“Nếu không có sự quan tâm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương thì có lẽ đến cuối đời vợ chồng tôi vẫn phải sống trong nhà lá” - ông Kim Mây (70 tuổi, người dân tộc Khmer, ở ấp Hiệp Cường, thị trấn Định Quán) chia sẻ.
“Nếu không có sự quan tâm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương thì có lẽ đến cuối đời vợ chồng tôi vẫn phải sống trong nhà lá” - ông Kim Mây (70 tuổi, người dân tộc Khmer, ở ấp Hiệp Cường, thị trấn Định Quán) chia sẻ.
Huyện Định Quán hiện có số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đông nhất tỉnh, với trên 56 ngàn nhân khẩu và chiếm gần 30% dân số của huyện. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong huyện đã tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo cho đồng bào DTTS.
Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh tặng quà chức sắc tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Định Quán trong dịp tết vừa qua. Ảnh: D.AN |
Thực hiện chương trình 134 của Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, ngoài nguồn vốn của trung ương và tỉnh, huyện còn trích ngân sách 2,8 tỷ đồng. Đồng thời, MTTQ huyện đã vận động đóng góp trong nhân dân được hơn 1 tỷ đồng để cùng thực hiện. Từ chương trình này, huyện đã xây dựng 4 cụm nước sinh hoạt tập trung ở các ấp có đông đồng bào sinh sống, 720 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, gần 580 hộ được hỗ trợ đất sản xuất...
Đối với chương trình 135 (xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, vệ sinh môi trường, dịch vụ pháp lý và trợ giúp học sinh), huyện đã triển khai bằng cách giao UBND các xã tổ chức họp dân để chọn danh mục công trình đối với từng nội dung trên, sau đó thông qua Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã, rồi trình UBND huyện phê duyệt. Đến nay ở phần xây dựng cơ bản, Định Quán đã làm hơn 25km đường giao thông, gần 6km đường điện hạ thế và 4 nhà cộng đồng vùng đồng bào DTTS. Huyện cũng đã cấp hơn 3.700 con heo, bò, gà cho các hộ DTTS để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Đình Đông, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện cho biết, những năm qua công tác đào tạo nghề cho con em đồng bào DTTS được huyện quan tâm. Trong 5 năm, hơn 800 con em đồng bào DTTS được đào tạo nghề ngắn và dài hạn; trên 76% số lao động sau khi được đào tạo đã có việc làm. Huyện cũng vừa phối hợp với Trường cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) sử dụng Trung tâm văn hóa xã La Ngà làm nơi đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện để các học viên không phải đi xa.
Với nhiều chính sách hỗ trợ, đến cuối năm 2011 toàn huyện đã giảm được 285 hộ nghèo DTTS. Điều đáng ghi nhận là có một số hộ DTTS tự nguyện không nhận sự hỗ trợ về xây dựng nhà ở vì họ cảm thấy có thể tự lo liệu được. Điều đó thể hiện tinh thần tự phấn đấu vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước trong đồng bào DTTS.
Trong chăm lo đời sống tinh thần, hiện trên địa bàn huyện đã xây dựng được một số nhà văn hóa dân tộc, như nhà cộng đồng Chơro xã Túc Trưng, nhà văn hóa Chơro xã La Ngà, nhà văn hóa dân tộc Mạ ở thị trấn Định Quán... Các nhà văn hóa, cộng đồng đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của bà con dân tộc.
Bên cạnh đó, các lễ hội của đồng bào cũng đều được quan tâm tổ chức hàng năm, như lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro, Yangbơnơm của đồng bào Mạ. Thời gian qua, huyện cũng đã tổ chức được các lớp cồng chiêng trong đồng bào dân tộc Chơro, Mạ để giúp đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc...
Phương Hằng