Báo Đồng Nai điện tử
En

Vươn lên thoát nghèo để giúp đời

09:11, 14/11/2011

Trong tâm trạng phấn khởi, ông Điểu Văn Thành (ở tổ 2, ấp Đức Thắng 2, xã Túc Trưng, huyện Định Quán) kể cho chúng tôi nghe chuyện về thôn xóm với bao tâm huyết ông dồn vào đó nhằm làm đổi thay nhận thức và phát triển kinh tế cho bà con đồng bào dân tộc ít người.

Trong tâm trạng phấn khởi, ông Điểu Văn Thành (ở tổ 2, ấp Đức Thắng 2, xã Túc Trưng, huyện Định Quán) kể cho chúng tôi nghe chuyện về thôn xóm với bao tâm huyết ông dồn vào đó nhằm làm đổi thay nhận thức và phát triển kinh tế cho bà con đồng bào dân tộc ít người.

* Cố gắng thoát nghèo

Tựa lưng vào chiếc ghế sô-pha, ông Thành ôn lại kỷ niệm thuở hàn vi của mình bằng giọng trầm buồn hòa lẫn những trăn trở chất chứa lâu ngày mới có dịp giãi bày. Theo lời ông Thành, gia đình ông vốn có truyền thống theo cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Sau giải phóng, ông về mảnh đất heo hút của xã Phú Túc (huyện Định Quán) để xây dựng gia đình. Bấy giờ, ông đã tham gia vào lực lượng dân quân ấp với chức danh ấp đội trưởng để phối hợp với công an giữ gìn an ninh trật tự địa phương.

Ông Thành thường xuyên đến thăm hỏi các hộ dân để giúp họ hiểu hơn về các quy định, chính sách của Nhà nước.  Ảnh: T.MINH
Ông Thành thường xuyên đến thăm hỏi các hộ dân để giúp họ hiểu hơn về các quy định, chính sách của Nhà nước. Ảnh: T.MINH

Những đứa con của ông lần lượt ra đời trong niềm vui của gia đình và bản làng. Nhưng cuộc sống khó khăn, lắm lúc khiến ông sinh ra chán nản. Tuy vậy, vai trò trụ cột gia đình không cho phép ông ngã quỵ trước gian khó. Thế là, ông lao vào lao động để hy vọng thoát nghèo. Ông cho biết: “Nghiệt nỗi mình làm nông nghiệp thô sơ nên cứ phải trông nhờ vào thời tiết. Năm nào cũng thất thu nên làm hoài mà chẳng khá lên nổi”.

Năm 1994, khi Phú Túc chia làm 4 xã, ông được điều về xã Túc Trưng đảm nhận chức xã đội phó phụ trách quân sự. Đầu năm 2004, ông được xét cho vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo để đầu tư vào chăn nuôi dê. Thấy ông chăm chỉ làm ăn và nhiệt tình với công tác tuyên truyền, vận động ở địa phương nhưng chỗ ở của gia đình quá khó khăn, cuối năm 2004, Huyện đội Định Quán đã hỗ trợ cho ông kinh phí để sửa nhà. Ông Thành tâm sự: “Nhiều lúc đi tuyên truyền cho người khác mà về nhìn lại nhà mình dột nát, xiêu vẹo nên buồn lắm. Lúc đó, tôi chỉ ước có căn nhà cho ra hồn để khỏi lo lắng mỗi khi mưa đến”.

Sau khi an cư, gia đình ông bắt tay vào lạc nghiệp và từng bước thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Nhờ chăm lao động, sống tiết kiệm, năm 2007, ông đã trả nợ vay đúng kỳ hạn. Cũng trong năm 2007, ông được tín nhiệm vào chức Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, và ông đã làm tốt nhiệm vụ này từ đó đến nay. Các con của ông hiện đều giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền địa phương và tham gia rất tích cực vào phong trào vận động xây dựng đời sống văn hóa ở bản làng.

 * Giúp bà con phát trin kinh tế

Là người con của dân tộc Chơro và sống trên mảnh đất có trên 30%  hộ đồng bào dân tộc ít người nên hơn ai hết, ông Thành rất hiểu bà con mình. Bởi vậy, ông chọn cho mình biện pháp gần gũi bà con để dễ bề vận động. Tuy nhiên, những việc ông làm không phải lúc nào cũng đạt kết quả như mong muốn. Ông cho hay: “Bà con người dân tộc của mình phần lớn đều nghèo nên việc nhận thức còn hạn chế lắm. Có lúc tôi bị đẩy vào những tình huống dở khóc dở cười chẳng biết đâu mà đỡ”.

Nói rồi ông dẫn chứng về công tác xóa đói giảm nghèo, sinh con đúng kế hoạch ở địa phương. Khi tuyên truyền thì ai cũng hứa hẹn, đến lúc cán bộ kế hoạch hóa gia đình nhắc nhở về việc sinh con thứ 3 thì họ lại một mực cho rằng nuôi con biết chữ là đủ rồi, cần gì phải chăm sóc kỹ. Không chỉ vậy, lao động sản xuất ở đây chủ yếu làm thủ công nên việc tuyên truyền về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất e rất khó. Bởi theo lời ông Thành, bà con dân tộc có đời sống kinh tế khó khăn nên việc đầu tư lâu dài cho nông nghiệp rất khó thực hiện, dù họ biết là có hiệu quả. Đó là chưa kể nhiều người cho rằng, thói quen sản xuất nông nghiệp của họ trước giờ vẫn thế, giờ thay đổi họ không quen và có khi còn làm trái nguyên tắc…

Với quyết tâm và nỗ lực của mình, ông Điểu Văn Thành không chấp nhận cái nghèo đeo bám bà con dân tộc của mình. Vì vậy, mưa dầm thấm lâu, ông đến từng nhà phân tích, chỉ dẫn họ làm theo đúng hướng dẫn của mình để có kết quả tốt. Nhờ vậy, đến nay đời sống kinh tế, văn hóa của các hộ đồng bào dân tộc địa phương ông ngày một phát triển. Trong năm 2010, ông Thành và chính quyền địa phương cũng đã vận động và xây tặng được 10 căn nhà tình thương cho người nghèo, trong khi chỉ tiêu huyện đề ra chỉ 5 căn/năm.

Với những việc làm của mình, hàng năm ông Thành luôn nhận được bằng khen của huyện, tỉnh về thành tích đóng góp cho địa phương. Nói về những kết quả mình làm được cho bà con, ông không giấu được niềm vui hiện rõ trên nét mặt. Tuy nhiên, ông luôn hy vọng một ngày không xa bà con nghèo quê ông không còn cảnh nhà tranh vách nứa, khi đó nụ cười trên môi ông sẽ rạng rỡ hơn.

Tùng Minh

 

 

 


 

 

Tin xem nhiều