám chuyên khoa nhân đạo Xuân Hòa (TP.Biên Hòa) nhằm phục vụ việc khám chữa bệnh cho người nghèo....
* Quan tâm tới đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tại hội nghị tổng kết công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo năm 2011 vừa qua, các ý kiến cũng nêu rõ, vẫn còn một số tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tu sĩ chưa chấp hành nghiêm và hiểu rõ các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo, còn lợi dụng tôn giáo để gây mất đoàn kết nội bộ và trong nhân dân...
Khám và chữa bệnh cho nhân dân tại Tuệ Tĩnh Đường (thuộc Ban trị sự Phật giáo tỉnh). |
Theo ông Mai Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, cần phải có quy định chặt chẽ hơn trong một số hoạt động của tôn giáo, trong đó có việc đặt tượng tại tư gia. Đại diện Công an tỉnh thì cho rằng, nên thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo toàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo cho chức sắc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo. Tích cực xây dựng lực lượng nòng cốt trong đồng bào tôn giáo.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí nhấn mạnh, để công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo ngày càng có hiệu quả, công tác cán bộ đóng vai trò rất quan trọng. Các cấp phải quan tâm đào tạo, quy hoạch, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo đảm bảo có đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt các vấn đề về công tác tôn giáo.
Phương Hằng