Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc thi tìm hiểu giá trị lịch sử - văn hóa Đồng Nai: Khơi dậy tự hào và yêu thương…

08:01, 13/01/2012

Được chính thức phát động vào tháng 8-2011, chỉ sau 4 tháng Ban tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử Đồng Nai” đã nhận được số lượng bài dự thi ở mức kỷ lục: 28.656 bài.

Được chính thức phát động vào tháng 8-2011, chỉ sau 4 tháng Ban tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử Đồng Nai” đã nhận được số lượng bài dự thi ở mức kỷ lục: 28.656 bài.

Cuộc thi đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự. Từ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang cho đến cô chủ hiệu sách ở vùng quê, hay hội viên Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh. Đáng chú ý, chiếm đa số trong lượng người tham dự cuộc thi là học sinh, sinh viên, đoàn viên.

* Thu hút nhiều tầng lớp nhân dân

Thạc sĩ Phan Đình Dũng, giảng viên Trường đại học văn hóa TP. Hồ Chí Minh, thành viên ban giám khảo nhận xét, cấu trúc các câu hỏi của Ban tổ chức cuộc thi tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử Đồng Nai rất hay. Trong số 6 câu hỏi, thì có đến 4 câu thuộc vào dạng kiến thức nền, người dự thi có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu từ rất nhiều nguồn khác nhau, như từ sách ở thư viện, từ các trang web về văn hóa trên mạng internet. Vì thế, trong thời gian diễn ra cuộc thi, số lượng người mượn, đọc các tài liệu liên quan, như: Địa chí Đồng Nai, Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Văn hóa Đồng Nai sơ thảo, Hỏi đáp về Biên Hòa - Đồng Nai 310 năm… tại các thư viện tỉnh, huyện, cơ sở tăng lên một cách đáng kể; số lượng người truy cập vào các trang web liên quan đến văn hóa Đồng Nai cũng có đến vài ngàn lượt người/ngày.

Trang web của Thư viện Đồng Nai được nhiều người truy cập thông tin tìm hiểu để tham dự cuộc thi.
Trang web của Thư viện Đồng Nai được nhiều người truy cập thông tin tìm hiểu để tham dự cuộc thi.

Với 2 câu còn lại ở dạng tự luận, theo thạc sĩ Đình Dũng, đòi hỏi người dự thi trong quá trình nghiên cứu tài liệu phải có sự “thẩm thấu”, vận dụng kiến thức, và đây cũng là cơ sở để Ban giám khảo đánh giá xếp hạng bài thi. Từ 2 câu này, nhiều vấn đề còn bất cập trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, như vấn đề xây dựng văn hóa trong công nhân lao động nhập cư, trong công tác quản lý di tích danh thắng, biện pháp giáo dục truyền thống trong học sinh… đã được các tác giả đề cập đến bằng sự nhận thức từ thực tiễn cuộc sống.

Theo thống kê của Ban tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử Đồng Nai”, trong số 28.656 bài dự thi có đến 23.304 bài thuộc khối các trường học (chiếm tỷ lệ 81,3%). Khối có số lượng bài dự thi đứng thứ nhì là Liên đoàn lao động các cấp với 2.721 bài. Khối Đoàn thanh niên cũng có 1.761 bài dự thi. Người dự thi cao tuổi nhất là ông Võ Hồng Tuấn, sinh năm 1942 (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa). Người dự thi nhỏ tuổi nhất là em Bùi Quang Ngọc, sinh năm 2000 (học sinh lớp 6/2 Trường THCS Hùng Vương, TP. Biên Hòa).

Trong số các bài dự thi, nhiều bài thi ngoài bài viết rất công phu, lên đến gần 200 trang còn có hình ảnh minh họa đi kèm khá phong phú. Đa số bài dự thi cũng được đóng bìa trang trọng, chứng tỏ sự nghiêm túc của tác giả. Bài của chị Nguyễn Ngọc Thu (Nhà sách Kim Khánh, huyện Trảng Bom) còn đóng hẳn thành 2 tập để người đọc dễ hình dung. Một thí sinh dự thi thuộc ngành công an thì không hài lòng với những hình ảnh tư liệu trên mạng mà tự tìm đến tất cả các di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh được nhắc đến trong bài viết của mình và chụp ảnh để minh họa. Một thí sinh khác còn kỳ công thực hiện cả video clip để minh họa về hình ảnh các di tích, công trình văn hóa.

Theo thạc sĩ Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, thành viên ban giám khảo, đây có lẽ cũng là cuộc thi mà số lượng giám khảo “hùng hậu” nhất, lên đến 13 vị. Việc chấm thi cũng được tổ chức chặt chẽ, bảo đảm tính công bằng, minh bạch, chính xác và nghiêm túc, có ba-rem điểm cụ thể cho từng tiêu đề nhỏ trong câu hỏi, hạn chế được tình trạng “chênh” điểm quá lớn giữa các giám khảo.

* Hiểu biết để tự hào

Bà Trần Thị Diêm (Bảo tàng Đồng Nai) kể, có ông cụ gần 70 tuổi cũng tham gia dự thi và trong quá trình làm bài đã quyết định chọn Bảo tàng Đồng Nai là một trong những thành tựu về văn hóa của tỉnh từ năm 1975 đến nay, nên ông đến bảo tàng đề nghị cung cấp tất cả thông tin về đơn vị. Thế là lãnh đạo Bảo tàng Đồng Nai phải lục tung tất cả các tài liệu về quá trình hình thành, hoạt động theo yêu cầu của ông, và ông cụ ghi chép rất tỉ mỉ, hỏi han cặn kẽ từng chi tiết.

Một số bài tham gia cuộc thi.
Một số bài tham gia cuộc thi.

Em Hồ Duy Phương (lớp 12A11 Trường THPT Xuân Lộc) cho biết, nhà em ở vùng sâu, vùng xa nên việc tìm tài liệu nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Ngoài giờ học, em tranh thủ lên thư viện trường đọc tài liệu kết hợp với tra cứu trên mạng. Không ngờ, càng tìm hiểu em càng thấy cuốn hút về vùng đất mình đang sinh sống. “Trước đây em không biết cách nơi mình ở không xa có một di tích lịch sử cấp quốc gia với hơn 2 ngàn năm tuổi là mộ cự thạch Hàng Gòn. Nhờ tham gia cuộc thi, em biết nhiều hơn, như biết được các di tích lịch sử - văn hóa, biết cha ông mình đã mở mang bờ cõi ra sao, hiểu Đồng Nai có văn hóa đa dạng, phong phú nhưng vẫn hòa chung dòng chảy văn hóa của dân tộc... Từ đó, hai tiếng Đồng Nai bỗng trở nên thiêng liêng mà gần gũi hơn trong lòng em” - Duy Phương tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Thắng, cán bộ phụ trách Công đoàn Sở Lao động - thương binh và xã hội, là một trong những “chuyên gia” đoạt giải tại các cuộc thi cấp tỉnh thì cho biết, chị hào hứng tham dự cuộc thi ngoài mong muốn củng cố những kiến thức, hiểu biết về vùng đất nơi mình sinh sống, còn muốn góp phần đẩy mạnh phong trào để mọi người hiểu rõ, sâu hơn về văn hóa của Đồng Nai. “Tôi được rất nhiều khi tham gia cuộc thi, không chỉ là được về kiến thức mà còn được niềm tự hào về quê hương mới của mình” - chị Thắng khẳng định.

Lan Linh

 

                                                             

 

 

Tin xem nhiều