Trước bối cảnh thảm họa diệt chủng của đất nước Campuchia, những người yêu nước, chiến sĩ cách mạng chân chính, trong đó có Hun Sen - nguyên Trung đoàn phó quân Khmer đỏ đã sang Việt Nam để củng cố và xây dựng lực lượng, huấn luyện quân đội đoàn kết cứu nước, chờ thời cơ trở về lật đổ chính quyền Khmer đỏ, cứu đất nước và nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.
Trước bối cảnh thảm họa diệt chủng của đất nước Campuchia, những người yêu nước, chiến sĩ cách mạng chân chính, trong đó có Hun Sen - nguyên Trung đoàn phó quân Khmer đỏ đã sang Việt Nam để củng cố và xây dựng lực lượng, huấn luyện quân đội đoàn kết cứu nước, chờ thời cơ trở về lật đổ chính quyền Khmer đỏ, cứu đất nước và nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.
Sau một thời gian đứng chân, hoạt động tại Long Giao, được chuyên gia Việt Nam giúp, ngày 12-5-1978, tại Suối Râm (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ), Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia được thành lập, lấy phiên hiệu là Đoàn 125 gồm 125 cán bộ, chiến sĩ do ông Hunsen (nay là Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia) làm Chỉ huy trưởng. Đây là đơn vị tiền thân đầu tiên của Quân đội cách mạng Campuchia, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng cách mạng Campuchia thời kỳ non trẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (trái) đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia. Ảnh: T.Thúy |
Với sự giúp đỡ nhiệt tình, không điều kiện của nhân dân và quân đội Việt Nam, Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia đã nhanh chóng phát triển cả về chất và lượng. Đến tháng 12-1978, tổ chức này đã phát triển thành 22 tiểu đoàn lấy phiên hiệu là Đoàn 778, sẵn sàng đảm nhiệm nhiệm vụ chiến đấu với chế độ Pol Pot. Đầu năm 1979, được sự hỗ trợ của quân tình nguyện Việt Nam, Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia (Đoàn 125, sau là Đoàn 778) đã tiến về Phnom Penh, cùng với các lực lượng cách mạng tại chỗ lật đổ chính phủ Pol Pot, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng, xây dựng một đất nước Campuchia hòa bình, thịnh vượng và phát triển đến ngày nay.
Có thể nói, quân đội Hoàng gia Campuchia hiện nay xuất phát từ ba lực lượng chính: Lực lượng vũ trang của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (CPP), lực lượng vũ trang của Đảng Bảo hoàng Funcinppec do Norodom Sihanouk lãnh đạo, lực lượng Khmer đỏ hòa hợp dân tộc. Trong đó, nguồn từ lực lượng vũ trang cách mạng nhân dân Campuchia (bắt nguồn từ Đoàn 125) được thành lập ở huyện Cẩm Mỹ được đánh giá là lực lượng cách mạng nòng cốt, chính quy nhất; có chỉ huy, lãnh đạo và hệ thống tổ chức quân đội rất chặt chẽ, bài bản, rõ ràng.
Ngày 29-12-2011, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã ban hành Quyết định số 4317/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích lịch sử quốc gia: Địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Trước đó, ngày 28-11-2011, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3192/QĐ-UBND xếp hạng địa điểm này là di tích lịch sử cấp tỉnh. Như vậy, tính đến nay tỉnh có tổng cộng 44 di tích được xếp hạng (trong đó 25 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh). |
Trong quá trình sống, tham gia huấn luyện, chiến đấu, học tập tại Long Giao có 49 cán bộ, chiến sĩ người Campuchia đã bị chết được an táng tại nơi Đoàn 125 được thành lập. Hiện tại, nghĩa trang người Campuchia tại Long Giao gồm 49 ngôi mộ là di tích biểu trưng cho tinh thần yêu nước, sự bất khuất, trung kiên, quên mình, hy sinh vì chân lý, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mãi mãi được nhân dân Campuchia nhớ ơn, ghi vào trang sử hào hùng và được quân đội và nhân dân Việt Nam thường xuyên chăm sóc làm ấm lòng các chiến sĩ Campuchia đã yên nghỉ ngàn thu trên đất nước Việt Nam anh em.
Hiện nay, tại Long Giao - Địa điểm Đoàn 125 đứng chân chỉ còn lại một nghĩa trang người Campuchia với 49 ngôi mộ. Xưa kia, các ngôi mộ nằm rải rác trên một địa bàn rộng. Năm 2011, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (Bộ Quốc phòng) tiến hành quy tập, xây dựng thành một khu nghĩa trang trong địa điểm xưa kia Đoàn 125 đứng chân (nay thuộc Sư đoàn 302 - Quân khu 7 quản lý). Khu nghĩa trang tiếp tục được Quân khu 7 và UBND tỉnh trùng tu, nâng cấp và xây dựng Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia quy mô, hoành tráng và nhà khách cùng một số công trình phụ. Trong các lần trùng tu, nâng cấp nghĩa trang và xây dựng Tượng đài, Bộ Quốc phòng đều trao đổi, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen. Chính vì lẽ đó, các công trình tại khu nghĩa trang và Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia đều mang một phần kiến trúc, hoa văn truyền thống của đất nước Campuchia.
Di tích Địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân của lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia với ý nghĩa khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác lâu dài, bền vững trong quá khứ, hiện tại và mai sau giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia đã thống nhất chọn ngày 2-1-2012 làm lễ khánh thành công trình trùng tu, nâng cấp nghĩa trang người Campuchia tại Long Giao chào mừng kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng Campuchia (7-1).
Thúy Nga