“Chị Tô Thị Ngõa, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Nam Hà được người dân nơi đây biết đến bởi chị một thân một mình lo làm kinh tế, hết lòng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống gia đình” - chị Đặng Thị Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) cho biết.
“Chị Tô Thị Ngõa, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Nam Hà được người dân nơi đây biết đến bởi chị một thân một mình lo làm kinh tế, hết lòng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống gia đình” - chị Đặng Thị Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) cho biết.
Chị Tô Thị Ngõa kiểm tra chôm chôm trong vườn chuẩn bị ra bông. |
Từ Long An, chị Ngõa lên Cẩm Mỹ lập nghiệp và gắn bó với nghề làm rẫy từ bao năm nay. Ngay từ đầu chị đã mạnh dạn mua đất làm rẫy. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, khó khăn khắc phục dần dần, đến nay chị đã có 3 hécta rẫy trồng cà phê, tiêu, điều, bắp đậu… Chị Ngõa cho biết: “Lúc tôi mới đến đây lập nghiệp, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn nên việc đưa máy móc vào rẫy không dễ. Mỗi mùa mưa đến, cỏ mọc khắp rẫy, để tiết kiệm tiền thuê người phát cỏ, tôi đầu tư máy và bản thân kiêm luôn công việc này” - chị Ngõa cho hay. Nhờ sự nỗ lực của bản thân và mạnh dạn chuyển đổi sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao nên sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, 3 hécta rẫy của chị hàng năm cho thu nhập ổn định.
Ngoài thu nhập từ rẫy, chị còn đầu tư chăn nuôi heo, gà. Đây cũng là nguồn để chị hỗ trợ con giống cho chị em hội viên phụ nữ khó khăn. Về Đồng Nai lập nghiệp từ năm 1989, đến năm 1991 thì chị bắt đầu tham gia làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ, rồi công tác dân số ở ấp Nam Hà. Chị Ngõa chia sẻ: “20 năm làm công tác phụ nữ, cứ thấy gia đình nào khổ, không có điều kiện làm ăn thì mình cho mượn con heo giống, chị em nào kẹt tiền thì có thể hỗ trợ chút đỉnh để họ vượt qua khó khăn, khi nào có thì hoàn trả lại”. Chị còn tích cực giúp chị em làm thủ tục vay vốn ngân hàng và hướng dẫn để sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Không dừng lại ở đó, với những con em hội viên khó khăn về điều kiện đến trường, chị và các chị em khá giả hơn hỗ trợ tiền học phí, mua sách giáo khoa, quần áo mới để các cháu yên tâm tới trường. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến chị lại vận động quà Tết chăm lo cho các hội viên người dân tộc thiểu số.
Trao đổi với chúng tôi, chị cho biết dự định: “Sau này khi sức khỏe yếu đi, tôi sẽ dành trọn quãng đời còn lại cho công tác từ thiện”.
N. Tuyết